Kỷ niệm 10 năm chương trình giáo dục hiện đại Cánh Buồm và 100 ngày mất nhà giáo Phạm Toàn:

GS. Hồ Ngọc Đại: Nhà giáo Phạm Toàn đã “học” và “dùng” công nghệ giáo dục

VietTimes – Giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chương trình giáo dục hiện đại Cánh Buồm và 100 ngày mất của nhà giáo Phạm Toàn – người sáng lập và điều hành chương trình, PV VietTimes đã có cuộc trò chuyện với GS. Hồ Ngọc Đại – người dành cả cuộc đời chỉ để đi dạy lớp 1, “cha đẻ” của sách giáo khoa công nghệ giáo dục và là người bạn tri kỷ của nhà giáo Phạm Toàn
GS. Hồ Ngọc Đại tại buổi trò chuyện. Ảnh: Minh Thúy
GS. Hồ Ngọc Đại tại buổi trò chuyện. Ảnh: Minh Thúy

+ Hôm nay vừa tròn 100 ngày mất của nhà giáo Phạm Toàn, ông có thể cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với nhà giáo Phạm Toàn?

- Nhà giáo Phạm Toàn là một người bạn thân thiết của tôi. Mặc dù Phạm Toàn hơn tuổi tôi nhưng luôn trân trọng gọi tôi là “thầy”. Phạm Toàn là một con người thực sự yêu giáo dục, tận tâm với giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học. Không chỉ vậy, Phạm Toàn còn là một con người làm việc vô cùng say mê và vô tư, vừa là nhà giáo, vừa là nhà văn và cả đời làm sư phạm.

Đối với tôi, nhà giáo Phạm Toàn là một người bạn thân tình. Trước lúc ra đi, nhà giáo Phạm Toàn đã yêu cầu được gặp tôi để trò chuyện lần cuối. Mặc dù đã biết trước hôm nay là 100 ngày mất của nhà giáo Phạm Toàn nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hụt hẫng, vì Phạm Toàn là một con người tâm huyết, chân thành. 

GS. Hồ Ngọc Đại và nhà giáo Phạm Toàn
GS. Hồ Ngọc Đại và nhà giáo Phạm Toàn

+ Được biết, từ năm 1967, ông đã cùng cố nhà giáo Phạm Toàn nghiên cứu giáo dục tiểu học, ông có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian này?

- Mặc dù từ năm 1967 tôi đã cùng nhà giáo Phạm Toàn nghiên cứu về giáo dục tiểu học, nhưng đến năm 1978, chúng tôi mới trực tiếp gặp và làm việc cùng nhau dưới mái Trường thực nghiệm. Nhà giáo Phạm Toàn đã giúp đỡ rất nhiều trong lúc trường gặp khó khăn.  

Trước khi về công tác và làm việc tại Trường thực nghiệm, nhà giáo Phạm Toàn đã dạy học ở nhiều nơi và dạy sách bổ túc văn hóa cho miền núi – do chính nhà giáo Phạm Toàn viết.

Bản thân tôi nhận thấy nhà giáo Phạm Toàn là một con người thực sự tâm huyết và dành rất nhiều tình yêu cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học.

GS. Hồ Ngọc Đại trò chuyện cùng nhà giáo Phạm Toàn
GS. Hồ Ngọc Đại trò chuyện cùng nhà giáo Phạm Toàn

+ Chương trình giáo dục hiện đại Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập, đã biên soạn nhiều cuốn sách cho cấp tiểu học, trung học cơ sở, ngoài ra còn có sách sư phạm, tâm lí học giáo dục, trong đó có sách Tiếng Việt 1 với các nội dung về ngữ âm, từ vựng, cú pháp, văn bản và hoạt động ngôn ngữ. Xin ông cho biết sách Tiếng Việt 1 của Cánh Buồm có điểm gì khác so với sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục?

- Theo tôi, nhà giáo Phạm Toàn đã tiếp thu công nghệ giáo dục và có cách chuyển tải sáng tạo, mạnh dạn thông qua bộ sách Tiếng Việt 1 của Cánh Buồm.

Nhà giáo Phạm Toàn đã “học” và “dùng” công nghệ giáo dục để phát triển ra bộ sách Tiếng Việt 1 dành cho học sinh tiểu học với nội dung về ngữ âm, từ vựng, cú pháp, văn bản và hoạt động ngôn ngữ. Trước đó, nhà giáo Phạm Toàn đã cùng tôi tham gia viết bộ sách công nghệ giáo dục, trong đó có cuốn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.

GS. Hồ Ngọc Đại nhớ lại những kỷ niệm với nhà giáo Phạm Toàn
GS. Hồ Ngọc Đại nhớ lại những kỷ niệm với nhà giáo Phạm Toàn

+ Hiện, bộ sách Cánh Buồm dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông có thể cho biết bộ sách này có đặc điểm nổi bật gì?

- Tôi đã đọc bộ sách của nhà giáp Phạm Toàn bao gồm các cuốn sách Văn, Tiếng Việt, Lối Sống, Khoa học từ lớp 1 đế lớp 5 và sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 3. Nhà giáo Phạm Toàn đã tặng tôi cả bộ sách đó.

Nhà giáo Phạm Toàn đã vận dụng công nghệ giáo dục để xử lý các vấn đề. Cuốn sách Tiếng Việt 1 của tập thể nhóm tác giả Cánh Buồm có tư tưởng chủ yếu theo hệ thống khái niệm của công nghệ giáo dục. Điển hình là chương trình giáo dục hiện đại sẽ trả lại niềm vui đến trường cho học sinh, để các em có thể thực sự cảm thấy đi học là hạnh phúc.

Tôi cho rằng nhóm Cánh Buồm là một tập hợp những người rất trẻ, năng động và có nhiều sự sáng tạo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ sách.

Cuốn sách Công nghệ dạy văn của nhà giáo Phạm Toàn
Cuốn sách Công nghệ dạy văn của nhà giáo Phạm Toàn
Bút tích của cố nhà giáo Phạm Toàn
Bút tích của cố nhà giáo Phạm Toàn 

+ Có ý kiến cho rằng liệu bộ sách Cánh Buồm có cùng chung số phận với bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục hay không? Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Bộ sách Cánh Buồn của nhà giáo Phạm Toàn không đưa vào thẩm định, là một bộ sách tự do, nếu các trường và phụ huynh thấy phù hợp thì sẽ sử dụng cho học sinh.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Minh Thúy (thực hiện)

Nhà giáo Phạm Toàn sinh năm 1932, tại Hà Nội. Trước khi được biết đến như một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục, ông từng được mến mộ bởi một số truyện ngắn và nhiều tác phẩm dịch, đều ký bút danh Châu Diên.

Mặc dù ông cùng GS. Hồ Ngọc Đại nghiên cứu giáo dục tiểu học từ năm 1967, nhưng đến khi ông sáng lập nhóm Cánh Buồm vào cuối năm 2009, hình ảnh của ông mới thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Cánh Buồm là một nhóm những người thiết tha với trẻ em, với nền giáo dục nước nhà. Nhóm Cánh Buồn chủ trương có một định nghĩa mới về giáo dục: “Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên của cả một dân tộc.

Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn sách Văn và Tiếng Việt cho cấp tiểu học và trung học cơ sở; Khoa học, Lối sống và Tiếng Anh cho cấp tiểu học (riêng Tiếng Anh còn 2 cuốn lớp 4 và lớp 5 đang làm).

Đến nay đã có khoảng 100.000 bản sách Cánh Buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt cấp tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp.

Bộ sách Cánh Buồm hiện đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP.HCM.