Nhà đầu tư SAB có đang trục lợi từ thị trường phái sinh?

VietTimes – Nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn đã có một nhóm các nhà đầu tư SAB trục lợi thị trường phái sinh bằng việc xả 20.000 cổ phiếu SAB khiến VN30 giảm điểm vào cuối ngày 18/4.
SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) là cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN30
SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) là cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN30

Trong 30s cuối phiên giao dịch ngày 18 tháng 4, SAB đột ngột giảm đến -6.4% sau một lệnh bán 20.000 cổ phiếu được “xả” ra. VNINDEX và VN30 cũng “theo đó” đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất trong ngày, lần lượt là 962.3 điểm và 877.02 điểm.

Trùng hợp hay cố ý 

Điều đáng nói 18 tháng 4 cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F1904, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ rằng hành động xả 1 lúc 20.000 cổ phiếu SAB có ẩn chứa hành vi thao túng giá, nhằm trục lợi trên thị trường phái sinh. 

Cụ thể hơn, quy tắc phái sinh cho phép nhà đầu tư đặt các lệnh mua và bán cổ phiếu trong tương lai, và dự đoán giá cả ở thời điểm hiện tại. Thị trường phái sinh Việt Nam hiện cũng chỉ được phép chơi trên 2 mã (VN30 và HNX30). Ngày đáo hạn hợp đồng sẽ là thời gian quyết định thắng thua đối với các nhà đầu tư phái sinh. 

VN30 giảm giá trong phiên giao dịch ngày 18 tháng 4
VN30 giảm giá trong phiên giao dịch ngày 18 tháng 4

Một số nghi vấn cho rằng đã có một nhóm nhà đầu tư SAB cũng tham gia vào thị trường phái sinh, và dự đoán VN30 sẽ giảm vào ngày 18 tháng 4, từ đó đặt lênh short hợp đồng VN30. 

Để thắng được lệnh này, họ đã đồng loạt bán 20.000 cổ phiếu SAB vốn đóng góp rất quan trọng vào rổ cổ phiếu VN30 vào 30s cuối, hệ quả, VNINDEX đã giảm thêm 3 điểm và VN30 giảm thêm 2 điểm khoảng 875 điểm. Tuy sau đó, lực cầu đã đẩy VN30 lên lại mức giá 877,02 điểm, nhưng rất có thể, ở thời khắc VN30 giảm 2 điểm,  nhóm nhà đầu tư này đã đóng lệnh bán và chốt lời.

Như vậy nếu nhà đầu tư sở hữu khoản 10.000 hợp đồng phái sinh VN30F1904, thì trong phiên giao dịch ngày hôm qua đã có thể có lợi đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều nghi vấn cho rằng rất có thể, những nhà đầu tư tham gia vào lệnh xả 20.000 SAB nắm giữ số lượng hợp đồng phái sinh VN30F1904 nhiều hơn con số 10.000 rất nhiều, và lợi nhuận thu được có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Phần lợi nhuận này có thể bù qua sớt lại chi phí “xả” hàng 20.000 SAB trên sàn chứng khoán.

20.000 cổ phiếu bị bán ra đã khiến SAB lao dốc
20.000 cổ phiếu bị bán ra đã khiến SAB lao dốc

Thông tin về "đội lái" trên thị trường phái sinh đã dấy lên từ lâu và gây không ít lo lắng cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt. 

Tính minh bạch của thị trường

Sau nghi vấn của một số nhà đầu về việc SAB thao túng phái sinh, nhiều ý kiến phản bác lại rằng không nên đổ lỗi cho một mình mã này. Phiên giao dịch 18 tháng 4  đã chứng kiến sự sụt giảm của hàng loạt các mã cổ phiếu khác.

Các nhóm cổ phiếu lớn bao gồm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản đều đồng loạt giảm điểm góp phần tạo nên sự ảm đạm của thị trường.

Nếu nhìn nhận kỹ phiên giao dịch 18/4, có thể thấy một loạt các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã sụt giảm mạnh như  SJS -7%, HVG -6,3%, QCG -4,7%, HSG -4,3%, OGC -4,2%, DXG -4,1%, HDC -3,2%,  FLC -2,2%, LCG -2,2%;. Những cổ phiếu này tuy không ảnh hưởng tới VN30 nhưng cũng phần nào cho thấy thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 18 tháng 4 đang có sự đồng bộ đi xuống, số mã giảm nhiều hơn số mã tăng.

Khó để khẳng định có sự thao túng phái sinh xảy ra hay không, tuy nhiên tin đồn về việc SAB “làm giá” phái sinh không phải lần đầu mà có. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư hoang mang về tính minh bạch mà thị trường chứng khoán đang hướng tới.