Dấu hỏi về nhà đầu tư chiến lược của các Cienco: Nay anh ở đâu?

VietTimes -- Mặc dù trong các phương án cổ phần hóa được phê duyệt đều ghi rõ NĐT chiến lược đã có cam kết bằng văn bản sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thực tế lại cho thấy nhiều NĐT chiến lược đã “bỏ quên” cam kết này, tiến hành chuyển nhượng cổ phần tại các Cienco trong lặng lẽ dù nắm giữ chưa quá 5 năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cienco nào cũng có nhà đầu tư chiến lược

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) được đánh giá là đơn vị đi đầu trong công tác thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khi thực hiện hoàn thành mức chỉ tiêu đề ra.

Có nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa và thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trở nên minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, được nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán săn đón như: Vietnam Airlines (Mã CK: HVN), Cảng hàng không Việt Nam (Mã CK: ACV).

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp dù đã hoàn thành cổ phần hóa nhiều năm nhưng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và ngày càng trở thiếu minh bạch. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của loạt tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco1, 4, 5, 6, 8...). Tính đến nay, mới chỉ có Cienco4 niêm yết trên sàn UPCOM với mã chứng khoán C4G, còn các doanh nghiệp khác chưa “hẹn” ngày lên sàn và thậm chí càng ít công bố thông tin hơn.

Thực tế cho thấy việc cổ phần hóa các Cienco trong giai đoạn 2014 - 2015 cũng không hề dễ dàng. Trong số 5 tổng công ty được IPO, chỉ có cổ phiếu của 2 doanh nghiệp có tình hình tài chính khả quan là Cienco1 và Cienco4 được đông đảo nhà đầu tư đón nhận.

Cổ phần của 3 Cienco còn lại rơi vào tình trạng ế ẩm dù giá chào bán khởi điểm chỉ ngang với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.

Lúc này, nhân tố giúp cho cơ quan chủ quản hoàn thành được mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các Cienco đến từ các nhà đầu tư chiến lược.

Đối với Cienco1, có 3 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua vào 31% vốn điều lệ của doanh nghiệp này là: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (10%), CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON (10%) và Công ty HASSYU Nhật Bản (11%).

Trong khi đó, Cienco4 cũng có 2 nhà đầu tư chiến lược đồng hành là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (chiếm 16,5%) và SHB (chiếm 10% vốn).

Các Cienco có năng lực tài chính kém khả quan hơn cũng tìm được cho mình những nhà đầu tư chiến lược.

Đơn cử như Cienco5 với 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư Nam Trí và CTCP Việt Phương; Cienco8 với CTCP Cầu đường Long Biên, CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Cienco1 từng bị UBCKNN xử phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán (Ảnh: Internet)
Cienco1 từng bị UBCKNN xử phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán (Ảnh: Internet)

Nhà đầu tư chiến lược tại các Cienco nay đâu?

Trước tiên, để trở thành các nhà đầu tư chiến lược tại các Cienco, các nhà đầu tư trên phải thỏa mãn tiêu chí chọn lựa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ban hành ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định 59).

Trong đó, Nghị định 59 có nêu rõ, nhà đầu tư (NĐT) chiến lược là các NĐT trong nước và NĐT nước ngoài có năng lực tài chính, có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp (DN), và hỗ trợ DN sau cổ phần hóa như: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, NĐT chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn trên phải được đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) chấp thuận.

Mặc dù trong các phương án cổ phần hóa được phê duyệt đều ghi rõ NĐT chiến lược đã có cam kết bằng văn bản gắn bó lâu dài. Thực tế cho thấy nhiều NĐT chiến lược đã “bỏ quên” cam kết này, tiến hành chuyển nhượng cổ phần tại các Cienco trong lặng lẽ dù nắm giữ chưa quá 5 năm. Điều này khiến cho các cam kết chỉ mang ý nghĩa “trên giấy” mà thiếu đi thực chất.

Lấy ví dụ về Cienco4, chỉ ít tháng sau phiên IPO, cổ đông chiến lược CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) đã thực hiện gom nốt 35% phần vốn nhà nước còn lại để biến công ty này trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.

Nhưng chỉ 1 năm sau, cả 2 cổ đông chiến lược đều lần lượt tiến hành triệt thoái vốn tại Cienco 4. Trong khi đó, Nghị quyết ĐHCĐ vào các năm 2014 và 2015 của Cienco 4 không đề cập gì đến việc thoái vốn này. Điều này cũng có thể hiểu việc thoái vốn của NĐT chiến lược không nằm trong “trường hợp đặc biệt” như Nghị định 59 quy định.  

Đến giữa năm 2016, khi việc thoái vốn của Tuấn Lộc đã hoàn tất, cơ cấu cổ đông của Cienco4 chào đón sự xuất hiện của các cổ đông mới, bao gồm: CTCP Tập đoàn VPA (sở hữu 27%); CTCP Xây dựng Dũng Hưng (sở hữu 22%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (chiếm 14% vốn điều lệ).

Theo tìm hiểu của VietTimes, các nhà đầu tư mới đều ít nhiều có liên quan tới dàn lãnh đạo thời Cienco4 còn là doanh nghiệp nhà nước.

Đơn cử như trường hợp của CTCP Tập đoàn VPA, giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/5/2016 cho biết doanh nghiệp này có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, do 6 cổ đông sáng lập. Trong đó, có 2 cổ đông chi phối chủ yếu là bà Trương Thị Tâm và con trai là ông Lê Ngọc Vinh với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 46,209% và 38,174%.

Bà Tâm được biết đến là vợ ông Lê Ngọc Hoa - người nhiều năm đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc Cienco4 và có những đóng góp quan trọng trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Kể từ tháng 11/2014, ông Hoa chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Trong khi bà Trương Thị Tâm từng đảm nhiệm vị Phó Chủ tịch HĐQT tại Cienco 4 trước khi thôi chức vào tháng 10/2018.

Bà Trương Thị Tâm khi còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Cienco 4. (Ảnh: Cienco 4)

Bà Trương Thị Tâm khi còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Cienco 4. (Ảnh: Cienco 4)

Sau khi bà Tâm rút khỏi các vị trí tại Cienco4, cổ đông CTCP Tập đoàn VPA đã tiến hành đổi tên thành CTCP New Link (NewLink). Cùng với đó, cơ cấu cổ đông của NewLink cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi với việc bà Trương Thị Tâm và ông Lê Ngọc Vinh đã triệt thoái vốn.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Cienco1 khi trong năm 2015, các NĐT chiến lược liên tục thực hiện giao dịch thay đổi tỷ lệ sở hữu.

Trong đó, vào tháng 8/2015, Công ty HASSYU Nhật Bản đã triệt thoái vốn tại Cienco1 và chuyển nhượng cho nhà đầu tư cá nhân là ông Uông Huy Đông. Chỉ 1 tháng sau, tháng 9/2015, ông Đông bán lại gần hết số cổ phần này cho Công ty TNHH Thiết bị Xây dựng Hồng Hà.

Ở chiều hướng ngược lại, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) liên tục gom mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 35,58%. Tới tháng 12/2015, Yên Khánh thực hiện bán 4,9 triệu cổ phần cho CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (Khánh An). Cổ đông Khánh An sau đó cũng thực hiện gom thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,21%.  

NĐT chiến lược khác là CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON sau nhiều giao dịch cũng đã bán hết cổ phần cho CTCP Đầu tư Cái Mép (Cái Mép).

Sau nhiều giao dịch, cơ cấu cổ đông của Cienco1 có nhiều sự thay đổi: Yên Khánh (chiếm 28,28%), Khánh An (chiếm 19,21%) và Cái Mép (sở hữu 16,8% vốn). Các doanh nghiệp kể trên đều có mối liên hệ với ông Đinh Ngọc Hệ - tức “Út Trọc”.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại các Cienco5, Cienco 6 và Cienco8 khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn về vai trò, cũng như lựa chọn các NĐT chiến lược khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước./.