Thắp ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn:

Bài 7: Nhiều cặp đôi dìu nhau qua ung thư và hiếm muộn

VietTimes – Khó ai ngờ căn bệnh ung thư có thể đến ngay từ khi còn thanh xuân, thậm chí vừa cưới nhau vài tháng, hoặc chuẩn bị cưới thì phát hiện bệnh. Nhiều cặp đôi còn rất trẻ nhưng không may phải chiến đấu cả với căn bệnh ung thư và đối diện nguy cơ vô sinh. Không bỏ cuộc, không rời người mình thương, dắt nhau đi bằng tình yêu, họ kiên trì đồng hành vừa chữa bệnh hiểm nghèo, vừa lên lộ trình “thoát án” hiếm muộn. Cuộc trao đổi của VietTimes với BS CKII Trần Nguyên Hà – Trưởng Khoa Nội 4 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) về ung thư và vô sinh - hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc - nhất là những người bị ung thư và hiếm muộn - những thông tin bổ ích. 
BS CKII Trần Nguyên Hà – Trưởng Khoa Nội 4 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) trao đổi về nguy cơ vô sinh trong quá trình điều trị ung thư
BS CKII Trần Nguyên Hà – Trưởng Khoa Nội 4 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) trao đổi về nguy cơ vô sinh trong quá trình điều trị ung thư

Bệnh nhân ung thư nhiều nguy cơ bị “tuyên án” vô sinh

+ Hiện nay, tình trạng vô sinh hiếm muộn đã trở thành vấn đề chung của cả cộng đồng, xã hội. Bệnh nhân (nam và nữ) điều trị ung thư có nguy cơ bị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như thế nào thưa bác sĩ?

- Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn cơ thể, kể cả hệ sinh sản, theo những cách khác nhau. Hóa trị, xạ trị và phẫu trị đều có thể tác động xấu đến buồng trứng và tinh hoàn. Nhìn chung, liều càng cao và thời gian điều trị càng lâu sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề sinh sản càng lớn.

Các nguy cơ khác tùy thuộc vào tuổi, loại thuốc được sử dụng, vị trí tiếp nhận xạ trị và các yếu tố khác. Chính căn bệnh ung thư  cũng có thể gây vô sinh như ung thư tinh hoàn và bệnh Hodgkin (một loại ung thư hạch) có thể gây ra lượng tinh trùng thấp ở một số bệnh nhân nam trước khi bắt đầu điều trị.

Hóa trị có thể làm tổn hại hại cho cả tinh trùng ở bệnh nhân nam và suy buồng trứng ở bệnh nhân nữ. Suy buồng trứng là tác dụng phụ lâu dài thường gặp ở phụ nữ còn kinh có trải qua hóa trị. Hậu quả: bệnh nhân có hội chứng mãn kinh, giảm mật độ xương, vô sinh.

Nguy cơ suy buồng trứng tùy thuộc vào phác đồ hóa trị, thời gian và tuổi bệnh nhân lúc điều trị. Thuốc hóa trị có hoạt tính alkyl như cyclophosphamide, ifosfamide, busulphan, procarbazine… gây bất lợi nhất cho khả năng sinh sản.

Các thuốc trong nhóm Anthracycline như doxorubicin hay các thuốc chứa platinum như cisplatin, carboplatin… và các loại thuốc hóa trị khác cũng có thể gây ra thiệt hại. Các yếu tố như tuổi, phác đồ hóa trị cũng như tổng liều cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ vô sinh.

Xạ trị có thể làm suy yếu hệ sinh sản. Xạ trị vào não có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do phá hủy các khu vực kiểm soát sản xuất hormone. Xạ trị vào vùng chậu hoặc gần đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tinh hoàn hoặc buồng trứng, gây vô sinh.

Phẫu trị loại bỏ một phần hoặc toàn bộ hệ sinh sản có thể làm suy yếu hoặc thậm chí loại bỏ khả năng sinh sản như ung thư sinh dục nam, buồng trứng, tử cung, cổ tử cung…

+ Thưa bác sĩ, có các giải pháp nào để giảm thiểu nguy cơ vô sinh hiếm muộn cho bệnh nhân điều trị ung thư?

Bác sĩ Trần Nguyên Hà trao đổi tại một hội thảo
Bác sĩ Trần Nguyên Hà (ngoài cùng, bên phải ảnh) trao đổi tại một hội thảo

- Vô sinh xảy ra khi hệ sinh dục ở bệnh nhân nam không còn có thể tạo tinh trùng, khi số lượng tinh trùng thấp hoặc khi tinh trùng bị tổn thương do điều trị ung thư. Sau khi điều trị mạnh tay hoặc điều trị thời gian dài, một số bệnh nhân có rất ít tinh trùng hoặc không có tinh trùng nào  được tìm thấy trong tinh dịch.

Các lựa chọn để bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân nam gồm có:

Ngân hàng tinh trùng - một cách đơn giản, đã được chứng minh để  duy trì khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư. Tinh trùng có thể được đông lạnh và được lưu trữ để sử dụng trong tương lai (cryopreserved).

Trữ lạnh mô tinh hoàn: Những bệnh nhân nam không có tinh trùng có trong tinh dịch có thể có một quy trình phẫu thuật để lấy mô tinh hoàn (mô này được kiểm tra tinh trùng tại thời điểm phẫu thuật). Mô tinh hoàn có chứa tinh trùng được đông lạnh và được sử dụng để lấy tinh trùng để thụ tinh trong tương lai bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào trứng (ICSI).

Che chắn khi xạ trị: Che một hoặc cả hai tinh hoàn bằng các tấm chắn có chì cũng làm giảm nguy cơ cho bệnh nhân khi xạ trị vùng bụng dưới hoặc vùng chậu.

Hầu hết bệnh nhân nữ còn trẻ khi điều trị ung thư đều có mong muốn được bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai, cần khám với chuyên gia nội tiết sinh sản để thảo luận về các chọn lựa bảo tồn sinh sản.

Phương pháp được ưa chuộng nhất với bệnh nhân nữ là trữ lạnh phôi. Khi không thể trữ lạnh phôi thì trữ lạnh trứng trưởng thành trong ống nghiệm.

Ngoài ra còn có biện pháp trữ lạnh mô buồng trứng nhưng chưa chắc chắn có hiệu quả, giới y học vẫn đang nghiên cứu nên biện pháp này chưa được áp dụng rộng rãi.

Nếu trữ lạnh phôi hoặc trứng không khả thi thì các chọn lựa thay thế để bảo tồn sinh sản thay đổi dựa trên điều trị với thuốc GnRH agonist đè nén chức năng buồng trứng trên những phụ nữ hóa trị ung thư vú. Biện pháp này vẫn còn đang gây nhiều bàn cãi trong giới y khoa.

Những cặp đôi cổ tích, dắt nhau đi bằng tình yêu

+ Thưa bác sĩ, được biết là ung thư không có nghĩa là chấm hết. Xin bác sĩ cho biết một số trường hợp bệnh nhân (nam và nữ) sau thời gian điều trị ung thư vẫn có khả năng sinh sản và quay trở lại cuộc sống đời thường?

Từ 5 giờ sáng, hàng ngàn bệnh nhân đã tất tả đổ về Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trong đó, khá nhiều bệnh nhân phải đối mặt với cả ung thư lẫn nguy cơ vô sinh, hiếm muộn
Từ 5 giờ sáng, hàng ngàn bệnh nhân đã tất tả đổ về Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trong đó, khá nhiều bệnh nhân phải đối mặt với cả ung thư lẫn nguy cơ vô sinh, hiếm muộn

- Đúng như vậy, ung thư không có nghĩa là chấm hết. Ngày nay, cánh cửa sinh học ung thư ngày càng mở rộng, các nhà khoa học đã biết ung thư có nhiều thể (nhóm) bệnh trong bệnh lý của một cơ quan.

Như trong ung thư vú, có nhiều nhóm bệnh trong đó có nhóm có tiên lượng tốt chiếm đa số, cơ hội trị khỏi cao nếu như phát hiện sớm. Một số bệnh ung thư có khả năng trị khỏi cao, chẳng hạn như ung thư tinh hoàn. Sau khi bệnh ổn định, bệnh nhân vẫn có thể sinh con.

Tôi đã từng điều trị và chứng kiến các bệnh nhân ung thư tinh hoàn, dù đã cắt tinh hoàn một bên vẫn sinh hoạt tình dục bình thường và vẫn có  con.

Ở nữ cũng vậy, mới đây, một bệnh nhân trẻ của tôi, cư trú tại Vũng Tàu về TP.HCM chữa căn bệnh ung thư vú, sau thời gian ổn định cũng đã sinh em bé rất kháu khỉnh. Một số trường hợp khác, phát hiện sớm ung thư vú trong lúc mang thai vẫn được chúng tôi điều trị theo kế hoạch điều trị an toàn mẹ và cho thai nhi.

+ Thưa bác sĩ, sau quá trình điều trị ung thư, có nên đặt lộ trình cho việc lập gia đình và sinh con như thế nào là hợp lý?

- Sau khi hoàn tất điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa ung thư và bác sĩ sản khoa. Tùy theo tình hình bệnh lý, các bác sĩ sẽ khuyến cáo về thời điểm an toàn để mang thai và sinh con.

Việc lập gia đình trong lúc đang điều trị cũng là quyết định cá nhân. Bệnh nhân của tôi, nhiều cặp vợ chồng còn rất trẻ, dù cô vợ bị mắc ung thư nhưng khác với những cặp đôi sụp đổ, vỡ mộng, thất vọng hay đau khổ, họ vẫn quyết định dũng cảm cưới nhau bình thường.

Người chồng kiên trì đồng hành với vợ trong quá trình chữa bệnh. Có được tình yêu ấy sẽ là động lực rất lớn để cô vợ có thể đi qua bệnh tật. Vượt lên tất cả bằng tình yêu, họ đang rất hạnh phúc dù đang phải nỗ lực chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.