Vinaconex thoái vốn VC2, rút khỏi dự án Kim Văn - Kim Lũ

VietTimes -- Với việc triệt thoái vốn tại Vinaconex 2, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng sẽ “dứt tình” với dự án Kim Văn - Kim Lũ đình đám một thời.
Phối cảnh dự án Kim Văn - Kim Lũ (Nguồn: VC2)
Phối cảnh dự án Kim Văn - Kim Lũ (Nguồn: VC2)

Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) vừa thông qua việc thoái toàn bộ 5,4 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ của CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2 - Mã CK: VC2). Động thái này được thực hiện theo chủ trương tái cấu trúc một số đơn vị thành viên của Vinaconex đã được HĐQT thông qua trước đó.

Vinaconex vẫn được biết tới là công ty mẹ của Vinaconex 2 dù không nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối (51%). Nguyên nhân là do tổng công ty này vẫn được quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm phần lớn các thành viên trong ban giám đốc điều hành hoạt động của Vinaconex 2.

Về phía Vinaconex 2, công ty này được thành lập vào tháng 4/1970, tiền thân là Công ty Xây dựng Xuân Hòa. Tới tháng 6/1995, Bộ Xây dựng quyết định sát nhập Xây dựng Xuân Hòa vào Vinaconex và đổi tên thành Công ty Xây dựng số 2. Quy mô vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex 2 đã để lại nhiều dấu ấn trên thị trường với dự án Khu đô thị mới VC2 Golden Silk (Kim Văn - Kim Lũ). Đây cũng là dự án bất động sản có quy mô lớn nhất mà VC2 từng thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng triển khai thực hiện từ năm 2010.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án nảy sinh nhiều sai phạm và một số chi phí vẫn còn “tồn dư” trên báo cáo tài chính của Vinaconex đến tận Quý 2/2019.

Cụ thể, theo thông báo kết luật thanh tra số 2923/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 22/11/2017, sau khi được TP. Hà Nội cấp phép làm chủ đầu tư, Vinaconex 2 đã chia dự án làm 2 giai đoạn thực hiện.

Trong đó, riêng đối với lô CT2 có diện tích khoảng 28.373 m2, Vinaconex 2 trực tiếp đầu tư trên 14.584 m2 đất, phần còn lại công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh).

Tại thời điểm thanh tra, 2 doanh nghiệp chưa có hợp đồng chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng nhà chung cư, và chưa được UBND Tp. Hà Nội cấp phép đầu tư. Do đó, UBND Tp. Hà Nội chưa xác định tiền sử dụng đất phải nộp, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

TTCP đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về ngân sách thành phố số tiền sử dụng đất hơn 480 tỷ đồng, trong đó: Vinaconex 2 phải nộp 340 tỷ đồng và Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp 142 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2019, Vinaconex vẫn còn ghi nhận 138,29 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang cho Dự án Kim Văn - Kim Lũ. Đây là giá trị được phân bổ cho phần diệc tích dùng cho mục đích quản lý và cho thuê trong tương lai tại Tòa nhà B - 45 tầng thuộc Dự án Kim Văn - Kim Lũ. Toàn bộ công trình đang được thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn ngân hàng.

Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà Vinaconex ghi nhận tại dự án Kim Văn - Kim Lũ
Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà Vinaconex ghi nhận tại dự án Kim Văn - Kim Lũ

Ngoài ra, HĐQT Vinaconex cũng vừa thông qua việc triệt thoái vốn tại CTCP Xây dựng & XNK Quyết Thắng. Sau khi hoàn tất việc thoái vốn, Vinaconex sẽ không còn là cổ đông của Vinaconex 2 và CTCP Xây dựng & XNK Quyết Thắng./.