Công nghệ AR đã giúp cho các bản tin thời tiết trở nên sống động và kinh hãi như thế nào?

VietTimes – Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cho phép các phóng viên thời tiết sử dụng các phương pháp sống động và thậm chí là kinh hãi để thông báo các nguy cơ thiên tai tiềm ẩn.
Sử dụng công nghệ AR góp phần làm cho các bản tin thời tiết trở nên sinh động hơn (ảnh cắt từ clip)
Sử dụng công nghệ AR góp phần làm cho các bản tin thời tiết trở nên sinh động hơn (ảnh cắt từ clip)

Trong thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến các đợt thiên tai hỗn hợp với mức độ tàn phá khủng khiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nhiệt độ trái đất tăng lên là nguyên nhân đằng sau những đợt thiên tai này.

Công việc của các nhà khí tượng học giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài việc cung cấp thông tin về diễn biến của một cơn bão, hoặc cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho tuyến đường đi làm mỗi sáng của chúng ta, họ còn là người giúp chúng ta nhận thức được các nguy cơ khi trái đất nóng lên.

Các nhà khí tượng học và các đài truyền hình ngày nay đã được hưởng lợi nhiều từ công nghệ kỹ xảo hình ảnh, điều mà những người dự báo thời tiết 15 năm trước có nằm mơ cũng không nghĩ tới. Các bản tin thời tiết của Đài truyền hình đã áp dụng công nghệ Thực tế tăng cường (AR) để mô phỏng các mối nguy hiểm tiềm ẩn từ các trận cháy rừng, bão lụt, hạn hán.

AR đã được áp dụng sinh động như thế nào?

Khi nhắc đến sự an toàn cho những người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thiên tai, người phóng viên thời tiết có 2 nhiệm vụ quan trọng: thông báo và thúc giục hành động. Người xem bản tin sẽ chỉ hành động theo sự thúc giục của phóng viên nếu họ nhìn thấy trước được điều gì sẽ xảy ra.

Đặc điểm tâm lý của con người là hoài nghi với một thông tin được đưa ra, nhưng nếu họ được nhìn tận mắt thì mọi hoài nghi sẽ được xóa bỏ. Chính vì vậy mà nhiều bản tin thời tiết đã phải áp dụng công nghệ AR để nâng cao nhận thức của người xem về sự nguy hiểm của thiên tai.

Gần đây, kênh Weather Channel (Mỹ) đã đưa ra một bản tin cảnh báo cháy rừng cực kỳ ấn tượng. Nhà khí tượng học Stephanie Abrams đã dẫn chương trình đặc biệt này. Đây là một trong các chương trình sử dụng công nghệ AR thành công nhất.

Bản tin bắt đầu với khung cảnh cô Stephanie Abrams đứng giữa một khu rừng với cây cỏ muông thú, giống như một bình cảnh thủy sinh (terrarium). Cô Stephanie nói về mối đe dọa ngày càng tăng của cháy rừng, của sự biến đổi khí hậu mà nguyên nhân là do các hoạt động khai thác tài nguyên của con người.

“Cháy rừng đã trở thành mối đe dọa trong suốt cả năm. Diện tích rừng bị đốt cháy đã gấp đôi so với năm 1970”, nhà khí tượng học Stephanie nói.

“Khi đám cháy này bùng lên gần các khu vực đông dân cư, chúng thường dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn”. Ngay khi cô Stephanie nói đến đây, cánh rừng xung quanh cô bốc cháy rừng rực. Bản tin chiếu tiếp cảnh ngọn lửa liếm dần cây cối từ sườn núi bên này sang sườn núi bên kia. Chỉ mất vài giây đám cháy có thể nuốt trọn cả một vùng rừng có diện tích bằng một sân bóng. Những thị trấn dưới chân núi cũng nhuộm màu đỏ rực. Nhà khí tượng học nói rằng nếu người dân không nhanh chân di tản, họ có thể mất mạng bởi nhiệt độ ở khu vực đó là 1500 độ.

Còn đây là một bản tin khác nói về nguy cơ ngập lụt khi một cơn bão quét qua. Người ta đã dùng kỹ xảo hình ảnh từ công nghệ AR để mô tả mức nước dâng lên đe dọa sinh mạng con người và phá hủy tài sản nhà cửa.

Bản tin thời tiết của kênh Weather Channel

Phải nói là những khung cảnh áp dụng công nghệ AR quá ấn tượng, đến nỗi chúng tôi ngồi xem cũng cảm nhận được sức nóng của vụ cháy rừng hay mối de dọa của ngập lụt. Hy vọng trong thời gian tới đây, các bản tin Dự báo thời tiết của Việt Nam cũng sẽ được áp dụng công nghệ AR như thế này để người dân chăm theo dõi thời tiết hơn.