Asanzo phủ nhận giao dịch với Sa Huỳnh và liên quan đến 14 công ty trung gian

VietTimes – Tại cuộc họp báo “Asanzo được minh oan” do chính doanh nghiệp này tổ chức mới đây, ông Trần Đức Hoàng – luật sư, tư vấn pháp lý của Asanzo tuyên bố Asanzo chỉ có mối quan hệ buôn bán hàng hóa với 14 công ty trung gian như báo chí nêu. Còn riêng đối với Sa Huỳnh, ông Hoàng khẳng định Asanzo thậm chí không hề có giao dịch nào.
Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo (giữa), ông Trần Đức Hoàng – Luật sư (phải).
Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo (giữa), ông Trần Đức Hoàng – Luật sư (phải).

Buổi họp báo này đồng thời có sự hiện diện ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo, tuy nhiên luật sư Hoàng thay mặt ông Tam trao đổi với báo giới trong đa phần thời lượng hỏi đáp.

Trả lời về nghi vấn các doanh nghiệp được Asanzo “nuôi nhiều năm”, ông Hoàng nhấn mạnh, Asanzo hoàn toàn không có mối quan hệ sở hữu, hay điều khiển đối với 14 doanh nghiệp. Mối quan hệ duy nhất giữa Asanzo và các doanh nghiệp này chỉ đơn thuần là mối quan hệ giao dịch mua bán hàng hóa. Mặc khác, 14 công ty này cũng cung cấp hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp khác ngoài Asanzo.

Đề cập thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan nêu hiện tượng các “công ty bỏ trốn”, luật sư Hoàng cho rằng việc này có thể được hiểu là do các doanh nghiệp này thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh, nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng. Điều này khá bình thường, phổ biến hiện nay.

Phủ nhận việc liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp này, ông Hoàng nhấn mạnh, nếu 14 doanh nghiệp có vi phạm pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Trên cơ sở đây đã từng là các công ty bán hàng cho Asanzo, chúng tôi khẳng định họ phải tự chịu trách nhiệm trước chúng tôi, nếu các hành vi vi phạm pháp luật này có ảnh hưởng tới Asanzo” - Ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Asanzo nhấn mạnh.

Riêng về Công ty Sa Huỳnh đã bị khởi tố, ông Hoàng cho biết đã rà soát tất cả các hồ sơ và khẳng định Asanzo không mua bán, đặt hàng gì từ Công ty Sa Huỳnh.

Dựa vào kết luận 774/KL-KTSTQ ngày 15/8/2019 của Tổng Cục Hải quan về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, Kết luận buổi làm việc với Asazo của VCCI và Báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 của Cục quản lý thị trường, ông Hoàng cho biết đủ cơ sở để khẳng định Asanzo không vi phạm xuất xứ, không vi phạm về trốn thuế và không lừa dối khách hàng.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam nói: “89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền”.

Được biết, trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/8 là hạn cuối để các cơ quan chức năng có kết luận thanh tra Công ty Asanzo liên quan "nghi án Asanzo bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt". Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa công bố kết luận vụ việc.

Trước giờ họp báo, một lãnh đạo của Ban Chỉ đạo 389 cho biết việc họp báo là việc của Asanzo, không vi phạm pháp luật thì được phép triển khai. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức Ban Chỉ đạo 389 sẽ công bố với báo chí.