Công ty Xuân Thiện đầu tư 12.000 tỷ đồng vào hai dự án tại Hòa Bình

VietTimes -- Trong 18 dự án với tổng đầu tư khoảng 22.900 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) đầu tư vào tỉnh Hòa Bình theo kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Xuân Thiện (Ninh Bình) chỉ đầu tư 2 dự án, nhưng chiếm quá nửa tổng số vốn cam kết đầu tư, với hơn 12.000 tỷ đồng.
Phối cảnh Siêu dự án Sông Hồng của Xuân Thiện
Phối cảnh Siêu dự án Sông Hồng của Xuân Thiện

Cụ thể, Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình - Tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình) đã được UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu tư 2 dự án: Nhà máy sản xuất Bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình; Nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Hòa Bình.

Cả hai dự án này được triển khai tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình với tổng nguồn vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cả hai dự án này đều không phải di dân, tái định cư, và sẽ sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất thế giới thuộc nhóm các nước G7.

Trong đó, Dự án sản xuất bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình được thực hiện từ năm 2017 – 2022 (theo 2 giai đoạn) có tổng công suất 2,16 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó: Giai đoạn I thực hiện từ năm 2017-:-2019, có công suất 0,76 triệu tấn sản phẩm/năm; Giai đoạn II có công suất 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm sẽ được thực hiện từ năm 2019-:-2022.

Dự án sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện có công suất 180MW/năm với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng. Đây là dự án công nghiệp năng lượng sạch, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất thế giới được nhập từ châu Âu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Khi đi vào hoạt động, 2 dự án góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội của huyện miền núi Lạc Thủy, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động và nộp ngân sách tỉnh Hòa Bình khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng/năm.

Được biết, Công ty Xuân Thiện thuộc tập đoàn Xuân Thành của Ninh Bình. Đây là công ty đã từng đề xuất xây dựng Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng với tổng vốn đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng (1,1 tỷ USD).

Siêu dự án này đã làm dấy lên cuộc tranh luận xã hội khá lớn. Trong khi doanh nghiệp chứng minh dự án sẽ có hiệu quả cao nếu được áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc biệt, thì cũng có khá nhiều ý kiến nhà quản lý, nhà khoa học phản đối dự án, do lo ngại dự án sẽ tác động xấu đến môi trường, thay đổi hệ sinh thái trong khu vực đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người dân sinh sống vùng phụ cận...