Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là tiến trình không thể đảo ngược

VietTimes -- Trong phiên hojp ổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 17.1.2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Trong bài tham luận với tựa đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, “Công nghệ số - Chuyển đổi số - Kinh tế số - Kỷ nguyên số là một tiến trình không thể đảo ngược. Đây là một xu thế toàn cầu”. Thế giới vật lý đang được ảo hóa. Thế giới thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng.

 Bộ trưởng cho rằng hiện nay với sự xuất hiện của CMCN 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.Bộ trưởng cũng chỉ ra những lợi ích to lớn mà kinh tế số mang lại cho quốc gia, cho doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng này là bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn.

Công nghệ số là không biên giới, sẽ góp phần làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số đem lại cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như: ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách.

Bộ trưởng cũng cho rằng kinh tế số xuất hiện ở Việt Nam từ cuối những năm 1980 với sự xuất hiện của máy tính cá nhân; bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi có Internet vào cuối những năm 1990 và trở nên phổ cập khi mật độ smartphone đạt trên 50% vào cuối những năm 2000. Đặc biệt nền kinh tế số tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ khi xuất hiện CMCN 4.0 vào cuối những năm 2010.

Theo Bộ trưởng, để kinh tế số thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ, cần một chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Bộ TT&TT đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và Đề án sẽ được trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Đề án xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên cả nước trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định chúng ta dám chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới, người tài trên toàn cầu sẽ đến Việt Nam và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Cái nôi của Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số có thể xuất khẩu được. Tuy nhiên, nếu dám chấp nhận cái mới nhưng là người sau cùng chấp nhận thì sẽ không có giá trị nhiều. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất và đó chính là cơ hội của Việt Nam.