MSB “thầu trọn” 350 tỷ đồng trái phiếu của “ông trùm” gang thép Thái Nguyên

VietTimes -- Tính tới tháng 10/2016, Thái Hưng có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, mang dáng dấp của một công ty gia đình, với cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân.
Trụ sở chính của CTCP Thương mại Thái Hưng (Ảnh: thaihung.com.vn)
Trụ sở chính của CTCP Thương mại Thái Hưng (Ảnh: thaihung.com.vn)

CTCP Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) vừa công bố kết quả phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản.

Mức lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm. Đối với các kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần), lãi suất được xác định bằng lãi suất tiết kiệm cao nhất bình quân trả lãi sau thời hạn 12 tháng của 4 ngân hàng tham chiếu (bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) cộng với biên độ tới 4,2%/năm.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã mua vào toàn bộ số trái phiếu này. Đồng thời, MSB cũng là đại lý quản lý tài khoản và thanh toán, quản lý tài sản bảo đảm. CTCP Chứng khoán KB Việt Nam là đại lý đăng ký lưu ký của thương vụ.

Theo bản công bố thông tin, Thái Hưng sử dụng các tài sản bảo đảm là một loạt các quyền và tài sản có liên quan đến dự án Dự án Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City - tên thương mại mới: Crown Villas) do công ty này làm chủ đầu tư. Bao gồm:

(i) “Tài Sản Bảo Đảm 1” có nghĩa là quyền sử dụng đất thuộc các tiểu khu Iris, Hermes, Helios của Dự án Eco City theo các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nước UBND tỉnh Thái Nguyên cấp cho Tổ chức phát hành và thuộc sở hữu của Tổ chức phát hành.

(ii) “Tài Sản Bảo Đảm 2” có nghĩa là toàn bộ số dư tiền gửi theo Hợp đồng tiền gửi số 01/HĐTG/TH ngày 24/6/2019 thuộc quyền sở hữu của Tổ Chức Phát Hành gửi tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

(iii) “Tài Sản Bảo Đảm 3” có nghĩa là Tài sản hình thành trong tương lai là nhà ở và tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất thuộc “Tài Sản Bảo Đảm 1” bao gồm chi tiết các hạng mục được miêu tả cụ thể tại Quyết định phê duyệt đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án (không bao gồm đất thương phẩm) số 1967/QĐ-UBND ngày 4/7/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên và Quyết định số 3007/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 về việc điều chỉnh chấp thuận đầu tư Giai đoạn 1 Dự án của UBND tỉnh Thái Nguyên.

(iv) “Tài sản Bảo Đảm 4” có nghĩa là quyền đòi nợ, các khoản phải thu thuộc về Tổ chức phát hành phát sinh từ tất cả các Hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến Tài sản Bảo Đảm 1.

(v) “Tài Sản Bảo Đảm 5” có nghĩa là Toàn bộ số dư tiền trên Tài Khoản Dự Án.”

Được biết, dự án Eco City có quy mô hơn 35 ha, với tổng mức đầu tư lên tới 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, bất động sản chỉ là một trong những lĩnh vực đầu tư mở rộng của Thái Hưng, làm nên tên tuổi của doanh nghiệp này phải kể đến lĩnh vực gang thép.

Phối cảnh khu đô thị Crown Villas tại Thái Nguyên (Ảnh: Internet)

Phối cảnh khu đô thị Crown Villas tại Thái Nguyên (Ảnh: Internet)

Chân dung “ông trùm” thép Thái Nguyên

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thái Hưng tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng và chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần kể từ năm 2003. Công ty đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tổ 14, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Sau quá trình phát triển, quy mô vốn của Thái Hưng cũng được cải thiện nhanh chóng.

Tính tới tháng 10/2016, Thái Hưng đã nâng quy mô vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, mang dáng dấp của một công ty gia đình, với cơ cấu cổ đông bao gồm 8 cá nhân.

Trong đó, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải cùng với hai người con là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Vinh sở hữu tới 66,697% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại đều do những cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên nắm giữ.

Phần giới thiệu về ban lãnh đạo của Thái Hưng cho thấy, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Cải đã nhường lại các chức vụ quan trọng như Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc lần lượt cho 2 người con là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Vinh nắm giữ.

Thái Hưng cho biết doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 450 - 650 tỷ đồng. Công ty chuyên hoạt động trong các lĩnh vực như: Kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm); Dịch vụ (Logistics, khách sạn); và Đầu tư (Giáo dục, bất động sản).

Đối với lĩnh vực kinh doanh thép, Thái Hưng đã để lại một số dấu ấn đáng chú ý khi cho biết đang “chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam” và sở hữu lượng lớn cổ phần tại một số công ty cùng ngành như: CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Mã CK: TIS), CTCP Thép Việt Ý (Mã CK: VIS).

Quay trở lại với thương vụ phát hành trái phiếu vừa qua, dữ liệu của VietTimes cho thấy, giữa Thái Hưng và trái chủ MSB đã có nhiều giao dịch tín dụng từ cách đây nhiều năm. Các tài sản thế chấp khá đa dạng, từ hàng tồn kho (sắt thép xây dựng…) nay đã dần đổi thành các hợp đồng, khoản phải thu giữa Thái Hưng và một nhà thầu xây dựng.

Sự chuyển biến này khá phù hợp với sự mở rộng kinh doanh của Thái Hưng sang lĩnh vực bất động sản. Điều này thể hiện một phần trong số những tài sản được công ty này dùng để bảo đảm cho thương vụ phát hành trái phiếu nêu trên./.