Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20 - 30%/năm trong giai đoạn 2019 - 2024

VietTimes -- Ngày 13/4/2019, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần này, ban lãnh đạo TCB đã có một số chia sẻ với cổ đông về chiến lược phát triển ngân hàng trong giai đoạn 2019 - 2024.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Techcombank đã diễn ra thành công (Ảnh: P.D)
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Techcombank đã diễn ra thành công (Ảnh: P.D)

Phấn đấu tăng trưởng 20-30% doanh thu giai đoạn 2019 - 2024

Năm 2019, TCB cho biết sẽ tiếp tục chiến lược phát triển hệ sinh thái để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong ngắn hạn (lĩnh vực tiêu dùng) và trung dài hạn (cho vay mua nhà, ô tô).

Về kế hoạch năm 2019, TCB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 17%, đạt mức 375.821 tỷ đồng. Hoạt động huy động vốn (bao gồm chứng chỉ tiền gửi) tăng 32%, đạt 274.156 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng có tốc độ tăng trưởng ít nhất, khoảng 13%, và hướng tới mục tiêu dư nợ đạt 245.366 tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2,5%.

TCB cũng lên kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 11.750 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm trước. Nếu không tính khoản thu từ bán công ty Techcombank Finance năm 2018, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch sẽ đạt tới 20%.

Chia sẻ thêm với các cổ đông, ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) cho biết các chỉ tiêu kế hoạch của ngân hàng khá thận trọng, được xây dựng trên cơ sở dự báo năm 2019 có nhiều quy định mới thắt chặt hơn so với năm trước. Vị Chủ tịch Techcombank cũng đặt nhiều niềm tin vào việc ngân hàng này sẽ đạt, vượt nhiều chỉ tiêu.

Về chiến lược phát triển, trong thời gian tới, TCB sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng 3 nền tảng chính là: Nhân sự; Vận hành và Quản trị rủi ro; Dữ liệu.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng này đã đặt ra nhiều mục tiêu chiến lược cụ thể.

“Về doanh thu, tập trung tăng trưởng từ 20 - 30%/năm, lợi nhuận giữ lại 20%/năm. Mức tăng trưởng này tương đương với nhiều ngân hàng lớn khác trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Techcombank có định hướng tập trung vào nguồn doanh thu từ phí. Hiện tại, doanh thu từ phí chiếm gần 40% tổng doanh thu của Techcombank, và định hướng tỷ lệ này sẽ nâng lên mức 50% trong tương lai” - ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện của TCB cũng cho biết doanh thu từ phí sẽ trở thành “nguồn doanh thu bền vững” của ngân hàng.

Khi được hỏi về kết quả kinh doanh Quý 1/2019, đại diện TCB không tiết lộ con số cụ thể nhưng cho biết ngân hàng đã đạt nhiều chỉ tiêu kế hoạch.

Các cổ đông tham gia biểu quyết tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2019 của Techcombank (Ảnh: P.D)
Các cổ đông tham gia biểu quyết tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2019 của Techcombank (Ảnh: P.D)

Linh hoạt hơn nhờ trái phiếu doanh nghiệp

Về vay mua nhà cho ở, đại diện TCB cho biết ngân hàng này phần lớn cho vay dựa trên nhu cầu tài chính cá nhân, tỷ lệ cho vay để kinh doanh bất động sản ở mức thấp.

Tương tự, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chỉ số này tại TCB đang chỉ ở khoảng 30%, thấp hơn rất nhiều so với “trần” quy định 40% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đại diện của TCB cho biết sẽ tiếp tục giữ tỷ lệ này ở mức thấp thông qua việc thúc đẩy các giao dịch, thanh toán qua hệ thống.

Bên cạnh đó, vị Tổng giám đốc của TCB cũng cho biết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được duy trì ở mức thấp một phần là do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng.

“Thay vì thực hiện khoản vay lớn cho các doanh nghiệp và ghi nhận vào bảng cân đối kế toán, Techcombank sẽ thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khi cần, Techcombank có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân. Điều này sẽ giúp Techcombank “linh hoạt hóa” các tài sản trong bảng cân đối” - đại diện TCB cho biết.

Về xử lý nợ xấu, đại diện của TCB cho biết ngân hàng này đang có kết quả xử lý nợ xấu hiệu quả nhất trong hệ thống ngân hàng khi đã mua lại hết nợ xấu từ VAMC, số tiền thu về từ các hoạt động xử lý nợ xấu cũng khá lớn. TCB cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nợ xấu.

Cũng tại đại hội, ông Hồ Hùng Anh cũng có những giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc không chia cổ tức và hoạt động xây dựng trụ sở chính.

Theo đó, ông Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận để cải thiện nguồn vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của NHNN và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Về hoạt động xây dựng trụ sở, vị Chủ tịch Techcombank cho rằng khoản đầu tư này chiếm tỷ trọng nhỏ trong quy mô tài sản nên ban lãnh đạo đã không trình ĐHĐCĐ thông qua.

“Techcombank đang dự kiến triển khai xây dựng trụ sở trong năm 2019, khánh thành vào năm 2021. Trụ sở thứ nhất ngay bên cạnh khách sạn Melia (Hà Nội), trụ sở thứ 2 ở địa chỉ 23 Lê Duẩn (Tp. HCM). Tôi tin rằng 2 tòa nhà này khi hoàn thành sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc của các tòa nhà văn phòng tại Việt Nam” - ông Hồ Hùng Anh thông tin thêm.

Thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát Techcombank nhiệm kỳ mới (Ảnh: P.D)
Thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát Techcombank nhiệm kỳ mới (Ảnh: P.D)

Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng đã bầu ra HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) mới cho nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Cụ thể, HĐQT mới sẽ có sự góp mặt của 8 thành viên, bao gồm: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Nguyễn Thiều Quang, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Đỗ Tuấn Anh, ông Lee Boon Huat, ông Saurabh Narayan Agarwal và ông Nguyễn Nhân Nghĩa (ứng cử thành viên độc lập HĐQT). BKS bao gồm 3 thành viên là: ông Hoàng Huy Trung, bà Bùi Thị Hồng Mai và ông Mag Rer Soc Oec Romauch Hannes.

Các cổ đông tham dự đại hội cũng bỏ phiếu thông qua, với tỷ lệ đồng ý cao, đối với tất cả các nội dung tờ trình khác./.