Đường sá Việt Nam chật hẹp, tắc nghẽn, các hãng vận tải đã áp dụng công nghệ để giải bài toán giao thông như thế nào?

VietTimes – Kho vận, hậu cần (logistics) là một lĩnh vực không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường. Khi nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa tăng cao thì người bán và người mua đều phải cần đến logistics. Đối với các hãng logistics Việt, họ đã tận dụng công nghệ như thế nào để tối ưu hóa bài toán kho vận, hậu cần trong điều kiện hạ tầng đường sá Việt Nam còn nhiều hạn chế?
Các doanh nghiệp logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nếu áp dụng công nghệ (ảnh: taichinhdientu)
Các doanh nghiệp logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nếu áp dụng công nghệ (ảnh: taichinhdientu)

Logistics – khó khăn không chỉ ở hạ tầng giao thông

Theo nghiên cứu của StoxPlus công bố năm 2016 thì chi phí cho logistics Việt Nam năm 2015 chiếm 20,8% GDP (trung bình của thế giới là 10%-11% GDP). Tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới ở Việt Nam hàng năm là 10%, trong khi tốc độ mở rộng đường bộ cho các phương tiện này chỉ là 3%-4%. Tốc độ gia tăng quỹ đất cho giao thông đường bộ là 1%.

Dự báo đến năm 2030 thì phương tiện giao thông cơ giới cá nhân sẽ vượt khả năng đáp ứng của hệ thống đô thị là 10,6 lần. Hiện tại thì hạ tầng giao thông tĩnh (nơi dừng đỗ) chỉ đáp ứng được 1/15 nhu cầu thực tế. Đây là những con số đáng báo động về hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Tổng chi phí kho vận/GDP (nguồn: StoxPlus)
 Tổng chi phí kho vận/GDP (nguồn: StoxPlus)

Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở quy hoạch đô thị đã bất cập từ nhiều năm nay. Tầm nhìn về quy hoạch của chúng ta mới chỉ giới hạn trong 5-10 năm. Trong khi đó dân số lại tăng nhanh, diện tích đất thì hữu hạn, người dân đến làm việc sinh sống tại các thành phố lớn đã khiến cho mật độ dân cư và hạ tầng giao thông dần trở nên quá tải. Đối với logistics, vấn đề quy hoạch các khu công nghiệp, nhà máy, kho bãi, nhà phân phối cấp 1, cấp 2… ở vị trí nào là rất quan trọng.

Chúng ta thấy rất rõ cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tương đối yếu kém. Thực ra, nếu cơ sở hạ tầng này chỉ để phục vụ mức tăng dân số 1% hàng năm của Việt Nam thì hoàn toàn không đáng ngại. Nhưng chúng ta lại là quốc gia đang phát triển, dân số trẻ, giá nhân công rẻ, nên các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đến Việt Nam đặt nhà máy, giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu rất sôi động khiến cho bài toán về logistics càng trở nên hóc búa.

Vận tải là một yếu tố cấu thành nên logistics, nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa thực sự hiểu về logistics nên việc mua xe, quản lý xe và vận chuyển chưa hợp lý.

Logivan là một ứng dụng cung cấp giải pháp chia sẻ xe container và xe tải ở Việt Nam. Cách thức hoạt động của Logivan cũng tương tự như Uber và Grab. Theo chị Phạm Khánh Linh, người sáng lập Logivan, thì ngành vận tải của Việt Nam đang khá phân mảnh. 90% các công ty vận tải có dưới 5 xe, chỉ có vài công ty có hàng trăm xe như Tân Cảng, Bình Vinh, Bình Minh, Mai Linh… Chính vì vậy mà nhìn tổng thể rất khó xác định các xe vận tải đang đi đâu về đâu, hàng hóa luân chuyển như thế nào. 100 khách hàng thì có 100 xe vận tải khác nhau, không ai biết những xe khác đi theo lộ trình nào. Cho nên tỷ lệ xe chiều về rỗng rất cao, khoảng 70%. Đối với những tuyến đường ngắn như Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Bình Dương thì tỷ lệ xe rỗng chiều về lên tới 90%. Chính vì thế chi phí logistics cho xe vận tải, xe container đội lên rất cao. 

Chị Linh cho biết việc quản lý xe tải ở nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất thủ công. Họ vẫn dùng sổ sách hoặc Excel để ghi chép số liệu khiến cho việc điều hành không thực sự hiệu quả.

chị Phạm Khánh Linh, người sáng lập Logivan
 chị Phạm Khánh Linh, người sáng lập Logivan 

Như vậy, có thể thấy 4 hạn chế chính của logistics Việt Nam hiện nay là quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, trình độ quản lý của các đơn vị logistics, nhu cầu kho vận đang tăng cao và sự phân mảnh trong ngành vận tải đường bộ.

Cơ hội lớn cho các startup logistics

Mặc dù còn những hạn chế, nhưng cơ hội cho các startup trong lĩnh vực logistics lại khá rộng mở. Theo báo cáo “The State of Southeast Asian Tech” (Thực trạng công nghệ Đông Nam Á) của Slush Singapore và Monk’s Hill Ventures thì ở Đông Nam Á cho đến nay có 27 tỷ USD đã được đổ vào các startup trong lĩnh vực vận tải và logistics. Con số này cao hơn rất nhiều ngành, kể cả những ngành dễ hút vốn như thương mại điện tử. Nguồn tiền và cơ hội trong khu vực cho logistics rất dồi dào. 

Logistics là một phạm trù khá rộng, trải dài từ kho bãi, vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không cho đến thủ tục hải quan. Các startup Việt Nam hiện nay cũng đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực này. Chẳng hạn như vận tải đường bộ có Logivan, tối ưu hóa vận tải có Abivin, hậu cần có EcoTruck… Các công ty này đều ứng dụng những công nghệ mới nhất để tối ưu hóa công việc kho vận, hậu cần.

Abivin là một ví dụ về việc ứng dụng công nghệ trong logistics. Công ty này được sáng lập bởi cặp vợ chồng Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh. Nhà sáng lập Phạm Nam Long từng đạt nhiều giải quốc gia về toán, tin học và vật lý. Anh có niềm đam mê với khoa học máy tính và từng có 4 tháng làm việc cho Google tại Mỹ. Còn Nguyễn Hoàng Anh tốt nghiệp ngành Kinh doanh tại Phần Lan và chị từng làm việc cho một công ty logistics ở nước ngoài. Đôi vợ chồng đã tận dụng kinh nghiệm của mình để tạo ra phần mềm quản lý vận tải tối ưu, có thể giúp khách hàng tiết kiệm 30% chi phí logistics.

Xuất hiện trong chương trình gọi vốn Shark Tank trên VTV1, khi được các Shark hỏi rằng Abivin có gì vượt trội so với một số đơn vị cũng cung cấp giải pháp tối ưu như Smartlog, Hoàng Anh đã tự tin trả lời rằng thuật toán tối ưu của Abivin trên thế giới ít công ty giải được, và ở Việt Nam thì càng không có đối thủ cạnh tranh, kể cả Smartlog. Kết quả là Abivin đã gọi vốn thành công khi Shark Dzung Nguyễn quyết định đầu tư 200.000 USD.

anh Phạm Nam Long, người sáng lập Abivin
 anh Phạm Nam Long, người sáng lập Abivin

Hiện tại thì sân chơi logistics ở Việt Nam khá hấp dẫn, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng “nhảy” vào “tham chiến”. Doanh nghiệp logistics quen thuộc nhất đối với chúng ta là Grab và Uber. Tuy nhiên, theo chị Phạm Khánh Linh, nhà sáng lập Logivan, thì startup Việt vẫn có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp nước ngoài, đó là sự thấu hiểu thị trường, địa lý, văn hóa. Ngoài ra, cách làm việc của người Việt Nam rất khác so với nước ngoài, có những “luật ngầm” chỉ có doanh nghiệp Việt mới hiểu được. Chẳng hạn doanh nghiệp phải có phần trăm chiết khấu cho khách hàng. Một thuận lợi nữa là Chính phủ cũng ưu tiên cho các startup Việt hơn trong các chính sách về thuế, về kinh doanh.

Công nghệ là chìa khóa cho thành công của doanh nghiệp logistics

Kho vận, hậu cần là một lĩnh vực “người thật, việc thật”, xe thật, hàng hóa thật chứ không phải một thứ thuần công nghệ như website thương mại điện tử. Trong logistics, khâu điều hành hoạt động là rất quan trọng, và công nghệ đã góp phần làm cho khâu điều hành của nhiều doanh nghiệp logistics trở nên trơn tru và hiệu quả hơn.

Đối với vận tải hàng hóa thì doanh nghiệp cần phải tính đến các tham số như kích cỡ hàng, trọng lượng hàng, cách đóng gói, loại xe tải, giờ cấm xe tải. Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá cả của chuyến hàng. Những doanh nghiệp như Logivan cung cấp công nghệ Matching sẽ xác định được vào ngày đó giờ đó có những xe nào đang chạy rỗng để có thể sắp xếp, tìm những xe phù hợp nhất để vận chuyển hàng. Ngoài ra Logivan còn áp dụng công nghệ Tracking để theo dõi tình trạng các xe trên suốt chuyến hành trình, nếu gặp sự cố thì có thể kịp thời xử lý. Theo chị Phạm Khánh Linh, trong thời gian tới đây, Logivan sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ camera và cảm biến quét các thùng xe để xác định xe còn rỗng bao nhiêu phần trăm, từ đó có thể tối ưu hóa việc chuyên chở.

Còn đối với công ty như Abivin thì họ đưa ra phần mềm Abivin vRoute. Ban đầu phần mềm này mục đích hướng tới việc tối ưu hóa quãng đường giao hàng và quản lý giao hàng trong thời gian thực. Abivin vRoute đã ứng dụng những công nghệ tiên phong như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy để giải quyết các bài toán logistics. Sau 3 lần nâng cấp, Abivin vRoute trở thành một hệ thống với phần mềm quản lý kho, phần mềm quản lý vận tải, phần mềm tối ưu hóa quãng đường. Nhờ thuật toán tối ưu mà khách hàng của Abivin tiết kiệm được 6.000 USD mỗi năm cho một đầu xe máy, và 8.000-15.000 USD cho một xe tải. Có một chi nhánh ở Hà Nội trước khi triển khai Abivin thì họ có 12 xe giao hàng, gồm cả xe tải và xe máy. Nhưng sau khi triển khai Abivin vRoute, họ chỉ còn cần 9 xe giao hàng để giao một số lượng hàng hóa như trước đó. Tổng chi phí tiết kiệm được cho chi nhánh đó ước tính là 22.000 USD mỗi năm.

Các khách hàng của Abivin hiện nay có nhiều công ty khá tên tuổi như Procter and Gamble, FrieslandCampina (Cô gái Hà Lan), A.O.Smith, TCT Group (Fivimart)…

Nhờ sự tự tin về công nghệ mà Abivin đã “nhảy sang” cả một số quốc gia Đông Nam Á như Lào, Myanmar, Singapore và sắp tới đây là Thái Lan. Còn Logivan cũng đang hy vọng mở rộng hoạt động ra Đông Nam Á. Như vậy, nhờ có công nghệ, một số startup logistics không những cạnh tranh được trên thị trường nội địa, mà còn có thể tìm chỗ đứng ở thị trường nước ngoài.