Phan Trần xin lỗi “đạo” tranh, Phương Mai ngoan cố cãi cùn

VietTimes – Phản hồi về việc bị tố “đạo” tranh kiếm lời, Công ty Phan Trần lên tiếng xin lỗi, hứa không tái phạm, còn Công ty Phương Mai vẫn ngoan cố không hợp tác.
Một trong 2 bức tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền. Mặc dù xâm phạm quyền tác giả tới 5 tác phẩm nhưng công ty Phương Mai vẫn ngoan cố nói không sai.
Một trong 2 bức tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền. Mặc dù xâm phạm quyền tác giả tới 5 tác phẩm nhưng công ty Phương Mai vẫn ngoan cố nói không sai.

Phan Trần xin lỗi vì vô tình vi phạm

Sau khi các họa sĩ gửi văn bản phản ứng tới các đơn vị đã copy, “đạo” tranh nghệ thuật đưa lên áo dài, chiều 9/5, liên lạc đến Công ty TNHH In Vải KTS Phan Trần, VietTimes đã trao đổi với ông Trần Quốc Nhân – chủ sở hữu, người chịu trách nhiệm trước pháp luật của công ty này.

Ông Trần Quốc Nhân cho VietTimes biết đã nhận được văn bản của nhóm họa sĩ gửi và đã họp trong Công ty để xem xét sự việc. Ông Nhân thừa nhận những sai phạm của Công ty Phan Trần do vô tình và thiếu hiểu biết pháp luật, nên trong quá trình tìm kiếm những hình ảnh đẹp để đưa vào sản phẩm đã sử dụng các hình ảnh của nhóm họa sĩ như báo chí đã đưa tin.

Ngay trong chiều 9/5, đại diện Công ty, ông Trần Công Dạn – Giám đốc của Phan Trần đã gọi điện liên lạc với nhóm họa sĩ, gửi lời xin lỗi, chỉ đạo nhân viên Công ty thực hiện các yêu cầu trong văn bản đã nhận, hứa sẽ không tái phạm. Công ty Phan Trần cũng cam kết sẽ phát hành sớm văn bản chính thức về việc này.

Tác phẩm của họa sĩ Ngụy Đình Hà bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền
Tác phẩm của họa sĩ Ngụy Đình Hà bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Thiếu hiểu biết pháp luật hay là ngoan cố?

Công ty Phương Mai là đơn vị vi phạm nhiều nhất tranh của các họa sĩ, bằng việc tự ý lấy 5 bức tranh nghệ thuật của các họa sĩ đem in lên áo dài bán kiếm lời.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh (Hà Nội) bị vi phạm bản quyền 2 bức; họa sĩ Nguyễn Quý Tâm (Huế) bị vi phạm bản quyền 2 bức, họa sĩ Ngụy Đình Hà (Hà Nội) bị vi phạm 1 bức.  

Trong cả hai cuộc trao đổi chiều 9/5 và sáng 10/5 của VietTimes với Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH In ấn Dệt may Phương Mai (quận Tân Phú), ông Dương Thanh Bình không nhận lỗi vi phạm, với lý do: “Chúng tôi thấy ảnh đẹp nên đã download ảnh từ một trang web miễn phí về dùng”.

Ông Dương Thanh Bình tuyên bố không xin lỗi cũng không cần hợp tác với các họa sĩ đã “tố” Công ty Phương Mai xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền 
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Với kiến thức pháp luật quá sơ đẳng, ông Dương Thanh Bình không phân biệt được bản quyền hình ảnh và bản quyền tác phẩm mỹ thuật, không hiểu rằng tác phẩm mỹ thuật từ khi họa sĩ bắt đầu sáng tác, tới khi hoàn thành và công bố, đều được tự động bảo hộ bản quyền. Và cho dù là bản quyền hình ảnh hay bản quyền tác phẩm mỹ thuật thì Công ty Phương Mai đều đã vi phạm.

Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật từ lâu, nhưng vẫn rất nhiều cá nhân, đơn vị chưa hiểu và tuân thủ luật bảo hộ Quyền tác giả, tác phẩm. 

Có thể phạt tiền và truy tố đối tượng vi phạm

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định: “Hành vi sao chép, sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đều vi phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2009”. 

“Hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điểm D, khoản 1, Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, bị coi là vi phạm quyền tác giả. Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã giải thích cụ thể về sao chép tác phẩm” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết.

“Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Khoản 1, điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn cung cấp chi tiết.

Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền
Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Luật sư khẳng định các tác giả có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và phải bồi thường thiệt hại, đồng thời phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi xâm phạm bản quyền.