Công bố thông tin: dày đặc vi phạm

Trở thành công ty đại chúng nghĩa là doanh nghiệp có hàng loạt nghĩa vụ về công bố thông tin, nhưng đây cũng là “khu vực” mà doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất. Xử phạt hành chính do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin chiếm tỷ trọng lớn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, 1/1/2007, đến nay, đã có 4 thông tư ra đời nhằm quy định và hướng dẫn công bố thông tin cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán. Qua các thông tư: Thông tư 38/2007/TT-BTC, Thông tư 09/2010/TT-BTC, Thông tư 52/2012/T-BTC và hiện nay là Thông tư 155/2015/TT-BTC, yêu cầu về công bố thông tin được nâng cao và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với nhiều hình thức công bố thông tin.

Dù vậy, vi phạm về công bố thông tin vẫn rất phổ biến. Gần đây nhất, ngày 29/3/2016, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xử phạt Tổng CTCP May 10 số tiền 60 triệu đồng do chậm công bố Báo cáo thường niên năm 2013; báo cáo tài chính các năm 2013, 2014 đã được kiểm toán của công ty mẹ; tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2014, 2015; Nghị quyết và biên bản ĐHCĐ thường niên năm 2015. Cũng trong tháng 3/2016, UBCK còn ban hành 2 quyết định xử phạt khác đối với CTCP Hồng Hà Việt Nam và CTCP Sông Đà Thăng Long. Nguyên nhân đều là do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Nhưng nếu chỉ nhìn trên thông báo xử phạt của UBCK thì khó hình dung mức độ nghiêm trọng trong các vi phạm  của công ty đại chúng từ việc không đăng ký công ty đại chúng, không công bố thông tin, không lập website hoặc có đăng ký công ty đại chúng, nhưng không công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ thông tin, có lập website, nhưng không có mục dành cho cổ đông hoặc có mục dành cho cổ đông, nhưng không cập nhật thông tin.

Từng có giai đoạn CTCP Cơ khí ô tô Hòa Bình liên tục thua lỗ, không trả cổ tức. Mỗi kỳ đại hội, Công ty chỉ cung cấp cho cổ đông vỏn vẹn báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ghi nhận doanh thu, lỗ lãi. Các báo cáo HĐQT, Ban Kiểm soát cổ đông phải nghe đọc và cố ghi chép nếu có nội dung chưa rõ ràng muốn đưa ra ý kiến thảo luận. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp quy định rõ, khi mời họp ĐHCĐ, doanh nghiệp phải gửi kèm các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và nội dung làm việc, gồm kế hoạch kinh doanh hàng năm, báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo HĐQT, báo cáo Ban Kiểm soát… Tại ĐHCĐ, khi cổ đông yêu cầu công ty cung cấp thì chỉ nhận được trả lời cứ liên hệ sau để được cung cấp, trên website của công ty cũng không công bố thông tin đúng quy định.

Một trường hợp khác, CTCP Du lịch Đà Lạt có kiểu công bố thông tin khá đặc biệt: chỉ cho cổ đông xem. Công ty dành hẳn một trang riêng trên website doanh nghiệp cho cổ đông, nhưng cổ đông phải có tài khoản đăng nhập mới có thể vào xem và tải các tài liệu. Nếu không phải là cổ đông thì sẽ không thể tiếp cận được các thông tin tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty. Thiếu thông tin, nhà đầu tư muốn đầu tư vào đây cũng khó.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, Công ty cho biết, trước đây, việc công bố thông tin được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng từ tháng 11/2015, Công ty không còn là công ty đại chúng do có việc mua gom, lượng cổ đông giảm xuống dưới 100, nên chỉ thực hiện công bố thông tin trên website. Tuy nhiên, thông tin công bố trên website của CTCP Du lịch Đà Lạt rất sơ sài, hoàn toàn không có thông tin trong giai đoạn công ty còn đại chúng, chỉ có Nghị quyết, biên bản ĐHCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 2/2016 và tài liệu, Nghị quyết, biên bản ĐHCĐ thường niên 2016.

Dù vi phạm về công bố thông tin còn nhiều nhưng ở một số doanh nghiệp, tình trạng này ít nhiều được cải thiện. Đơn cử như tại CTCP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, thời gian trước đây, Công ty này thường bị cổ đông phàn nàn bởi Công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ năm 2007 nhưng không công bố thông tin, không có website trong khi luật quy định, trong vòng 6 tháng kể từ khi trở thành công ty đại chúng. Gần đây, Công ty đã xây dựng website và công bố thông tin tương đối đầy đủ, nhưng các cổ đông đã chịu thiệt thòi vì tình trạng mù mờ thông tin của Công ty thì vẫn còn ấm ức. 

Theo ĐTCK