Công an chỉ cách để bạn không bị lừa đảo qua mạng

Dù không tham gia bất kỳ chương trình giải thưởng nào nhưng vì tò mò và phần thưởng hấp dẫn nên nhiều người vẫn thử xem sao. Chiêu trò cũ của các đối tượng lừa đảo vẫn là nhắn tin đến nạn nhân, đưa ra những giải thưởng thời thượng như xe SH, điện thoại iPhone, phiếu mua hàng… và chỉ cần click để nhận giải.
Ảnh biếm họa.
Ảnh biếm họa.

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng bị một số tài khoản Facebook nhắn tin, thông báo trúng thưởng để lừa chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Bỗng dưng trúng lớn

Anh Lê Đình Tuyên (Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh đến báo câu chuyện của mình với mong muốn đừng ai bị dính quả lừa giống như anh. Anh kể: Chiều 3-7, anh đang lướt mạng thì nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook với nội dung: “Chúc mừng bạn may mắn đã nhận được giải thưởng, mời bạn truy cập vào www/tanggiaivn.com làm theo hướng dẫn để nhận giải”.

Vì tò mò và… thích quà, anh Tuyên đã thử vào trang web trên, điền đầy đủ thông tin cá nhân theo mẫu rồi gửi đi. Được một lúc, có tin nhắn hồi đáp “bạn đã trúng thưởng một xe máy SH trị giá 81 triệu đồng và một phiếu mua hàng trị giá 200 triệu đồng từ sự kiện tri ân khách hàng Facebook quý I-2017”.

Ngay sau đó, một người tự xưng tên Lê Tiến Đức gọi cho anh từ số máy 0898067xxx hướng dẫn anh kích hoạt hệ thống nhận thưởng bằng cách nạp 3 triệu đồng thẻ cào điện thoại. Anh Tuyên làm theo. Hai tiếng sau, Đức gọi lại nói anh chuyển khoản 20 triệu đồng đóng thuế VAT. Anh Tuyên ra ngân hàng gửi tiền cho tài khoản do Đức cung cấp số 07007600xxxx, Ngân hàng Sacombank ở Vĩnh Long, chủ tài khoản tên Ngân.

Một ngày sau, Đức tiếp tục yêu cầu anh đóng thêm 20 triệu đồng để công ty chuyển phí gửi xe về Hà Nội. Lúc này, anh Tuyên hết tiền nên năn nỉ cho gửi 10 triệu đồng và được chấp nhận. Sau khi đáp ứng mọi yêu cầu, đợi mãi không thấy ai liên hệ nhận xe, tìm lại thông tin của công ty anh mới biết mình đã bị lừa.

Tương tự, chị NTKH (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết chị nhận được tin nhắn trúng thưởng xe SHi 150 cùng 100 triệu đồng và phải vào trang “trangchutrianvangfb.com” để điền hồ sơ. Sau khi chuyển đi hơn 20 triệu đồng chị mới nhận ra điều bất thường.

Trò lừa cũ nhưng vẫn rất hữu dụng

Anh Tuyên bức xúc: “Tôi đã đến công an nơi tạm trú trình báo nhưng ở đây hướng dẫn tôi về nơi thường trú. Về đó lại chỉ đến công an nơi tôi đã chuyển tiền. Hiện tôi chẳng biết đi đến đâu để trình báo nữa”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng Đội Tổng hợp - Công an quận 3, cho biết khi có sự cố, người dân có quyền đến cơ quan công an gần nhất trình báo. Ông khẳng định: “Trách nhiệm của công an là phải tiếp nhận trình báo, còn xét thấy vụ việc vượt ngoài thẩm quyền thì đơn vị chuyển hồ sơ đến đơn vị có trách nhiệm, để người dân chạy lòng vòng như vậy là sai.”

Trung tá Lê Minh Lê đưa ra lời khuyên: Với những trường hợp trên, người dân nên thu thập chứng cứ bằng cách giữ lại mọi giấy tờ liên quan như thư mời, các tin nhắn; đặc biệt là hóa đơn chuyển tiền, trên đó ghi rõ lý do chuyển, số tiền, mục đích chuyển… để nộp cho cơ quan điều tra.

Thủ đoạn lừa đảo này không mới, thậm chí đã được cảnh báo rất nhiều lần trên báo đài nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mất hàng chục triệu đồng. “Để tránh rơi vào bẫy, người dân nên tìm hiểu kỹ về công ty trao thưởng, địa chỉ, quá trình hoạt động; đến tận nơi hoặc nhờ người quen ở gần đó đến kiểm tra chương trình trúng thưởng. Ngoài ra có thể tìm trên Google tên công ty, số điện thoại đã gọi cho mình vì nhiều trường hợp lừa đảo đã được cảnh báo trên mạng. Quan trọng là phải cảnh giác với những món quà từ trên trời rơi xuống, ở đời chuyện đó vô cùng hiếm” - Trung tá Lê nhấn mạnh.

Việc cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân, đặc biệt là số chứng minh nhân dân, căn cước trên mạng xã hội, các trang web… sẽ để lại hệ lụy khôn lường. “Chỉ những giao dịch quan trọng như thủ tục ngân hàng, làm việc với cơ quan công quyền mới phải dùng các giấy tờ này, còn trên mạng khi điền thông tin cá nhân phải cân nhắc. Kẻ xấu có thể lợi dụng những thông tin đó để thực hiện nhiều việc phi pháp” - Trung tá Lê khuyến cáo.

Năm dấu hiệu của trò lừa

- Người trúng giải không tham gia chương trình giải thưởng nào.

- Địa chỉ công ty phát giải ở địa phương khác.

- Mọi giao dịch đều tiến hành qua mạng, điện thoại.

- Phải cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân.

- Phải chuyển tiền trước khi nhận giải.

Theo PLO
http://plo.vn/ban-doc/cong-an-chi-cach-de-ban-khong-bi-lua-dao-qua-mang-715517.html