Công ty Chori Nhật Bản muốn nâng doanh thu tại Việt Nam lên 46,7 triệu USD vào 2018

VietTimes -- Hãng tin Reuters của Anh ngày 10/6/2016 dẫn nguồn tin của hãng Nikkei cho biết, công ty sản xuất đồ dệt may Chori, chi nhánh của Tập đoàn công nghiệp Toray, Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng doanh thu tại Việt Nam lên 46,7 triệu USD trong năm tài khóa 2018.
Công nhân lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam (ảnh minh họa VietQ)
Công nhân lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam (ảnh minh họa VietQ)

Trước đó, mục tiêu chiến lược của công ty Chori được lập  ra cho năm tài khóa 2017 là tăng gấp 5 lần số lượng các đối tác (lên con số 15) của công ty này trong lĩnh vực thương mại dệt may tại Việt Nam.

Hồi tháng 1/2016, tuần báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản cũng đã có báo cáo lý giải hiện tượng vì sao các công ty Nhật Bản ồ ạt chạy sang Việt Nam thiết lập, mở rộng và hợp tác làm ăn.

Theo Nikkei Asian Review, hiện nay, Việt Nam ngày càng tăng cường được lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài. 

Trong số các nhà đầu tư sẵn sàng tìm đến có các công ty dệt may hàng đầu của Nhật Bản.

Rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã hy vọng rằng họ sẽ có thêm động lực sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương/ TPP được thông qua, trong đó, Việt Nam cũng là một thành viên. 

Hiệp định TPP sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu ở quốc gia Đông Nam Á này cũng như tăng cường thương mại hàng hải với Mỹ.

Đối với các công ty dệt may, tay nghề của các công nhân Việt Nam là một điểm thu hút kể cả khi giá nhân công có cao hơn ở Bangladesh và Myanmar.

Bên cạnh đó, theo báo Nhật, các công ty trong những lĩnh vực sản xuất khác của Nhật Bản cũng đang có bước dịch chuyển tương tự. 

Nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Rhythm Watch là một ví dụ điển hình. Rhythm Watch sẽ chuyển dịch dây chuyền sản xuất đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Lý do lớn nhất mà các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. Các nỗ lực điều chỉnh của chính phủ cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Năm 2015, Việt Nam bắt đầu cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản trong 100 năm cũng như giữ 100% cổ phần ở các công ty thương mại công, so với 49% ở quy định trước đó.

Bên cạnh là thành viên của TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN, điểm thu hút đầu tư mạnh của Việt Nam đó là nước này cũng có các hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu/EU.