Người mới, người cũ ở Eximbank

Eximbank, một tổ chức tín dụng có tình hình tài chính tương đối lành mạnh, nhưng lại là con thuyền gặp nhiều sóng gió chỉ vì ở đó thiếu vắng những cổ đông lớn thực sự, toàn tâm toàn ý với ngân hàng. Vậy điều gì đang diễn ra ở ngân hàng này?
Người mới, người cũ ở Eximbank ảnh 1
Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: Thành Hoa


Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB) là một trong những chuyện được ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), đề cập trong cuộc trả lời phỏng vấn chỉ vài giờ trước khi bị bắt diễn ra ở khách sạn Hilton (Hà Nội) cách đây gần bảy năm.

Vào ngày hôm đó, giá cổ phiếu Eximbank đóng cửa trên 20.000 đồng sau chừng hai tuần leo dốc. Người viết bài hỏi thẳng: “Cổ phiếu Eximbank đã tăng mạnh trong những tuần qua và thị trường đang đồn ông cùng một số nhà đầu tư đang mua vào”.

Ông xác nhận là cá nhân ông đang mua vào, nhưng chưa đến mức cổ đông lớn, còn nhóm nhà đầu tư của ông đã mua được một tỷ lệ đủ để chi phối Eximbank. “Giá cổ phiếu Eximbank sẽ còn lên, nhưng trước mắt thì chưa”, ông Kiên nói. “Liệu có chuyện ACB và Eximbank sẽ sáp nhập không?”. “Không”, ông khẳng định chắc như đinh đóng cột.

Ông Trầm Bê không phải là người học rộng, song theo đánh giá của những người quen biết và thường xuyên tiếp xúc với ông, thì ông nhanh nhạy và giỏi tính toán. Bố mẹ ông có bốn người con, đặt tên là Trầm A, Trầm Bê, Trầm Xê, Trầm Đê. Ông là người con thứ hai, nên có tên Bê.

Khi thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB), ông Trầm Bê không chỉ sở hữu cổ phiếu STB. Thời gian ấy ông còn là cổ đông của một số ngân hàng như Phương Nam, VietBank, Eximbank, KiênLongBank... Việc Trầm Bê và nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông hiện diện “kín đáo” ở một số tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho nhóm luân chuyển dòng tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, nhờ đó có vốn để dần dần nắm trọn Sacombank.

Sau sự kiện bầu Kiên, ngân hàng ACB phải xử lý khá nhiều tài sản thế chấp để thu hồi nợ của nhóm bầu Kiên. Một trong số những tài sản đó là cổ phiếu Eximbank. Lúc bấy giờ tổng lượng cổ phiếu mà nhóm bầu Kiên thế chấp lên tới 35% vốn Eximbank, trong đó có dưới 5% nằm ở Ngân hàng TMCP nông thôn Đại Á.

Trong quá trình tái cơ cấu, sau này Đại Á sáp nhập vào HDBank và dưới 5% cổ phần Eximbank của Đại Á trở thành tài sản thế chấp của HDBank. HDBank đã nhanh chóng thoái vốn Eximbank cho một nhóm nhà đầu tư. Nhóm này đặt cọc 10%, phần còn lại trả dần trong ba năm. Tuy nhiên tiềm lực của nhóm không đủ để trả hết tiền như thỏa thuận mua bán, HDBank bắt buộc phải thu hồi số cổ phần Eximbank về và chuyển nhượng cho một tổ chức khác.         

Khi ACB thoái vốn Eximbank cuối năm 2012 nửa đầu năm 2013 thì người mua là ai? Từ tháng 11-2012 trên sàn TPHCM xuất hiện hàng loạt giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank với khối lượng lớn trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn người viết bài này vào ngày 8-11-2013, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank bấy giờ là ông Lê Hùng Dũng cho biết “nhóm cổ đông thân hữu với ban lãnh đạo hiện hành của ngân hàng đã mua vào và cổ phiếu không lọt ra bên ngoài”. 

Theo một lãnh đạo ACB, nhóm cổ đông thân hữu với ban lãnh đạo Eximbank mua vào khoảng 20% cổ phần Eximbank mà ACB bán ra. Tầm 10% cổ phần Eximbank còn lại được chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư khác. Đứng đầu nhóm này là một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, tạm gọi là “cô giáo”.

Nhóm “cô giáo” theo thời gian, mua từ từ những khi thị trường biến động được thêm 5% cổ phần Eximbank nữa. Họ nắm giữ nhiều năm, cho đến hiện tại họ có khoảng 15% cổ phần Eximbank.

Giá chuyển nhượng EIB của ACB, căn cứ vào các giao dịch thỏa thuận công khai trên sàn và theo nguồn tin đáng tin cậy từ ACB, dao động 16.000-18.000 đồng/cổ phiếu. Nhóm nhà đầu tư thân hữu với ban lãnh đạo Eximbank không có toàn bộ tiền tươi thóc thật để mua. Họ phải vay mượn và phải trả lãi.

Năm 2012-2015 không phải thời điểm tốt của chứng khoán, VN-Index đứng ở mức thấp và giá cổ phiếu ngân hàng nói chung rơi vào vùng đáy. Trên Hose, thị giá cổ phiếu EIB ba năm đó không lên tới mức mà ACB bán ra. Nhóm nhà đầu tư thân hữu chịu không nổi sức ép thị trường, họ đành phải “chia tay” cổ phiếu EIB.

Lần này người mua vào cổ phiếu EIB là nhóm nhà đầu tư của ông Trầm Bê. Nhóm Trầm Bê không có nhiều tiền tươi, nhưng có thể xoay xở được vốn nhờ là cổ đông của một số ngân hàng.

Quí 4-2015 sau khi Ngân hàng TMCP Phương Nam được sáp nhập vào Sacombank, việc tái cơ cấu STB chuyển sang một bước mới kể cả “làm sạch” sở hữu chéo. Trong khi ấy Eximbank vẫn đang sở hữu khoảng 10% cổ phần STB và một lượng không nhỏ cổ phiếu EIB được thế chấp vay vốn ở Sacombank. Nhóm Trầm Bê đành phải thoái vốn khỏi Eximbank. Phía nhận chuyển nhượng EIB là những gương mặt mới, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ngân hàng TMCP Nam Á và tập đoàn Hoàn Cầu.

Một thành viên Hội đồng quản trị Sacombank năm ấy cho biết, ngoài một phần tiền thật, nhóm nhà đầu tư Nam Á đã thế chấp bất động sản, vay thêm ngân hàng để có tiền mua cổ phần EIB. Về phần mình, nhóm Trầm Bê chuyển nhượng cổ phần EIB theo thỏa thuận sau ba năm họ sẽ mua lại đúng bằng giá bán cộng thêm lãi suất trả cho từng năm (xin không nêu cụ thể giá thỏa thuận và lãi suất thỏa thuận ở đây, chỉ biết giá thỏa thuận cao hơn nhiều thị giá trên sàn cùng thời điểm - NV).

Một thành viên Hội đồng quản trị Nam Á, khi trao đổi với báo chí trong năm 2016, đã không ít lần bóng gió về khả năng có thể có một cuộc “kết hôn” giữa Nam Á và Eximbank. Nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Á nỗ lực đưa người đại diện vào hội đồng quản trị Eximbank.

Xét theo quy định pháp luật và điều lệ EIB, nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần được đề cử một đại diện vào hội đồng quản trị. Năm 2016-2017, năm nào nhóm cổ đông liên quan đến Nam Á cũng đề cử hai đại diện, nhưng cơ quan quản lý đã không chấp nhận sự đề cử của họ. Tại đại hội đồng cổ đông Eximbank năm ngoái, cuối cùng nhóm này cũng có một đại diện ở hội đồng quản trị Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú. 

Thị trường không thể chắc chắn nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Á có bao nhiêu phần trăm cổ phần EIB. Bất ngờ vào tháng 3-2019, ông Nguyễn Chấn, một trong những người sáng lập ngân hàng Nam Á, gặp gỡ báo chí và cho biết tháng 2-2016 nhóm nhà đầu tư liên quan đến tập đoàn Hoàn Cầu và Nam Á sở hữu 364 triệu cổ phiếu, tương đương 29,48% cổ phần Eximbank. Đến tháng 2-2019, tỷ lệ sở hữu của nhóm này còn gần 203 triệu cổ phiếu, chiếm 16,43% cổ phần EIB.

Trong một diễn biến khác, từ đầu năm đến nay cổ phiếu EIB liên tục được giao dịch thỏa thuận lớn trên sàn. Dữ liệu của Hose cho thấy tổng cộng số lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận khoảng 340 triệu đơn vị. Chỉ riêng ba ngày từ 2 đến 5-4-2019, EIB giao dịch thỏa thuận xấp xỉ 150 triệu cổ phiếu, trị giá 2.682 tỉ đồng.

Các giao dịch thỏa thuận bất giác khiến thị trường không thể không nhớ lại việc thoái vốn EIB của ACB năm nào. Thêm một lần giới tài chính băn khoăn ai bán, ai mua và liệu có mối liên hệ nào khi số lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận gần bằng số cổ phiếu của nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam Á sở hữu trước đó?

Tháng 3-2019 thị trường đón nhận thông tin Eximbank thông báo Hội đồng quản trị ngân hàng họp và bầu bà Tú vào vị trí chủ tịch thay cho ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Ông Quốc thưa ra tòa và tòa ra văn bản yêu cầu EIB phải dừng quyết định của hội đồng quản trị. Ông Quốc vẫn tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.            

Phía sau sự kiện thoạt nhìn tưởng đơn giản lại nổi lên vai trò của cổ đông lớn nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). SMBC có hai đại diện trong hội đồng quản trị EIB và quan điểm của hai đại diện này ngả về bên nào, bên đó có lợi thế.

Kể từ khi nhóm Nam Á đầu tư vào cổ phiếu EIB, ngoài nhóm này, trong cơ cấu cổ đông Eximbank có nhóm “cô giáo”; Vietcombank sở hữu 8% và năm 2018 thoái vốn còn 4,82%; quỹ VOF do VinaCapital quản lý nắm giữ 4,97%; tổ chức mua lại dưới 5% từ HDBank; SMBC sở hữu 15% trong khi room ngoại ở đây luôn xấp xỉ 30% (hiện tại nước ngoài sở hữu 29,93% EIB, theo Hose).

Trong một lần gặp gỡ báo chí năm ngoái, một nhà báo vô tình nhắc đến nhóm cổ đông liên quan đến Nam Á. Ngay lập tức vị Phó chủ tịch Hội đồng quản trị EIB người Nhật đại diện cho SMBC ngồi phía đối diện, đứng dậy bỏ về với lý do có công việc khác. Ở cửa ra, ông nói gì đó với một thành viên ban tổng giám đốc ngân hàng rồi bước vào thang máy.

Chi tiết nhỏ nhoi ấy xác thực ý kiến của một quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận xét có lẽ SMBC e ngại trước giả thiết sáp nhập Nam Á và Eximbank vốn được thị trường đồn thổi.

Tuy nhiên trong cuộc họp tháng 3 bà Tú được bầu giữ chức chủ tịch với số phiếu tán thành đa số của Hội đồng quản trị EIB, trong đó có phiếu đồng thuận trực tiếp và gián tiếp của hai đại diện SMBC. Điều gì đã làm SMBC chuyển hướng sang nhóm cổ đông Nam Á?

Đó chính là sự xuất hiện của những thể nhân và pháp nhân đã mua hàng trăm triệu cổ phiếu EIB qua giao dịch thỏa thuận trên sàn gần đây. Nếu đúng nhóm cổ đông Nam Á đã thoái vốn, thì giả thiết sáp nhập Nam Á (xin nhấn mạnh đây là “giả thiết”) và Eximbank đã không còn. Thay vào đó, sự hiện diện của bà Tú mang một ý nghĩa khác, trong đó không loại trừ khả năng sự hiện diện của bà nhằm giúp việc chuyển nhượng cổ phiếu EIB giữa các nhà đầu tư mới và cũ được thực hiện thuận lợi hơn.

Chúng ta hãy nhìn vào số tiền giao dịch thỏa thuận hơn 340 triệu cổ phiếu vừa qua khi giá trị của chúng xoay quanh 5.800-5.900 tỉ đồng tính theo thị giá EIB bây giờ. Nhóm nhà đầu tư nào giàu có tiền thật đến vậy để mua chúng? Còn nếu không, hẳn nhiên nó là tiền vay. NHNN đang quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư 36 về xử lý sở hữu chéo, cho nên thế chấp cổ phiếu ngân hàng này để vay tiền ở ngân hàng kia không còn dễ dàng như thời bầu Kiên và Trầm Bê nữa.             

Khi không thể thế chấp cổ phiếu EIB, loại tài sản đảm bảo phổ biến được thay thế để vay tiền ở một hoặc một số ngân hàng nào đó thường là bất động sản. Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đang rà soát kỹ lưỡng một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản tại một tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM.

Trong số những nhà đầu tư mới vào Eximbank có nhóm nhà đầu tư liên quan đến một tập đoàn sản xuất, phân phối một thương hiệu xe hơi nổi tiếng của Hàn Quốc. Tập đoàn này cũng đang lấn sân sang bất động sản và đầu tư tài chính. Ban đầu họ mua lại số cổ phần Eximbank từ một tổ chức đã từng mua dưới 5% cổ phần EIB từ HDBank. Sau họ mua lẻ từ một số nhà đầu tư khác, mua thỏa thuận trên sàn. Đến nay số cổ phần họ có trong tay đã lớn hơn tỷ lệ cổ phần EIB mà nhóm cổ đông “cô giáo” đang nắm giữ.

Có nhiều lý do để tin rằng trừ nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn nói trên, các nhà đầu tư mới vào EIB sẽ không “ra mắt” ở đại hội đồng cổ đông sắp tới của Eximbank. Từ lâu, các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank (trừ SMBC) đều không phải là những người nắm giữ tỷ lệ đáng kể cổ phiếu ngân hàng này. Họ chỉ đại diện cho những nhóm cổ đông thiên về đầu tư tài chính, có thể sẵn lòng chuyển nhượng khoản đầu tư nếu có lời. Hơn nữa, nguồn tiền đầu tư của các nhóm có một phần là tiền vay.

Eximbank của ngày hôm nay có tình hình tài chính khá lành mạnh, nhưng không phát triển được bởi thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông. Những tồn tại từ năm 2015-2016 trở về trước, EIB đã xử lý, đã phát mãi tài sản, đã trích lập dự phòng rủi ro. Các khoản nợ liên quan đến ông Trầm Bê, đến một số doanh nghiệp khác đã giải quyết xong. Tuy thế, “bàn cờ” Eximbank vẫn chưa được xác định rõ ràng khi cổ đông thật, đầu tư bằng tiền thật và “sống chết” với đồng tiền bỏ ra, tức tâm huyết với tiền đồ ngân hàng còn chưa có mặt.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/288001/nguoi-moi-nguoi-cu-o-eximbank.html