HAGL và HAGL Agrico đã mua lại hơn 3.500 tỷ đồng trái phiếu từ VPBank

VietTimes -- Sau một loạt các động thái mua lại trái phiếu của HAG và HNG, “dư nợ” trái phiếu của nhóm công ty này với trái chủ VPBank cũng đã sụt giảm đáng kể. Số trái phiếu còn lại chủ yếu liên quan đến các hoạt động tái cơ cấu nợ của HAG.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 4/7, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại phiếu trước hạn, nhằm mục đích để tái cơ cấu nợ.

Cụ thể, HAG đã chi ra số tiền lên tới 1.149,2 tỷ đồng để mua lại 2 lô trái phiếu có tổng giá trị theo mệnh giá là 1.120 tỷ đồng từ trái chủ là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB).

Đây là số trái phiếu còn lại trong các đợt phát hành ngày 28/11/2014 và 29/12/2016. Trong đó, khoản trái phiếu lớn nhất mà HAG vừa mua lại có mệnh giá lên tới 991 tỷ đồng (trên tổng số 1.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành cho trái chủ VPBank).

HAG tiếp tục trả nợ trước hạn cho dự án chăn nuôi bò thịt

Theo tìm hiểu của VietTimes, để bảo đảm cho lô trái phiếu có mệnh giá 1.000 tỷ đồng nêu trên, HAG đã sử dụng nhiều tài sản, bao gồm: 110.628.505 cổ phiếu HNG (CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai); 4,7 triệu cổ phần HAG thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT; 19,94 triệu cổ phiếu của HNG tại CTCP Đông Pênh và Dự án Daun Penh có quy mô 7.376,08 ha tại Tỉnh Ratarakiri, Campuchia thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV Daun Penh Agrico.

Số tiền huy động được HAG sử dụng cho 2 phần chính, bao gồm: 600 tỷ đồng được HAG sử dụng vào việc hợp tác kinh doanh thực hiện Dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại Tỉnh Gia Lai với CTCP Chăn nuôi Gia Lai (Chăn nuôi Gia Lai); 400 tỷ đồng còn lại được sử dụng để góp phần giúp HAG gia tăng quy mô vốn hoạt động.

Được biết, trong đoạn chuyển đổi mô hình hoạt động giai đoạn 2014 - 2015, HAG đã thực hiện một số đợt phát hành trái phiếu tương tự để đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt.

Trong đó, ngày 25/8/2015, HAG đã phát hành thành công 600 tỷ đồng trái phiếu cho VPB nhằm huy động vốn cho dự án một dự án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản có tổng giá trị lên tới 963,96 tỷ đồng tại xã Ia Băng, Huyện Chư Prong, Tỉnh Gia Lai.

Để triển khai dự án, công ty con của HAG là CTCP Bò sữa Tây Nguyên đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh dài hạn với Công ty TNHH An Tiến (An Tiến), lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn thực tế.

Tới ngày 26/6/2019 vừa qua, HAG cũng đã công bố thông tin về việc mua lại số trái phiếu còn lại của đợt phát hành này từ trái chủ VPB.

HAG “trả nợ trước hạn” cho dự án chăn nuôi bò tại Gia Lai?

Đáng chú ý, công ty Chăn nuôi Gia Lai cũng từng được CTCP Bò sữa Tây Nguyên sở hữu tới 23,46% vốn điều lệ, tương đương với phần vốn góp giá trị 574 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 20/3/2018, CTCP Bò sữa Tây Nguyên đã thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp này cho CTCP Thực phẩm Heygo và thu về số tiền lãi lên tới 43,5 tỷ đồng.

HNG mua lại hơn 1.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Cũng trong ngày 4/7, công ty con của HAG là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã CK: HNG) đã công bố việc mua lại 2 lô trái phiếu có tổng giá trị theo mệnh giá là hơn 1.700,5 tỷ đồng để cơ cấu nợ.

Theo đó, HNG đã chi ra tổng số tiền lên tới 1.726,1 để mua lại số trái phiếu trên. Tương tự công ty mẹ, trái chủ của số trái phiếu này cũng là VPB.

Lô trái phiếu có giá trị lớn nhất được mua lại có mệnh giá lên tới 1.394 tỷ đồng có mức lãi suất áp dụng cho năm 2018 dao động từ 10,9 - 12%/năm. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 cho thấy, HNG phát hành lô trái phiếu này nhằm mục đích cơ cấu lại một phần nợ gốc trái phiếu kèm chứng quyền có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng được phát hành vào tháng 12/2012. Một phần nguồn vốn được sử dụng để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư của “nhóm công ty”, bao gồm các dự án trồng và chăm sóc cây cao su, cọ dầu và mía đường tại Campuchia và Lào.

Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này là 166.717.250 cổ phiếu HNG được sở hữu bởi HAG. Trong đó, 16 triệu cổ phiếu HNG đã được dùng để đảm bảo cho trái phiếu có tổng mệnh giá tới 600 tỷ đồng do HAG phát hành.

Sau một loạt các động thái mua lại trái phiếu của HAG và HNG, “dư nợ” trái phiếu của nhóm công ty này với trái chủ VPBank cũng đã sụt giảm đáng kể. Số trái phiếu còn lại chủ yếu liên quan đến các hoạt động tái cơ cấu nợ của HAG.

Riêng đối với HNG, bên cạnh VPB, tính đến ngày 31/3/2019, công ty này còn có một số trái chủ lớn là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Ngày 25/6 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh (công ty mẹ của Thaco) đã thực hiện giao dịch mua vào tới 4 triệu cổ phiếu HNG, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm công ty có liên quan tới Thaco tại Hagl Agrico lên mức 13,12% vốn điều lệ.