Công nghệ blockchain tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia

VietTimes – Viện Quốc tế Pháp ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) đã phối hợp với một số đối tác tổ chức hội thảo “Ứng dụng Blockchain và khoa học dữ liệu trong thời đại chuyển đổi số”. Để tìm hiểu về blockchain cũng như tương lai của công nghệ này ở Việt Nam, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Đỗ Văn Long – Giám đốc Chiến lược của Công ty Infinity Blockchain Labs, một trong những đối tác của IFI với hội thảo này. 
Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược Công ty Infinity Blockchain Labs
Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược Công ty Infinity Blockchain Labs

Trước hết xin ông giới thiệu một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất về công nghệ blockchain?

Có thể nói, nếu chỉ trong một thời gian ngắn mà giải thích về blockchain thì rất khó đưa ra một định nghĩa chính thức. Trên thế giới, hiện cũng đang có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng nôm na như tôi đã chia sẻ tại hội thảo thì có thể xem blockchain như là cuốn sổ cái điện tử triển khai trên hệ thống mạng máy tính, được chia sẻ công khai với các thành viên tham gia. Các giao dịch được mã hóa bằng thuật toán máy tính một khi được ghi nhận trên sổ cái này thì không thể thay đổi được. Với các tính chất cơ bản như trên, blockchain có thể giúp cho các ứng dụng mà từ trước tới nay đang gặp phải vấn đề về truy vết nguồn gốc giao dịch với độ tin cậy cao có thể được giải quyết, ví dụ như chứng minh bản quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm, tài liệu, tài sản kỹ thuật số,… Còn về những cải tiến hơn của blockchain là có những hợp đồng thông minh giúp thực thi các thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch một cách tự động và không thể bị chối bỏ.

Công nghệ blockchain tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Long thuyết trình tại hội thảo “Ứng dụng Blockchain và khoa học dữ liệu trong thời đại chuyển đổi số”

Nói đến blockchain thì chúng ta cũng thường đề cập đến khái niệm tiền ảo. Xin ông cho biết mối quan hệ giữa blockchain và tiền ảo?

Ở Việt Nam, chúng ta đang có rất nhiều thuật ngữ khác nhau về những ứng dụng trên nền tảng blockchain. Có người gọi là token, có người gọi là tiền mã hóa, tiền số, tiền ảo, tài sản số…  Hiện nay, chúng ta chưa có thuật ngữ thống nhất nào cho khái niệm này. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận về mặt công nghệ thì các khái niệm như là “tiền ảo” cũng chỉ là một phương tiện để người ta có thể tính toán được các giá trị giao dịch của các ứng dụng đang được triển khai trên nền tảng của công nghệ blockchain. Nói theo thuật ngữ quốc tế, có thể gọi đó là crypto token như Luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo đã trình bày trong hội thảo hôm nay.

Cuối cùng, xin ông có thể chia sẻ về những hy vọng của mình cho tương lai của công nghệ blockchain tại Việt Nam?

Phải nói, Việt Nam là một quốc gia rất năng động về công nghệ thông tin và cũng rất chủ động tiếp cận với những công nghệ mới, đặc biệt là với những công nghệ phát triển trên nền tảng Internet. Công nghệ blockchain thực ra cũng tạo ra một môi trường, một sân chơi đồng đẳng cho các quốc gia khác nhau. Đây chính là cơ hội hiếm có mà chúng ta cần phải nắm bắt. Ngay cả những quốc gia chưa phát triển, thậm chí các nước ở Châu Phi hay ví dụ như ở Venezuela cũng sử dụng công nghệ blockchain là bước đón đầu công nghệ, hỗ trợ cho việc khôi phục nền tài chính trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Tại Infinity Blockchain Labs, chúng tôi đang triển khai dự án Vietnam Blockchain Country với mong muốn chia sẻ, chuyển tải những kiến thức, trao đổi và thảo luận xung quanh công nghệ này. Qua đó, sẽ tạo ra nhiều chuyên gia Việt trong lĩnh vực blockchain. Đó là những chuyên gia không chỉ về công nghệ, kinh doanh mà cả về pháp lý và quản lý. Từ đó, chúng ta sẽ nhanh chóng đóng góp vào việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp (startup) và tạo điều kiện để những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ blockchain cho kinh doanh của họ.

Sẽ có những ứng dụng mang tính vượt trội, tiết kiệm thời gian và chi phí rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực mà blockchain có thể phát huy mạnh mẽ được. Thậm chí, các sản phẩm này còn có thể được triển khai ở tầm châu lục, cũng như nguồn chuyên gia Việt có thể sẵn sàng đón nhận và triển khai các giải pháp ứng dụng blockchain của quốc tế hội nhập vào Việt Nam khi công nghệ đạt được độ chuẩn hóa cao và các giải pháp ứng dụng thực tế được hoàn thiện trong khoảng 2-3 năm nữa.

Xin cám ơn ông!