15.000 người “đồng thanh” đề nghị sửa luật để ngăn chặn xâm hại trẻ em

VietTimes – “Mỗi ngày qua đi lại có 4 cháu nhỏ ở đâu đó trên đất nước này bị xâm hại. Sự chậm trễ của chúng ta sẽ khiến thêm nhiều thân thể bé nhỏ và những tâm hồn non nớt bị đau đớn, tổn thương”, 15.000 công dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cùng 19 nhóm và tổ chức xã hội tại Việt Nam đề đạt.
Lời kêu gọi ký tên chống xâm hại tình dục được phát đi mạnh mẽ
Lời kêu gọi ký tên chống xâm hại tình dục được phát đi mạnh mẽ

Cuối giờ chiều nay (17/4), bản kiến nghị rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy định pháp luật để ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, v.v..

Đẩy cao bức xúc xã hội

“Các vụ việc bạo lực tình dục, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục trẻ em dồn dập trong thời gian gần đây và sự lúng túng trong phản ứng cũng như cách xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật đối với các vụ việc này, chúng tôi nhận thấy, còn nhiều khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về bạo lực tình dục. Tình trạng nói trên không chỉ khiến cho kẻ xấu lợi dụng các kẽ hở để gây tội ác, lực lượng thực thi pháp luật gần như thiếu công cụ để xử lý các vụ tội phạm mà còn khiến người dân hoang mang, lo lắng, đẩy cao bức xúc xã hội” – bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam, thay mặt cho những người ký tên nhấn mạnh.

Chỉ rõ các vấn đề còn tồn tại về quy phạm pháp luật, 15.000 người kiến nghị cho rằng, các quy định pháp luật của Việt Nam về các tội danh liên quan đến tình dục còn thiếu và còn yếu, nên chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý vấn nạn này.

Cụ thể, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có chế tài về quấy rối tình dục và hành vi tình dục khác nhưng chưa có định nghĩa, phân loại rõ ràng. Do vậy, không có các chế tài cụ thể để xử lý thỏa đáng các hành vi quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau.

Dẫn ra nghiên cứu của Action Aid năm 2014, những người tham gia kí tên kiến nghị cho biết, 87% trong số 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tham gia nghiên cứu đã từng bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông, hoặc các địa điểm công cộng. Báo chí cũng thường xuyên phản ánh tình trạng này. Điển hình là vụ thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ quấy rối, dâm ô hàng chục nam sinh trong nhiều năm; vụ thầy giáo ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang quấy rối hàng loạt nữ sinh; vụ thầy giáo ở Trường chuyên Thái Bình gửi tin nhắn gạ tình nữ sinh, hay vụ lái xe Grabike quấy rối hành khách là một cháu bé 9 tuổi; vụ việc kẻ hiếp dâm bé gái ở Hà Nội được tại ngoại trong thời gian điều tra; vụ nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy gây bức xúc dâng cao, nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn im lặng chưa khởi tố v.v..

Rất nhiều công dân đã lên tiếng bằng nhiều hình thức chống xâm hại tình dục trẻ em
Rất nhiều công dân đã lên tiếng bằng nhiều hình thức chống xâm hại tình dục trẻ em

Chưa kể, trong khi hành vi quấy rối tình dục ở nhiều nước bị xử lý nghiêm khắc, thì ở Việt Nam hành vi này, kể cả ở mức độ nghiêm trọng chỉ được xử lý theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình với mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

“Ở nhiều nước quấy rối tình dục và tấn công tình dục được xem xét và xử lý bởi Luật Hình sự. Chúng tôi đề nghị Quốc hội cử các chuyên gia luật tham khảo luật hình sự của các nước đó để bổ sung tội danh này vào Bộ Luật Hình sự của Việt Nam”, nhóm công dân này đề xuất.

Trừng phạt thỏa đáng và nghiêm minh

Chỉ ra quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi quấy rối tình dục là không hợp lý và các quy định về một số tội danh tình dục nghiêm trọng còn mơ hồ, 15.000 công dân và 19 tổ chức xã hội tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sự thiếu hụt như vậy là không đáng có và ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân ta trong việc bảo vệ quyền con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

Theo đó, những người ký kiến nghị thư đề nghị Chính phủ và Quốc hội sớm thực hiện một số vấn đề cấp thiết, rà soát, bổ sung và điều chỉnh Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình để tăng mức xử phạt hành vi quấy rối tình dục nhằm tăng cường tính giáo dục, răn đe đối với những kẻ vi phạm và nâng cao nhận thức của người dân nếu chưa có thể đưa tội danh quấy rối tình dục vào Bộ Luật Hình sự.

Ngoài ra, Quốc hội sớm xem xét việc rà soát bổ sung, điểu chỉnh các quy định trong Bộ Luật Hình sự về các tội danh liên quan đến tình dục và đưa ra lộ trình sửa Bộ luật này. Cụ thể là định nghĩa chi tiết về các tội danh bao gồm, nhưng không giới hạn trong hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục, dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác.

“Các chế tài cụ thể để xử lý các tội danh nói trên cũng cần phải được bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo trừng phạt thỏa đáng và nghiêm minh mọi vi phạm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến các nhóm trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ mang thai”, nhóm người ký tên đề xuất.

Cùng với đó, họ đề nghị cải thiện công tác bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo công tác điều tra, xét xử không gây thêm tổn thương cho các em.

Nâng cao nhận thức và kiến thức của những người thực thi pháp luật bao gồm các lực lượng điều tra, kiểm sát và tòa án về bạo lực tình dục, bạo lực giới và mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực đó với bình đẳng giới và quyền con người.

Cùng với đó, những người ký kiến nghị thư này đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan khác tăng cường giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề giới tính, tình dục, quyền con người, bình đẳng giới, v.v. như các giải pháp lâu dài và bền vững nhằm giảm thiểu bạo lưc tình dục nói riêng và bạo lực giới nói chung.