“Cơn sợ” ở Mỹ đang đẩy Nga tới chiến tranh

VietTimes -- Những lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong tuần qua đã tổn thất cho nền kinh tế Nga. Có vẻ như cơn "sợ Nga" đã khiến Mỹ đưa sự nguy hiểm lên một nấc thang mới và có thể sẽ tấn công toàn diện vào các lợi ích sống còn của Nga bằng một cuộc chiến kinh tế. Hậu quả của việc này có thể kéo thế giới tới miệng hố chiến tranh, Văn hóa chiến lược nhận định.

Vòng trừng phạt mới Mỹ đưa ra với Nga chỉ có một ý nghĩa: Các nhà cai trị Mỹ muốn đè bẹp nền kinh tế Nga. Với bất cứ ý định gì, Washington thực tế đang tuyên chiến với Nga. Việc thực thi các biện pháp về kinh tế đôi khi có vẻ trừu tượng và không hiệu quả: cấm xuất khẩu các mặt hàng điện tử sang Nga, đe dọa thị trường tài chính, làm giảm giá chứng khoán. Nhưng hậu quả hữu hình mà các quan chức Mỹ định gây ra là giáng một đòn thiệt hại vật chất vào xã hội và con người Nga.

Cuộc chiến về kinh tế có thể biến thành cuộc chiến quân sự như đánh giá của nhà lý thuyết quân sự người Phổ tướng Karl von Clausewitz. Nhưng điều nghiêm trọng hơn trong tuần vừa qua là các hãng dịch vụ internet của Mỹ đã chặn những trang web chống chiến tranh, cho thấy có những quyền lực muốn loại bỏ tất cả những chỉ trích hay nhận thức của công chúng về sự hiếu chiến bất cẩn của họ.

Thủ tướng Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa bằng "chính trị, kinh tế hay với một con đường khác".
 Thủ tướng Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa bằng "chính trị, kinh tế hay với một con đường khác".

Những vòng trừng phạt với Nga được bắt đầu từ cuộc xung đột có tính toán tại Ukraine năm 2014 và vòng trừng phạt mới nhất cũng không dựa trên điều gì xác thực mà là những suy luận mang tính ước đoán, thiếu suy nghĩ. Washington nói rằng những lệnh trừng phạt mới được đưa ra dựa trên việc "xác định" chính quyền Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ cáo buộc đã tấn công hóa học vào cựu điệp viên 2 mang tại Anh vào hồi đầu năm nay.

Vụ Skripal dính líu tới điệp viên Sergei Skripal và con gái là Yulia bị các điệp viên Nga đầu độc bằng chất độc thần kinh vẫn chưa được chứng minh. Nhiều người còn nói cáo buộc này là "trò hề". Không có chứng cứ nào được chính phủ Anh đưa ra để chứng minh cáo buộc giật gân chống lại Moscow của họ. Việc Anh tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc cha con Skripal hoàn toàn dựa trên những khẳng định mơ hồ và những lời ám chỉ.

Và hiện tại Washington đưa ra các lệnh trừng phạt hoàn toàn dựa vào "điều xác định" không được kiểm chứng bởi Anh - và những lệnh trừng phạt này có mục đích để hủy hoại nền kinh tế Nga. Những trừng phạt đưa ra đã vượt khỏi việc đóng băng tài sản của các cá nhân. Điều Washington đang làm là tấn công vào các hoạt động tài chính cốt lõi của nền kinh tế Nga.

Tuần trước, Mỹ đã áp dụng thêm lệnh trừng phạt với Nga.
 Tuần trước, Mỹ đã áp dụng thêm lệnh trừng phạt với Nga.

Không ngạc nhiên khi thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đưa ra một sự đáp trả nghiêm khắc với những lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Ông nói chúng có thể coi là "một cuộc chiến kinh tế". Thủ tướng Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa bằng "chính trị, kinh tế hay với một con đường khác". Giọng điệu của ông Medvedev là một lời cảnh báo không thể lầm lẫn với những hành động hà khắc, vô cớ và phi lý của Mỹ.

Phát ngôn viên của Kremlin ông Dmitry Peskov đã bày tỏ sự hoài nghi và lo ngại về những gì Washington đang thực thi. Ông nói qua cuộc họp thượng đỉnh mang tính xây dựng giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki tháng trước, hành động khiêu khích của Washington khiến cho phía Mỹ hoàn toàn không thể dự đoán trước.

Những lệnh trừng phạt trực tiếp được thực thi đang hạn chế ở việc cấm xuất khẩu hàng điện tử Mỹ sang Nga. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo sẽ rất phức tạp. Washington đang nói rằng nếu Nga không "đảm bảo" việc ngừng sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và nếu Moscow không đồng ý cho những thanh sát viên quốc tế vào đất nước của mình để kiểm tra cáo buộc về vũ khí hóa học thì đợt trừng phạt tiếp theo sẽ được áp dụng trong vòng 90 ngày.

Vòng trừng phạt sau sẽ bao gồm cả việc cấm hãng hàng không do nước Nga sở hữu Aeroflot tổ chức hoạt động bay tới Mỹ. Việc Nga không thể đáp ứng những đòi hỏi phi lý của Washington khiến việc áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ là không thể tránh khỏi.

Một luật riêng đã được quốc hội Mỹ thông qua với ý định "đánh" hệ thống ngân hàng Nga, nhắm tới việc chặn những giao dịch quốc tế. Những nghị sĩ ủng hộ đạo luật này gọi nó là "luật trừng phạt từ địa ngục". Tên của đạo luật này gọi là "Luật phòng vệ xã hội Mỹ khỏi các hành động gây hấn của Nga". Những thượng nghị sĩ như John McCain, Lindsey Graham, Robert Menendez và Ben Cardin cùng những người ám ảnh với nỗi "sợ Nga" đang thúc đẩy đạo luật và rất rõ ràng và dứt khoát về mục tiêu của đạo luật này. Họ nói việc thực thi đạo luật sẽ "đè nát Kremlin".

Mối quan hệ thân thiện mà hai vị tổng thống Mỹ và Nga thể hiện trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 16.7 tại Helsinki.
 Mối quan hệ thân thiện mà hai vị tổng thống Mỹ và Nga thể hiện trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 16.7 tại Helsinki.

Bi kịch là những người Mỹ đang bị dẫn tới vực thẳm bởi những nhà chính trị hoặc thiếu hiểu biết, hoặc hiếu chiến hay bán rẻ bản thân vì lợi nhuận từ chiến tranh. Một cách ngang ngạnh, những nhà chính trị này cùng khách hàng truyền thông của họ đã cáo buộc Nga có "hành vi chiến tranh" qua tuyên bố không tưởng về "sự can thiệp bầu cử" trong khi thực tế họ chính là những người đang thực thi những hành vi gây chiến với Nga.

Có những cơ hội rất nhỏ về việc ông Trump sẽ dùng quyền hành pháp của mình để phong tỏa những lệnh trừng phạt sắp tới. Môi trường chính trị tại Mỹ với những trung tâm tình báo, các nhà lập pháp và các kênh truyền thông chính đã trở nên thấm đẫm màu sắc của cơn kích động chống Nga.

Việc Mỹ tuyên bố sẽ có những biện pháp tấn công kinh tế mạnh hơn với Nga đã khiến nền kinh tế Nga tuột dốc. Đồng rúp, trái phiếu và chứng khoán cũng đi xuống. Đây là một cuộc tấn công vào lợi ích sống còn của Nga. Một chiến dịch Barbarossa về kinh tế.

Rõ ràng Mỹ đang tính đoán để gây nên sự bất mãn của xã hội và tạo ra bất hòa với chính phủ của ông Putin. Mỹ cũng đang sử dụng cùng một cách thức với Iran, kinh tế Iran cũng bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ. Nếu những lệnh trừng phạt vừa qua đã khiến nền kinh tế Nga rối loạn thì ai cũng có thể tưởng tượng những cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ vào nền tảng hệ thống ngân hàng của Nga và tự do thương mại với phần còn lại của thế giới sẽ gây ra những ảnh hưởng đến thế nào.

Washington có vẻ như đang có một mùa mở cho các lệnh trừng phạt. Không chỉ Nga, Iran mà các nước như Trung Quốc, Canada, liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Triều Tiên cũng đang phải chịu đựng cuộc chiến kinh tế của M...

Về phần Nga, nước này đã cho thấy sự chịu đựng lớn lao với các hành động khiêu khích của Washington trong rất nhiều sự kiện. Từ cuộc xung đột tại Ukraine, việc sáp nhập Crimea cho tới sự kiện Nga ủng hộ Syria được vu khống là "ủng hộ một nhà độc tài", tới cáo buộc "can thiệp vào bầu cử Mỹ", Nga đã cho thấy sự khắc kỷ, tính kiềm chế để dung thứ cho những gì chỉ có thể hiểu là hành động gây hấn vô cớ của Mỹ.

Trong mọi thời điểm, Nga đã duy trì phẩm cách và sự điềm tĩnh trước sự cay độc và vô lý của Mỹ. Moscow có thể nghĩ rằng tổng thống Trump có thể đem lại sự bình thường hóa cho mối quan hệ song phương. Nhưng điều này đã trở nên hão huyền. Bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra? Khi Washington đã đi quá xa. Mỹ đang đưa sự nguy hiểm lên một nấc thang mới bằng cách chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện bằng kinh tế vào những lợi ích sống còn của Nga.

Theo Văn hóa Chiến lược, những nhà cai trị thiếu hiểu biết của Mỹ không hứng thú với ngoại giao, đối thoại hay đàm phán và đang đẩy thế giới tới miệng hố chiến tranh.