Giải mã căn bệnh viêm cơ tim cấp

VietTimes -- Trước những thông tin gây hoang mang cộng đồng về căn bệnh viêm cơ tim cấp, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm giảng viên Bộ môn Nội - Trường Đại học Y Hà Nội-  đã kịp thời có những chia sẻ, giải mã căn bệnh ít gặp này.
Virus là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim song không có khả năng lây lan hoặc gây ra đại dịch viêm cơ tim.
Virus là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim song không có khả năng lây lan hoặc gây ra đại dịch viêm cơ tim.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim

Viêm cơ tim là tình trạng viêm của toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân gây bệnh đến từ virus hoặc các bệnh lý tự miễn. Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, thay vì vi khuẩn, cơ tim bị chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây viêm cơ tim.

Bệnh có thể tự khỏi song cũng gây tử vong

Theo PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch. Có nhiều bệnh nhân mắc viêm cơ tim sau đó tự khỏi, cũng có nhiều người bệnh phải chịu những di chứng nặng nề của bệnh, thậm chí tử vong.

3 biểu hiện của viêm cơ tim

Viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc vào thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Song, dù là thể bệnh nào, viêm cơ tim cũng có 3 biểu hiện chính gồm: suy tim, tim không đủ khả năng bơm máu khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, vận động hạn chế, phù chân, khó thở liên tục hoặc khó thở khi vận động, khi nằm nghỉ; đau ngực; rối loạn nhịp tim khiến tim đập nhanh hoặc bỏ nhịp.

Khi có các biểu hiện trên, người dân nên tới gặp các bác sĩ hoặc đi thăm, khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải cũng lưu ý người dân chia sẻ chi tiết với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân, ví dụ vừa mắc cảm cúm, vừa tiêm vaccine hoặc đang sử dụng một loại thuốc mới.

Bắt buộc phải xét nghiệm để chẩn đoán bệnh

Người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm và thăm dò để chẩn đoán chính xác bệnh gồm: xét nghiệm máu để phát hiện các yếu tố bất thường; điện tim giúp phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim; X-quang tim phổi phát hiện tổn thương tim phổi; siêu âm tim đánh giá được vận động thành tim, khả năng co bóp của cơ tim, tình trạng hoạt động của các van tim; cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận kích thước tim, đánh giá hoạt động hoặc tổn thương ở tim; thông tim can thiệp nhằm đo áp lực bên trong tim và mạch máu hoặc chụp động mạch vành hoặc sinh thiết.

Điều trị viêm cơ tim

Phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân của bệnh lý, các biện pháp điều trị viêm cơ tim cũng linh hoạt, phối hợp với nhau, ví dụ sử dụng thuốc hỗ trợ suy tim, suy hô hấp, loạn nhịp tim, chống hình thành cục máu đông trong tim và mạch máu hoặc thuốc ức chế miễn dịch kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh có bác sĩ tư vấn.

Đối với các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng viêm cơ tim nặng, các bệnh nhân phải thở máy, sử dụng tới các thiết bị hỗ trợ tim, máy hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Trong tình huống nguy kịch, các biện pháp nói trên không có hiệu quả, phương pháp điều trị cuối cùng là ghép tim cho bệnh nhân.

Sau khi được điều trị bệnh, các bệnh nhân viêm cơ tim tái khám định kì để theo dõi tình trạng sức khỏe, có thể phải thực hiện thăm dò đánh giá chức năng tim và đánh giá một số di chứng của viêm cơ tim.

(Nguồn: PGS.TS. Hoàng Bùi Hải/Uptodate 2019)