Độc giả tẩy chay các nhân vật đã bị bóp méo của “Thần đồng Đất Việt”

VietTimes – Phiên xử sáng nay, 27/8, ý kiến của Viện KSND là giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Họa sĩ Lê Linh và luật sư đưa nhiều chứng cứ về việc bộ truyện "Thần đồng Đất Việt" từ tập 79 đã bóp méo các hình tượng nhân vật thuộc bản quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh.
Hồ sơ đăng ký các nhân vật "Thần đồng Đất Việt" tại Cục Bản quyền tác giả ngày 7/5/2002
Hồ sơ đăng ký các nhân vật "Thần đồng Đất Việt" tại Cục Bản quyền tác giả ngày 7/5/2002

Tại phiên xử sáng 27/8 vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” đang được Tòa án nhân dân Quận 1, TP. Hồ Chí Minh thụ lý và đưa ra xét xử, ý kiến của Viện KSND là giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên hồi tháng 1/2019, khẳng định họa sĩ Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”.

Phiên tuyên án sẽ được tiếp tục vào lúc 8h ngày 3/9 tới.

“Ông Linh là người trực tiếp vẽ các hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”  trên giấy và sau đó được Công ty Phan Thị in trong các tập từ tập 1 đến tập 78 của bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”; tức là ông Linh là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Như vậy, ông Linh đủ điều kiện để được công nhận là tác giả theo Điều 8, Nghị định 100; cũng như quy định bảo hộ tại Công ước Berne – điều ước đa phương mà Việt Nam đã tham gia và có nghĩa vụ tuân thủ” – Luật sư Trương Thị Thu Hồng (đoàn Luật sư TP.HCM) phát biểu.

Họa sĩ Lê Linh trình bày trước HĐXX, ông Nguyễn Vân Nam (đại diện Công ty Phan Thị) bên trái ảnh
Họa sĩ Lê Linh trình bày trước HĐXX, ông Nguyễn Vân Nam (đại diện Công ty Phan Thị) bên trái ảnh

Họa sĩ Lê Linh cho biết: “Các biến thể nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”  trong các tập truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” từ tập 79 trở đi đã bị Công ty Phan Thị bóp méo, sửa chữa tác phẩm gốc, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Cụ thể: “Từ tập 79 trở đi, nét vẽ của các nhân vật là biến thể của hình tượng các nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”  đã trở nên rất thiếu cảm xúc. Gương mặt với cùng một kiểu biểu cảm “há hốc mồm” của các nhân vật, không thể hiện được sự thay đổi trong nét mặt. Cụ thể tôi đưa ra ví dụ về nét vẽ nhân vật “Trạng tí” ngẫu nhiên trong tập truyện số 190 mà Công ty Phan Thị thuê họa sĩ khác vẽ và tập số 69 do tôi vẽ”.

“Chỉ cần so sánh về nét mặt của nhân vật “Trạng Tí” trong một cách ngẫu nhiên ở trên, chúng ta có thể thấy: nếp nhăn nơi ấn đường (giữa hai chân mày) khác hoặc không có, đuôi mắt không có nếp nhăn, mí mắt dưới không có nếp nhăn để thể hiện biểu cảm qua cơ mặt. Không diễn tả được cảm xúc khi vui, giận, ngạc nhiên của nhân vật” – Họa sĩ Lê Linh nói.

“Về nguyên tắc, phong cách nét vẽ hoàn toàn có thể được tái hiện giống nhau, nhưng cách truyền đạt cảm xúc rất riêng của người họa sĩ thì không thể bắt chước. Chỉ cần chênh lệch vài nét đơn giản, nhưng giá trị thì đã khác nhiều. Các biến thể của các nhân vật từ tập 79 trở đi đã làm biến dạng tác phẩm gốc do tôi vẽ ra. Từ sự biến dạng đó làm cho độc giả nghi ngờ rằng tôi vẽ nhưng thực chất tôi không vẽ ra các biến thể đó. Đây là lý do việc Công ty Phan Thị vẽ tiếp các biến thể là các hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”  trong các tập truyện Thần đồng đất việt từ tập 79 trở đi gây phương hại đến danh dự và uy tín của tôi” – Họa sĩ Lê Linh trình bày trước Hội đồng xét xử.

Trên nhiều diễn đàn, rất đông các độc giả của truyện tranh lên tiếng kêu gọi tẩy chay các ấn bản “Thần đồng Đất Việt” từ sau khi họa sĩ Lê Linh không còn tham gia vẽ bộ truyện này, vì lý do nét vẽ thiếu hồn và quá xấu.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh phát biểu
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh phát biểu khẳng định tại phiên tòa hôm 16/7 hoàn toàn không biết Quyền sở hữu và Quyền tác giả có đồng nhất (là một quyền) hay không.