Công ty sản xuất chip Đài Loan công bố lợi nhuận hàng quý năm 2022 tăng 78%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 12/1, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất cho biết, lợi nhuận hàng quý của công ty tăng 78% so với năm 2021 nhưng dự báo nhu cầu năm 2023 sẽ không cao.
Logo của Công ty TSMC tại trụ sở chính ở Hsinchu, Đài Loan ngày 31/8/2018. Ảnh Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Logo của Công ty TSMC tại trụ sở chính ở Hsinchu, Đài Loan ngày 31/8/2018. Ảnh Reuters/Tyrone Siu/File Photo

Theo thông tin do công ty công bố, doanh thu của TSMC trong quý cuối cùng năm 2022 tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 625,5 tỉ đô la Đài Loan mới (20,6 tỉ USD). Lợi nhuận đạt được là 295,9 tỉ đô la Đài Loan mới (9,7 tỉ USD).

TSMC, có trụ sở tại Hsinchu, Đài Loan sản xuất chip xử lý cho các thương hiệu lớn như Apple Inc. và Qualcomm Inc. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp do các nhà máy ở Trung Quốc lắp ráp, tình huống này khiến TSMC phải chịu tác động đáng kể trong sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung về công nghệ và an ninh.

Giám đốc tài chính TSMC, Wendell Huang trong một tuyên bố cho biết, doanh số bán hàng trong quý IV bị ảnh hưởng bởi “nhu cầu suy giảm” khi các nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Công ty dự kiến ​​doanh số bán hàng sẽ tiếp tục giảm trong quý I năm 2023.

Các nhà sản xuất chip đang có được lợi nhuận lớn từ nhu cầu cao về viễn thông thế hệ tiếp theo, máy tính hiệu suất cao và chip sử dụng trong những sản phẩm tiên tiến từ ô tô điện (EV) đến thiết bị y tế.

TSMC cảnh báo, doanh thu quý đầu tiên năm 2023 sẽ giảm tới 5% và công ty sẽ cắt giảm đầu tư hàng năm do nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Chi tiêu vốn của doanh nghiệp năm 2023 sẽ giảm xuống còn 32-36 tỉ USD từ 36,3 tỉ USD vào năm 2022.

Khả năng giảm giá sản phẩm sau khi lợi nhuận quý IV tăng 78% so với dự báo cho thấy mức độ suy thoái mạnh trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng suy giảm do tỷ lệ lạm phát tăng cao, lãi suất vay tăng và thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng TSMC cũng dự báo tăng trưởng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2023.

Giám đốc điều hành C.C. Wei cho biết: “Chúng tôi dự báo chu kỳ bán dẫn sẽ chạm đáy vào khoảng nửa đầu năm 2023 và phục hồi vào nửa cuối năm 2023”.

Hy vọng về sự phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và cắt giảm vốn đầu tư để quản lý nguồn cung đã khiến cổ phiếu TSMC niêm yết tại Mỹ tăng 7,5%.

Doanh thu nửa đầu năm 2023 được dự báo có mức giảm phần trăm từ trung bình đến cao ở một chữ số. Doanh thu quý đầu tiên dự kiến ​​​​trong khoảng từ 16,7 tỉ đến 17,5 tỉ USD, giảm so với 17,57 tỉ USD của năm 2022.

Sự thống trị của TSMC trong năng lực sản xuất những chip tiên tiến nhất cho các khách hàng cao cấp như Apple đã bảo vệ hãng khỏi suy thoái. Nhưng công ty có thể sẽ trở thành nạn nhân của sự suy thoái sâu sắc hơn, với quý I năm 2023 có khả năng đánh dấu lần giảm doanh số đầu tiên sau 4 năm.

Giám đốc tài chính Wendell Huang cho rằng, doanh số quý I năm 2023 "bị giảm sút do nhu cầu của thị trường tiêu dùng yếu và sự điều chỉnh hàng tồn kho của khách hàng".

Ông Huang nói: "Xét đến những bất ổn trong thời gian ngắn, chúng tôi tiếp tục quản lý hoạt động kinh doanh thận trọng và thắt chặt chi tiêu vốn. Kế hoạch năng lực và vốn đầu tư có kỷ luật của doanh nghiệp vẫn dựa trên hồ sơ nhu cầu thị trường dài hạn."

TSMC, công ty niêm yết có giá trị nhất châu Á, được hỗ trợ từ tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway Inc (BRKa.N) của tỉ phú Warren Buffett, nhiều lần khẳng định, hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ "xu hướng lớn" về nhu cầu chip điện toán hiệu suất cao cho mạng 5G và trung tâm dữ liệu lớn, cũng như tăng cường sử dụng chip trong các thiết bị điện tử thông minh và phương tiện chạy bằng điện. Theo TSMC, nhu cầu chậm hơn là một vấn đề mang tính chu kỳ và nhìn chung năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng nhẹ đối với công ty.

TSMC hiện có kế hoạch tăng cường sản xuất bên ngoài Đài Loan khi sự chú ý toàn cầu tập trung vào kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp và các quốc gia tiên tiến đưa ra nhiều khuyến khích để thúc đẩy sản xuất chip nội địa. Theo kế hoạch của công ty, 1/5 trong số các chip 28 nanomet (nm) và chip tiên tiến hơn, chiếm phần lớn doanh thu của công ty trong năm 2022 có thể được sản xuất ở nước ngoài “trong vòng 5 năm tới”.

Năm 2022, TSMC đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỉ USD trong 3 năm tiếp theo, tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất.

Hầu hết các linh kiện bán dẫn, được sử dụng trong điện thoại thông minh, thiết bị y tế, máy tính và những sản phẩm công nghệ thông tin đều được sản xuất tại Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thực tế này khiến các quan chức Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp, có thể bị gián đoạn do xung đột tiềm năng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Washington đang vận động TSMC và các nhà sản xuất chip khác như Samsung thành lập nhà máy sản xuất công nghệ tiên tiến trên lãnh thổ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12/2022 đã đến thăm một cơ sở sản xuất linh kiện bán dẫn của TSMC, đang được xây dựng ở Phoenix. Công ty đã công bố kế hoạch đầu tư 40 tỉ USD vào Arizona.

Trong năm 2022, TSMC công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản. Công ty và Sony Corp. đồng tuyên bố, các bên sẽ cùng đầu tư 7 tỉ USD vào cơ sở sản xuất mới này.

Hiện TSMC điều hành một nhà máy sản xuất chip ở Camas, Washington và các trung tâm thiết kế ở San Jose, California và Austin, Texas.

Theo Reuters