Công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất khi triển khai chính phủ điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Triển khai Chính phủ điện tử được đánh giá là quá trình phức tạp do chịu tác động của nhiều yếu tố. Thực tế, không ít dự án Chính phủ điện tử trên thế giới đã gặp thất bại ở các cấp độ khác nhau.
Chính phủ điện tử là quá trình cần được đặt ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.
Chính phủ điện tử là quá trình cần được đặt ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.

Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT - trao đổi với VietTimes về những vấn đề liên quan đến triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT). Ông nhận định, Việt Nam hiện nay đã quan tâm nhiều hơn đến Chính phủ điện tử và Chính phủ số thông qua nhiều động thái tích cực.

Khắc phục khó khăn để biến tiềm năng thành hiện thực

Đánh giá về tốc độ triển khai, ông Trung cho biết: “Nhiều sáng kiến và dự án liên quan đến Chính phủ điện tử đã đi vào hoạt động, cho ra kết quả tích cực. Báo cáo từ các bộ ngành và địa phương cũng thể hiện tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá tiến triển của quá trình này”.

Chứng minh những khó khăn còn tồn tại, TS. Nguyễn Quang Trung phân tích một khía cạnh trong phát triển CPĐT. Xét các chủ thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong bối cảnh Việt Nam, ông đưa ra một số thách thức cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, lãnh đạo chính trị thường có nhiều ưu tiên khác cấp bách hơn, không am hiểu nhiều về công nghệ và thường bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ. Các lãnh đạo hành chính phải chịu nhiều áp lực và ưu tiên ngắn hạn khác, bên cạnh nhưng khó khăn về nguồn lực con người và ngân sách, hiểu biết về công nghệ mới còn hạn chế. Đội ngũ nhân sự ICT giỏi thường bị khu vực tư thu hút nhờ chế độ đãi ngộ tốt hơn, vì vậy nhân viên ICT khu vực công bị thiếu động lực triển khai vì trình độ hạn chế hơn, khan hiếm nguồn lực và sợ thất bại. Ngoài ra, mâu thuẫn lợi ích ở bộ phận nhân viên vận hành cũng là một lý do gây ra hiện trạng khó khăn khi triển khai dịch vụ công trực tuyến.

“Dù phân tích ngắn ở trên chỉ đại diện cho một trong rất nhiều yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai CPĐT, nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể để vượt qua các thách thức này thì không có nhiều cơ hội thành công cho các dự án CPĐT” – ông Trung nhận định.

TS. Nguyễn Quang Trung cho rằng, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển CPĐT nhờ nguồn nhân lực trẻ và có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh. Cùng với đó, công nghiệp phần mềm đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và internet nhanh cũng là lợi thế để thúc đẩy triển khai CPĐT. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn đang tiềm ẩn, bằng chứng là chỉ số về CPĐT của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc chưa đạt kỳ vọng.

“Nhìn lại việc phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong những năm qua, chúng ta có thể thấy ba giai đoạn triển khai chính gồm tin học hóa quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số. Có nhiều điểm tương đồng trong các đợt triển khai lớn của Chính phủ, đó là khởi đầu rất hứa hẹn, mục tiêu cao và quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, xếp hạng của chúng ta hiện vẫn chỉ ở mức trung bình khá trên bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, đứng thứ 86 trên 193 quốc gia được khảo sát” – ông Trung đánh giá.

Nhận thức triển khai CPĐT mới là tiền đề quan trọng để triển khai các chuyển đổi thông minh khác như chính phủ số, kinh tế số và thành phố thông minh, TS. Nguyễn Quang Trung cho rằng Việt Nam cần đánh giá thân trọng và tập trung ưu tiên cho một số vấn đề. Bên cạnh đó, ông đề xuất nên đặt mục tiêu theo tương quan so sánh với các nước trong khu vực và thế giới, để thấy sự vận chuyển của toàn cầu.

TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT.

TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT.

Xây dựng CPĐT thành công tạo tiền đề cho chuyển đổi số toàn diện

Đồng ý với PGS.TS. Trần Đình Thiên về quan điểm "Chính phủ nào số hoá nhanh sẽ thắng", TS. Nguyễn Quang Trung cũng đưa ra một số ý kiến riêng về vấn đề này. Theo ông, Chính phủ chuyển đổi số tốt sẽ đem lại các lợi ích cho xã hội như tăng cường tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của lãnh đạo Chính phủ và chính quyền các cấp, giảm tham nhũng, tăng chất lượng dịch vụ công, tăng năng suất và giảm áp lực ngân sách, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trước những tiềm năng lớn, ông cho rằng CPĐT là lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.

“Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã và đang chú trọng cũng như đầu tư nhiều cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số, vì điều này tác động hết sức quan trọng đến vai trò và chức năng, thậm chí là sự sống còn của các Chính phủ. Một Chính phủ kém hiệu quả, không làm tốt vai trò thường sẽ bị thay thế” – ông Trung nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia, các nhóm yếu tố tạo nên thành công của CPĐT gồm năng lực quản trị, cơ sở hạ tầng, đặc điểm kinh tế - xã hội. Đây cũng là ba trụ cột chính có thể áp dụng chuyển đổi số cho các địa phương. Đối với nhóm doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quang Trung khuyến nghị doanh nghiệp có thể bắt đầu chuyển đổi số bằng cách tập trung vào hai việc, gồm cải thiện mô hình kinh doanh hiện tại bằng tăng cường chuyển đổi cốt lõi trọng tâm và tìm kiếm mô hình kinh doanh mới.

TS. Nguyễn Quang Trung cho rằng, đây là thời cơ để Việt Nam tận dụng những giải pháp cấp bách, kích thích phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch vào công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, triển khai sáng kiến CPĐT hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung cao độ, nhằm đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng, sáng tạo và công bằng như trong Báo cáo Việt Nam 2035.