Nỗ lực “giải cứu” PVTex của PVN

VietTimes -- Bỏ ra gần 7.000 tỉ đồng đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) nhưng chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu” và bị liệt vào danh sách đại dự án yếu kém của ngành công thương. Trong nỗ lực “giải cứu” , Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã "xoay" nhiều cách...
PVN đã "xoay" nhiều cách, nhưng liệu có "giải cứu" thành công PVTex?...
PVN đã "xoay" nhiều cách, nhưng liệu có "giải cứu" thành công PVTex?...

Người quen

Từ tháng 9/2017, PVN và PVTex, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành Nhà máy, trong đó có các đối tác Indorama (Indonesia), Formosa (Đài Loan), Fortrec Chemical (Singapore), Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ), An Phát Holdings (Việt Nam)...

Sau quá trình mời thầu, chào thầu công khai, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đánh giá khả năng hợp tác cũng như đưa ra các điều kiện hợp tác. Trên cơ sở đánh giá năng lực, cả về năng lực tài chính, công nghệ cũng như khả năng bao tiêu sản phẩm, ngày 18/4/2018, PVTex đã có Công văn báo cáo các cổ đông về quá trình lựa chọn đối tác hợp tác vận hành Nhà máy.

Tại báo cáo này, PVTex đánh giá An Phát Holdings là đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính, đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại Nhà máy.

Sau khi nhận được sự chấp thuận của HĐTV PVN, ngày 26/4/2018, PVTex đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác vận hành Nhà máy với đối tác An Phát Holdings.

Trên cơ sở đó, PVTex cũng đã đàm phán với An Phát Holdings về Hợp đồng hợp tác vận hành nhà máy, thỏa thuận quá trình hợp tác được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ hợp tác gia công sợi DTY và giai đoạn 2 sẽ hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ nhà máy.

Để thực hiện giai đoạn 1, ngày 24/7/2018, PVTex đã ký Hợp đồng gia công sợi DTY trực tiếp với An Phát Holdings và đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện là CTCP xơ sợi tổng hợp An Sơn (AST).

An Sơn là một doanh nghiệp còn khá non trẻ khi chỉ mới được thành lập vào tháng 4/2018, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập chính là Nguyễn Văn Đức (20%), Đặng Thị Xuê (50%) và Dương Văn Vũ (30%). Trong đó, bà Đặng Thị Xuê – người của An Phát Holdings -  giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Đến tháng 7/2018, người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc An Sơn được chuyển giao cho ông Hồ Trí Dũng. Còn chức vụ Phó Tổng giám đốc An Sơn thuộc về ông Bùi Việt Hà.

Trong danh sách thành viên HĐQT An Sơn còn có ông Phạm Đỗ Huy Cường, người từng giữ chức vụ nhân viên tài chính Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Trưởng Ban Tài chính – Kế toán CTCP Tập đoàn Đại Dương (OCEAN GROUP), một doanh nghiệp từng có mối quan hệ khá thân thiết với Tập đoàn PVN (thời ông Hà Văn Thắm).

Theo tìm hiểu của VietTimes, 2 ông Hồ Trí Dũng và Bùi Việt Hà trước đó đều là những cán bộ lãnh đạo của PVTex và đều tham gia Ban chấp hành Đảng bộ PVTex nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Cụ thể, ông Hồ Trí Dũng - Tổng Giám đốc An Sơn, nguyên là Bí thư đoàn thanh niên, Trưởng phòng hành chính Tổng hợp của PVTex. Ông Bùi Việt Hà - Phó TGĐ An Sơn, nguyên là Phó TGĐ PVTex.

Chưa rõ sự am hiểu và cả những mối quan hệ cũ của ông Dũng và ông Hà có giúp ích phần nào để An Sơn được lựa chọn làm đối tác nhằm “vực dậy” PVTex.

Lấy tiền từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ PVTex

Được đánh giá là một đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính nhưng đến nay chưa rõ mức độ đóng góp tài chính của An Phát Holdings tại Nhà máy này ra sao.

Về phía PVN, Tập đoàn này đã phải dùng đến quỹ phúc lợi của mình để thu xếp vốn lưu động duy trì hoạt động Nhà máy cho PVTex.

Cụ thể, ngày 16/4/2018, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã ký văn bản (ký thay Tổng Giám đốc) trình Hội đồng thành viên PVN phê duyệt Thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả kinh phí tối thiểu thực hiện kế hoạch khởi động lại nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Thỏa thuận). Theo đề xuất, nguồn vốn hỗ trợ cho PVTex sẽ được lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện đang được quản lý trong quỹ phúc lợi của PVN). Số tiền này sau đó sẽ được PVN rót xuống PVTex thành hai đợt.

Đợt 1 có quy mô 33,98 tỉ đồng. Mục đích để PVTex trả nợ cho KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác, với số tiền là 22,98 tỉ đồng; Cộng thêm 11 tỉ đồng là chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của nhà máy đợt 1 năm 2018.

Đợt 2: Sau khi hoàn thành giai đoạn khởi động lại nhà máy chạy lại phân xưởng DTY, dự kiến sau 3 tháng, PVTex báo cáo kết quả thực hiện và phương án trả nợ toàn diện để Tập đoàn xem xét, đánh giá việc hỗ trợ có hoàn trả các đợt tiếp theo (cụ thể 16,45 tỉ đợt 2 và 36,45 tỉ đợt 3 để trả nợ cho DVIZ cũng như các chi phí tối thiểu để duy trì khác).

Tỷ lệ tham gia hỗ trợ có hoàn trả cho PVTex được phân chia trách nhiệm tương ứng theo tỷ lệ góp vốn của PVN và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tại PVTex, lần lượt là 74,01% và 25,99%.

"Các khoản hỗ trợ có hoàn trả trong Thỏa thuận này không tính lãi suất", văn bản ký bởi PTGĐ PVN Lê Mạnh Hùng nêu rõ.

Trên cơ sở đề xuất trên, một ngày sau - ngày 17/4/2018, Chủ tịch HĐTV PVN đã Nghị quyết số 2327/NQ-DKVN, chấp thuận các nội dung chính của Thỏa thuận.

Ngày 20/4/2018, Thỏa thuận giữa PVN, PVFCCo và PVTex chính thức được ký kết bởi các Tổng Giám đốc: Nguyễn Vũ Trường Sơn, Đào Văn Nhuộm, Đào Văn Ngọc. Cùng ngày, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng đã ký Quyết định chuyển cho PVTex hơn 25 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phúc lợi Công ty mẹ PVN.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính nội tại khó khăn và "cửa" tín dụng đã bị đóng, việc PVTex phải phải viện nhờ đến các các cổ đông của chính mình là PVN và PVFCCo nhằm thu xếp nguồn lực để chi trả các chi phí thiết yếu cho việc khởi động lại nhà máy có thể xem như việc đặng chẳng đừng, bởi thực ra cũng chẳng còn "cửa" nào khác.

Tuy nhiên, việc ký thỏa thuận hỗ trợ trên đã vấp phải sự lo lắng từ chính nội bộ PVN. Cụ thể, Ban Pháp chế tập đoàn này đã có những lưu ý, cảnh báo nhất định về độ rủi ro.

Tại văn bản số 214/HĐTV-KSNB ngày 11/4/2018 về việc thỏa thuận hỗ trợ vốn lưu động thực hiện kế hoạch sản xuất sợi DTY của PVTex, Ban này viết: “Theo ý kiến của Ban Pháp chế, chưa đánh giá tính hợp lý, hợp lệ và mức độ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên của thỏa thuận này với quy định của pháp luật hiện hành mà chỉ lưu ý về rủi ro của PVN trong việc thu hồi khoản nợ và trường hợp doanh nghiệp phá sản, PVN không được ưu tiên trong hoàn trả khoản hỗ trợ…”./.