Mòn mỏi chờ đợi 2 Bệnh viện nghìn tỷ:

Bài 3: Chậm hoàn thành do Ban Quản lý dự án yếu kém?

VietTimes -- Từng bị chuyên gia của Bộ Xây dựng khẳng định Ban Quản lý (BQL) dự án của Bộ Y tế không đủ năng lực để quản lý 2 dự án bệnh viện (BV) Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, có tổng vốn tới 10 nghìn tỷ đồng và Bộ Xây dựng từng có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế "kiện toàn năng lực tổ chức bộ máy BQL của dự án đầu tư xây dựng, để đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng chất lượng", liệu có phải đó chính là nguyên nhân của việc chậm tiến độ, chậm giải ngân và dù đã phải xin gia hạn, kéo dài thời hạn hoàn thành dự án, mà đến nay, cả 2 BV đều vẫn chưa thể bàn giao?

Hàng loạt lỗi trong quản lý

Tại kết luận của kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng loạt yếu kém của BQL dự án trọng điểm của Bộ Y tế đã được chỉ ra.

Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch & Đầu tư
Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Trước hết, trong việc áp dụng hình thức đấu thầu gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công, căn cứ mời thầu là tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng, dẫn đến khó khăn khi mời thầu, xét thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra 1 số gói thầu cụ thể như gói thầu XDBM-02 về thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hạ tầng kỹ thuật; Gói thầu XDBM-01 về khảo sát địa chất gia đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế, thí nghiệm cọc, thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị gắn với công trình khối nhà chính; gói thầu TVBN-04 về lập hồ sơ thiết kế thuộc dự án BV Bạch Mai 2 và gói thầu XDVĐ-05 về thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị thông dụng thuộc dự án BV Việt Đức 2.

Một phần của BV Bạch Mai đang tiếp tục thi công
Một phần của BV Bạch Mai đang tiếp tục thi công

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các gói thầu này không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mà chỉ có biên bản họp thẩm định; giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đều tách riêng phần dự phòng và áp chung một tỷ lệ 5% không có cơ sở, không giải thích lý do; việc phân chia gói thầu khi lập kế hoạch không phù hợp, cố tình chia nhỏ các gói thầu tư vấn xuống dưới 500 triệu đồng để áp dụng chỉ định thầu.

Hồ sơ mời thầu đưa ra những điều kiện quá cao, không cần thiết, hồ sơ mời thầu được lập có nhiều nội dung không phù hợp quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; việc quy định về hợp đồng tương tự thiếu chặt chẽ.

Khu vực cầu thang dẫn lên tầng 2 của BV Bạch Mai cơ sở 2 bị khóa, khu vực cầu thang cuốn đã hoàn thành nhưng bị phủ bạt kín.
Khu vực cầu thang dẫn lên tầng 2 của BV Bạch Mai cơ sở 2 bị khóa, khu vực cầu thang cuốn đã hoàn thành nhưng bị phủ bạt kín.

Trong quá trình giám sát, chủ đầu tư là Bộ Y tế chưa thực hiện đầy đủ việc lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo các mốc quý I, 6 tháng, quý II, năm theo quy định; chưa gửi đầy đủ báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trước khi điều chỉnh dự án theo quy định; Năm 2015, công tác thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư chưa được quan tâm.

Bên cạnh đó, kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã quy định: không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm cơ sở để lập dự toán trình thẩm định cập nhật thiết kế bản vẽ thi công làm  sai lệch tính chất của bước thiết kế kỹ thuật. 

Chậm do năng lực tổ chức

Tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê phán gay gắt ba Bộ chậm nhất cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, là Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT. Thời điểm đó, Bộ Y tế đứng "cuối bảng", khi mới chỉ giải ngân được 72/5.260 tỷ đồng theo kế hoạch, tức là chỉ tiêu được 1,36% số tiền được giao phải giải ngân, thấp hơn cả Bộ VHTTDL là 6,28% và Bộ GD&ĐT là 17%. 

BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.

Đặc biệt, 2 dự án BV tại Hà Nam, tính tới tháng 5/2018 đã chậm tiến độ 1 năm mà chỉ mới xong phần thô, đã dừng thi công 18 tháng mà không rõ nguyên nhân. Bởi thế, Phó thủ tướng cho rằng đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, đây là 2 dự án cấp thiết, quan trọng nên đã giao 3.200 tỉ đồng. Ngoài nguồn vốn, dự án đều không có vướng mắc gì trong giải phóng mặt bằng, vì đều được giao đất sạch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm cho 2 dự án BV này là do khâu tổ chức thực hiện của Bộ Y tế.

Bên cạnh tòa nhà chính của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 2, các hạng mục khác vẫn đang tiếp tục thi công.
Bên cạnh tòa nhà chính của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 2, các hạng mục khác vẫn đang tiếp tục thi công.

Trong bài viết của Tuổi trẻ đăng ngày 26/5/2018, ông Bùi Trung Dung - nguyên Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) giai đoạn 2013-2017, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực, đồng thời là người từng tham gia đóng góp ý kiến chuyên ngành từ Bộ Xây dựng đối với hai dự án nói trên – cho biết Bộ Xây dựng đã có văn bản do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký, trong đó có nội dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế "kiện toàn năng lực tổ chức bộ máy của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng chất lượng".

Ông Dung cũng dẫn chứng việc chính ông từng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phân công sang Bộ Y tế hướng dẫn về việc này, nhưng phía cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vẫn không thực hiện được, ông Dung tái khẳng định BQL dự án của Bộ không đủ năng lực.