19 tổ chức, cá nhân gửi kiến nghị cân nhắc dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

VietTimes -- Theo Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), phần lớn nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đưa ra chỉ còn mang tính hình thức. Bởi dự luật không có được tính rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm của từng chủ thể chịu sự chi phối của luật đi kèm chế tài xử phạt nghiêm minh khi vi phạm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với đó, BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) -- Trưởng ban Điều phối Liên minh NCDs-VN cho rằng, cơ sở khoa học cùng tính liên kết hệ thống mang tính chiến lược và các điều kiện cơ bản cần thiết tạo khung pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thực thi luật hiệu quả xét theo thực tế đất nước, đã bị làm yếu một cách hết sức tinh vi dưới sự tác động của ngành công nghiệp rượu, bia. 

Đó là một trong những nội dung căn cốt của Thư kiến nghị do Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (NCDs-VN) đại diện cho 19 tổ chức và cá nhân đang hoạt động tại Việt Nam ngay trước thời điểm Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào 14/6 tới.

Bức thư kiến nghị này được gửi tới Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về thực tế và hệ lụy xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đang được Quốc hội bàn thảo trong kì họp lần này.

Các thành viên của Liên minh NCDs-VN bày tỏ sự quan ngại về mối liên hệ chặt chẽ giữa mức gia tăng tiêu thụ rượu bia hàng năm của Việt Nam và sự gia tăng của những hệ lụy xã hội như bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ, tai nạn giao thông, gánh nặng bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác…

"Đó có phần là hậu quả của những can thiệp chính sách nghiêng theo chiều hướng ưu ái phát triển ngành công nghiệp rượu, bia trong thời gian qua, tác động xấu tới sức khỏe và phát triển cộng đồng, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em, trẻ vị thành niên là các nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất", ông Trần Tuấn đặt vấn đề.

Trong thư kiến nghị, NCDs-VN cũng đề nghị điều chỉnh nội dung dự thảo Luật. Theo đó, trong nội dung quy định về Quyền và nghĩa vụ của người dân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (điều 4, chương 1), Liên minh đề nghị điều chỉnh thêm nội dung: Gia đình, trường học, các nhóm xã hội và tổ chức trong, ngoài nhà nước phải đảm bảo thực thi Quyền của trẻ thơ và trẻ vị thành niên được sống, học tập, vui chơi và làm việc trong một môi trường an toàn không bị đe dọa bởi các nguy cơ gây hại do rượu, bia và đồ uống có cồn nói chung gây ra.

Xã hội tôn trọng và đảm bảo luật pháp quyền của công dân từ chối tiếp xúc thông tin quảng cáo, khuyến mại liên quan tới rượu bia, từ chối lời mời uống rượu bia và đồ uống có cồn. Nhà nước bảo đảm thực hiện quyền chọn lựa đồ uống không cồn trong các sinh hoạt cộng đồng, các sự kiên liên hoan văn hóa hoặc các hình thức lễ hội khác.

Ngoài ra, Liên minh 19 tổ chức, cá nhân cũng nêu ra tính cần thiết lập chế tài kiểm soát vi phạm và xử phạt nặng đối tượng vi phạm giới hạn tuổi ở tất cả các điểm kinh doanh rượu bia và đồ uống có cồn dưới mọi hình thức, tại các môi trường công cộng, các điểm vui chơi giải trí, và cả tại gia đình. Việc này được thực hiện bằng cơ chế người dân giám sát đi kèm hệ thống thanh kiểm tra ngẫu nhiên thực hiện bởi cả Chính phủ và các tổ chức y tế dự phòng ngoài Nhà nước, nhân đạo, phi lợi nhuận.