Hơn 40 giáo sư hàng đầu của y tế Việt Nam dự lễ tri ân đặc biệt nhân ngày 20/11

VietTimes  – Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức lễ tri ân đặc biệt dành cho các thế hệ giáo sư và nguyên lãnh đạo của Trường. Hơn 40 giáo sư, trong đó có 4 nữ giáo sư, là những chuyên gia hàng đầu của y tế Việt Nam đã dự cuộc gặp mặt.
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - tri ân các giáo sư tiền bối của Trường
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - tri ân các giáo sư tiền bối của Trường

Trong số các giáo sư danh tiếng trên, có giáo sư Thẩm Trọng Tảo, 103 tuổi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – một trong những người cùng thế hệ với giáo sư Tôn Thất Tùng đã có mặt ở Trường từ những ngày đầu tiên; GS. Phan Thị Phi Phi - một trong 3 nạn nhân chất độc da cam đầu tiên đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ, đồng thời, trực tiếp đến Hoa Kỳ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Việt Nam; GS. Đỗ Doãn Đại - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và là thân phụ của GS. Đỗ Doãn Lợi, cũng nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - báo cáo tình hình hoạt động của Trường với các thế hệ đi trước
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - báo cáo tình hình hoạt động của Trường với các thế hệ đi trước

Có mặt tại lễ tri ân còn có giáo sư Nguyễn Đức Vy, chuyên gia hàng đầu về sản khoa; giáo sư Trần Quán Anh, chuyên gia hàng đầu về nam học; giáo sư Trần Quỵ - chuyên gia về Nhi khoa của Trường và nguyên là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người có vai trò quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS vv…

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – đã báo cáo với các thế hệ lãnh đạo đi trước khái quát quá trình phát triển của Trường: Trường Đại học Y Hà Nội hiện có 79 đơn vị trực thuộc với gần 2.200 CBCNV, trong đó, có 23 giáo sư (10 năm trước Trường chỉ có 6-7 giáo sư), 189 phó giáo sư và 345 tiến sĩ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, Trường tập trung đổi mới giáo dục nhằm đào tạo các bác sĩ y khoa có chất lượng cao.

GS.TS. Tạ Thành Văn và 2 giáo sư nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội: Giáo Thẩm Trọng Tảo, 104 tuổi; giáo sư Đỗ Doãn Đại, 97 tuổi
GS.TS. Tạ Thành Văn và 2 giáo sư nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội: Giáo Sư Thẩm Trọng Tảo, 103 tuổi; giáo sư Đỗ Doãn Đại, 97 tuổi

Đặc biệt, Trường Đại học Y Hà Nội đang hướng đến việc kiểm định chương trình đào tạo ở tầm quốc gia và quốc tế. Trước mắt, Trường chuẩn bị kiểm định chương trình quốc gia, từ đó, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, để được quốc tế công nhận. Trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho từng chương trình đào tạo; coi trọng việc hợp tác quốc tế để tăng số sinh viên học tập tại nước ngoài; triển khai hành chính công một cửa để quản lý tốt, đảm bảo công bằng, khách quan.

Hai vị giáo sư cao tuổi và tên tuổi
Hai vị giáo sư cao tuổi và tên tuổi: GS Thẩm Trọng Tảo (áo đỏ thẫm) và GS. Đỗ Doãn Đại

Trong nghiên cứu khoa học (NCKH), các giáo sư tiền bối đánh giá cao sáng kiến của Trường khi mạnh dạn tận dụng tối đa kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển NCKH: Nhiều sinh viên được Quỹ đổi mới sáng tạo của Vingroup hỗ trợ hàng trăm triệu; Bệnh viện Tâm Anh hỗ trợ Trường mỗi năm 1 tỷ đồng cho NCKH và sẵn sàng hỗ trợ cả chục tỷ cho các nghiên cứu ứng dụng hiệu quả.

Nhờ thế, năm 2019 Trường có 128 công bố quốc tế, tăng vọt so với 87 công bố của năm 2016, cho thấy tiềm lực lớn của Trường. Điều quan trọng là Trường coi trọng tính ứng dụng lâm sàng; sản phẩm đầu ra. Đầu tư cho các nghiên cứu tăng cao nhưng nếu không có kết quả tác giả sẽ phải hoàn tiền.

 
 

Các thế hệ giáo sư đi trước phát biểu ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của Trường Đại học Y Hà Nội thời gian qua
Các thế hệ giáo sư đi trước phát biểu ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của Trường Đại học Y Hà Nội thời gian qua

Trong hướng phát triển của Trường, GS.TS. Tạ Thành Văn còn cho biết:  Trường đang tái cơ cấu tổ chức theo qui chế hoạt động mới đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, sắp xếp, giảm từ 79 đầu mối xuống còn 34, làm tiền đề cho thành lập Đại học Y Hà Nội với các trường đại học chuyên khoa là thành viên. Việc huy động nguồn lực cho đổi mới đào tạo y khoa đòi hỏi giảm mạnh đội ngũ hành chính gián tiếp, tăng cường cho chuyên môn, đầu tư rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đều từ nguồn lực của Trường.

Các giáo sư, các thế hệ lãnh đạo của Trường đã đánh giá cao nỗ lực của Trường Đại học Y Hà Nội để có được kết quả trên, đặc biệt là việc tái cơ cấu tổ chức, tận dụng kinh phí ngoài ngân sách để phát triển NCKH, đổi mới đào tạo, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để Trường ngày càng phát triển.

“Trở về Trường hôm nay, nhiều giáo sư đã rất khó khăn mới tìm được nơi mình từng làm việc, vì trường giờ quá rộng lớn và khang trrang, cho thấy Trường đã lớn mạnh rất nhanh, cả về cơ sở vật chất lẫn con người, thực sự là niềm tự hào của chúng tôi” - Thay mặt Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Hội Cựu giáo chức của Trường Đại học Y Hà Nội, giáo sư Trần Văn Dần bày tỏ.

 

Tri ân các giáo sư đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường Đại học Y Hà Nội
Tri ân các giáo sư đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường Đại học Y Hà Nội
 

GS. Đỗ Doãn Đại và các giáo sư tiền bối đặc biệt ủng hộ chủ trương và nỗ lực kiểm định chương trình đào tạo của Trường, bởi việc kiểm định đòi hỏi kinh phí rất lớn mà Trường phải tự chủ hoàn toàn.

Các giáo sư mong Ban Giám hiệu nhà trường chắt lọc các ý kiến đóng góp, để xây dựng một mô hình đào tạo bác sĩ không chỉ cho Trường, mà còn cho các trường đại học y khác trong cả nước học tập.