Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long: Doanh nghiệp “bí ẩn” mà TP.HCM vừa quyết định thanh tra toàn diện các dự án

VietTimes -- Sở dĩ gọi là "bí ẩn" bởi lẽ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long (Phi Long) vẫn là cái tên còn xa lạ trên thị trường địa ốc Tp. HCM - kể cả là với không ít phóng viên theo dõi mảng bất động sản. Nhưng đây lại là doanh nghiệp cực "khủng", chí ít là theo con số vốn điều lệ mà nó đăng ký...
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long: Doanh nghiệp “bí ẩn” mà TP.HCM vừa quyết định thanh tra toàn diện. (Ảnh: Vietnamnet)
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long: Doanh nghiệp “bí ẩn” mà TP.HCM vừa quyết định thanh tra toàn diện. (Ảnh: Vietnamnet)

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long (Phi Long) được thành lập ngày 27/5/2002, hiện đăng ký trụ sở chính tại Số 1, đường 28, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Theo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được cấp ngày 13/7/2018, Chủ tịch hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Anh Tuấn (sinh năm 1988) có hộ khẩu thường trú tại phường Thuận Thành, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đáng chú ý hơn, trong lần điều chỉnh này, vốn điều lệ của Phi Long đã được nâng từ 9.193 tỷ đồng lên mức 15.193 tỷ đồng. Cần thiết phải nói rằng đây là số vốn điều lệ "khủng", kể cả với những doanh nghiệp địa ốc được xếp hàng đại gia.

Trích ĐKKD mới nhất của Phi Long.
 Trích ĐKKD mới nhất của Phi Long.

Nhưng vốn điều lệ - như đã biết - đôi khi chỉ là một con số đăng ký. Nó chưa hẳn đã đồng nhất với vốn thực góp, vốn tự có, vốn chủ sở hữu và cũng chưa chắc đã là thước đo chuẩn xác để phản ánh thực lực của doanh nghiệp.

Chẳng hạn như với Phi Long, quy mô vốn ấn tượng trên “giấy tờ” chưa thể làm nguôi đi những nghi ngờ về năng lực của doanh nghiệp.

Bằng chứng là, dù sở hữu rất nhiều dự án bất động sản quy mô - và đăng ký một số vốn rất lớn - nhưng việc triển khai các dự án của doanh nghiệp địa ốc kín tiếng này dường như vẫn chẳng đi tới đâu. Trong đó, có cả những dự án đã được khởi động cách nay hàng thập kỷ. 

Không phải ngẫu nhiên mà Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định thanh tra toàn diện các dự án của Phi Long trên địa bàn.

Thanh tra toàn diện các dự án của Phi Long trên địa bàn TP.HCM

Cụ thể, Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM vừa công bố văn bản số 10585/VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến đề nghị thanh tra toàn diện tất cả các dự án của Phi Long trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Thanh tra thành phố nghiên cứu, rà soát về việc tiến hành thanh tra toàn diện các dự án do Phi Long đang triển khai trên địa bàn Thành phố theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tại Công văn số 7202 ngày 26/7/2018.

“Đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật; báo cáo, đề xuất, trình UBND thành phố xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định giao đất nếu vi phạm pháp luật” – chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ.

Việc thanh tra toàn diện các dự án của Phi Long tại TP.HCM một phần xuất phát từ nhiều vi phạm liên quan tới Dự án khu dân cư Nam Nam Sài Gòn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tại công văn số 7202 ngày 26/7/2018, Sở TN&MT cho biết: từ ngày 30/6/2004, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi và tạm giao đất có diện tích là 197.224 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho “Công ty TNHH Đầu tư” để tổ chức bồi thường, tái định cư giải tỏa mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Công ty TNHH Đầu tư (được thành lập năm 2000) - chủ đầu tư nêu trên - sau này đã đổi tên và tiến hành sáp nhập vào Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long, như hiện nay.

Tuy nhiên, đến nay - sau 14 năm, dự án khu dân cư Nam Nam Sài Gòn thì vẫn dang dở, vi phạm nhiều quy định liên quan tới công việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trong một động thái chủ động, Sở TN&MT ngày 23 và 24/4/2018 đã tiến hành mời đại diện của công ty Phi Long làm việc về các vấn đề liên quan tới thực hiện dự án.

TP HCM yêu cầu kiểm soát việc chuyển nhượng dự án nhằm mục đích trục lợi
Tuy nhiên, công ty Phi Long đã không cử người đại diện tới tham dự các cuộc họp này. Trong công văn gửi Sở TN&MT ngày 27/4/2018, công ty Phi Long cho biết “công ty chỉ có một người” và lịch họp trùng khớp với các dự án khác tại miền Trung nên không thể dự họp theo thư mời.

Ngày 4/5/2018, Sở TN&MT đã cùng với các đơn vị liên quan và có sự tham dự của “đại diện” của công ty Phi Long (có dự họp nhưng xuất trình giấy tờ ủy quyền của người đại diện theo pháp luật không hợp lệ) công bố kết quả kiểm tra hiện trạng khu đất dự án Nam Nam Sài Gòn.

Kết quả cho thấy, công ty Phi Long đã vi phạm nhiều quy định như: san lấp các rạch trái phép; chưa thực hiện lập lại quy hoạch chi tiết 1/500, trình duyệt và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định, để làm cơ sở cho việc thi công san lấp hay như việc đầu tư xây dựng 2 căn nhà không phép (1 căn làm trụ sở văn phòng Công ty và 1 căn biệt thự).

Với việc vi phạm nhiều quy định, Sở TN&MT đã kiến nghị tiến hành thanh tra để xác định các vi phạm của chủ đầu tư, làm cơ sở để thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất.

Sau hơn 4 năm, vốn điều lệ tăng từ 37 tỷ đồng lên... 15.193 tỷ đồng

Sự “khác biệt” của tập đoàn này còn đến từ việc thay đổi mô hình hoạt động, quy mô vốn, cơ cấu cổ đông và người đứng đầu đại diện theo pháp luật từ năm 2015 tới nay, đó là chưa kể rất nhiều lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh mà Phi Long đã thực hiện trước đó.

Lần thay đổi đáng chú ý là đợt tăng vốn điều lệ của Phi Long từ 37 tỷ đồng lên mức 800 tỷ đồng theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi được cấp ngày 9/1/2015 bởi Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Thắng (sinh năm 1954), có địa chỉ thường trú tại ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; được thay thế bằng bà Lâm Thị Thanh Nga (sinh năm 1960), đăng ký thường trú trên đường Trần Quốc Thảo, Phường 7, Quận 3, TP.HCM.

Thời điểm đó, Phi Long có tên là Công ty Cổ phần Phi Long Tây Ninh. Tuy nhiên, theo thông báo thay đổi con dấu ngày 21/9/2016, công ty này đã chuyển đổi thành mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với tên gọi Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh.

Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 7/11/2016, người đại diện của Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh cũng là sự góp mặt của những cá nhân hoàn toàn mới.

Cụ thể, người đại diện cũ là ông Nguyễn Công Danh, sinh năm 1970, (vị trí Tổng giám đốc), có hộ khẩu thường trú tại Đường 5, Khu phố 1, Phường Linh Đông, Quận Thủ Đức, TP. HCM; đã được thay đổi thành ông Phan Mộng Hoàng, sinh năm 1971 (vị trí Giám đốc), đăng ký hộ khẩu thường trú tại Khu dân cư Miếu Nổi, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Tới ngày 29/6/2017, Phi Long đã thực hiện nâng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên mức 2.459 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông được tiết lộ có sự tham gia của Công ty TNHH Thương mại tư vấn đầu tư Văn hóa Việt (25 tỷ đồng – chiếm 3,125%) và ông Phạm Xuân Long (775 tỷ đồng – chiếm 96,875%).

Sau khi nâng vốn, cơ cấu cổ đông tiếp tục thay đổi với sự tham gia của bà Lâm Thị Thanh Nga, chiếm 0,4% vốn điều lệ, thay thế cho Công ty TNHH Thương mại tư vấn đầu tư Văn hóa Việt, còn ông Phạm Xuân Long sở hữu 99,6% vốn điều lệ.

Ngoài ra, vị trí của ông Phan Mộng Hoàng cũng được thay thế bằng bà Lâm Thị Thanh Nga, sinh năm 1960 (vị trí Giám đốc, Tổng giám đốc), hộ khẩu thường trú tại đường Trần Quốc Thảo, Phường 7, Quận 3, TP.HCM.

Doanh nhân Phạm Xuân Long (SN 1959 tại Thanh Hóa) - "ông chủ" của Phi Long - được biết đến như một người có đam mê lớn với cổ vật, đặc biệt là đồng hồ. Ông cũng miêu tả là người sở hữu nhiều bảo tàng, và còn được biết đến dưới tên Long "bonsai". (Ảnh: Thanh Niên)
Doanh nhân Phạm Xuân Long (SN 1959 tại Thanh Hóa) - "ông chủ" của Phi Long -  được biết đến như một người có đam mê lớn với cổ vật, đặc biệt là đồng hồ. Ông cũng miêu tả là người sở hữu nhiều bảo tàng, và còn được biết đến dưới tên Long "bonsai". (Ảnh: Thanh Niên)

Đến ngày 22/8/2017, thông tin thay đổi mẫu dấu của Phi Long cho thấy công ty này đã đổi tên từ Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh thành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long. Người đại diện của công ty này cũng có sự thay đổi từ bà Lâm Thị Thanh Nga sang các cá nhân khác như: ông Nguyễn Thanh Tân (sinh năm 1959) hay ông Phạm Văn Hải (sinh năm 1967).

Trong thời gian đó, quy mô vốn của công ty Phi Long tiếp tục được gia tăng lên mức 9.183 tỷ đồng. Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 8/6/2018, cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Nguyễn Thanh Vân (góp 10 tỷ đồng – chiếm 0,109%) và ông Phạm Xuân Long (góp 9.183 tỷ đồng – chiếm 99,891%). Tuy nhiên, sau khi thay đổi, bà Vân không còn xuất hiện trong cơ cấu cổ đông sáng lập nữa mà được thay bằng ông Lê Văn Anh Tuấn (góp 3 tỷ đồng – chiếm 0,033%).

Như đã biết, ông Lê Văn Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật ngay cả sau khi Phi Long tăng vốn lên mức 15.193 tỷ đồng. Vị "đại gia" Phạm Xuân Long cũng là một cái tên đáng chú ý với số cổ phần góp vốn tương đương với 15.188 tỷ đồng theo mệnh giá.

Có lẽ với việc thay đổi cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo ở vị trí cấp cao liên tục trong thời gian qua, Phi Long vì thế cũng khó đảm bảo được việc thực hiện các dự án đang triển khai.

Dự án khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, mà Phi Long là một trong các cổ đông sáng lập chủ đầu tư, ở Quảng Ngãi cũng có rất nhiều vấn đề. (Ảnh: ZIng)
Dự án khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, mà Phi Long là một trong các cổ đông sáng lập chủ đầu tư, ở Quảng Ngãi cũng có rất nhiều vấn đề. (Ảnh: ZIng)

Theo tìm hiểu của VietTimes, hoạt động đầu tư của Phi Long không chỉ giới hạn trên địa bàn TP. HCM; mà còn mở rộng sang nhiều địa phương lân cận. Thậm chí, là ra tận tỉnh biên giới Tây Ninh, hay tỉnh miền Trung - Quảng Ngãi.

Có thể kể đến như, Phi Long chính là một trong những cổ đông sáng lập nên Công Ty Cổ phần Đầu Tư Phát Triển Nam Quảng Nam (Nam Quảng Nam) - chủ đầu tư của dự án khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, rộng 74ha, với tổng mức đầu tư đăng ký lên tới 8.000 tỷ đồng.

Đáng tiếc, giống với dự án dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn, dự án Thiên Đàng nêu trên cũng có nhiều vấn đề, bị chậm tiến độ nghiêm trọng và từng bị Quảng Ngãi cảnh báo thu hồi.

Và tương tự Phi Long, Nam Quảng Nam cũng đăng ký một mức vốn điều lệ rất "khủng" - cập nhật tại ngày 10/10/2018 là 15.000 tỷ đồng./.