Còn những “Modern Tech” nào chực “vặt” tiền người Việt ?

VietTimes – Về hình thức, doanh nghiệp này làm thương mại thuần túy, nhưng những cổ đông trong đó lại là “người cũ” của một đường dây đa cấp, và giờ họ đang có một loại “tiền ảo” mới.
Một trang web quảng bá tiền ảo
Một trang web quảng bá tiền ảo

Trong khu sàn của Công ty CP phát triển VNTC không có nhiều điều thể hiện đây là một doanh nghiệp kinh doanh coin. Chiếc áo nhân viên treo trên mắc có biểu trưng World Gold Investment.

Tình cờ, biểu trưng ấy lại rất giống với tên gọi một loại tiền ảo World Gold đang phát triển và bán, tại Việt Nam. Trên mạng, World Gold được chào “bán” tại địa chỉ facebook Worldgold Việt Nam, với những lời có cánh. Đồng “tiền ảo” này còn xuất hiện tại một loạt địa chỉ khác, với lõi là trang worldgoldcoin.org…

Như thường lệ, máy chủ của nhóm kinh doanh đồng tiền ảo này không đặt tại Việt Nam, nhưng nó đã được giao dịch trong nhóm nhỏ những cổ đông và những đang đổ tiền vào đồng tiền ảo này.

Cái như thường lệ nữa là bao quanh những cổ đông của công ty này là hệ thống vài công ty khác đóng vai trò vệ tinh thu hút vốn và xử lý dòng tiền trong nhóm.

“Lược sử” của đồng World Gold có liên hệ với nhóm phát triển đồng Ifan đình đám vừa khiến các nạn nhân của nó mất tới 15.000 tỷ đồng.

Khởi phát từ nhóm các đầu lĩnh của công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, trong quá trình phát triển và lôi kéo người tham gia “chơi” đồng Ifan, những mâu thuẫn hình thành khiến nhóm này chia làm nhiều mảnh.

Một phần những cá nhân trong đó tiếp tục phát triển đồng Ifan và lôi kéo các nạn nhân tham gia vào chuỗi của mình.

Nhóm nữa tách riêng phát triển đồng tiền ảo riêng, với một trong đó là đồng World Gold. Hiện chưa rõ số người đã tham gia “chơi” đồng World Gold, nhưng ngay trong nội bộ nhóm này, số “cam kết” chi trả cho nhau bằng coin đã là hàng chục tỷ đồng…

Đó cũng có thể coi là sự may mắn cho những nạn nhân tiềm năng của đồng World Gold. Khi nhóm phát triển đồng tiền ảo này đã “việt vị” tới 2 lần trước nhóm phát triển đồng Ifan. Lần đầu vào tháng 11/2017, khi đồng Ifan “ra mắt” tại Hà Nội, và lần sau vào tháng 4/2018, khi những nạn nhân của đồng Ifan biểu tình cho rằng họ bị lừa.

“Trên đời chỉ có một thứ không mua được bằng World Gold Coin, đó là sự nghèo khó” – trang facebook của World Gold Coin Việt Nam quảng bá. Còn với Ifan, nhóm phát triển đồng tiền ảo này đã tổ chức những “hội thảo” câu tiền, với khẩu hiệu “đánh thức sự giàu có”.

Dạo một vòng trên mạng, không quá khó để bắt gặp những lời quảng cáo mời gọi có cánh tham gia chơi tiền ảo. T - một “dân chơi” tiền ảo kỳ cựu với “thâm niên” hơn 4 năm nói, dân chuyên nghiệp vẫn chơi tiền ảo đều đều, nhưng phân biệt rất rõ đâu là đồng “cọp”, đâu là đồng… xịn.

Nhưng tiêu thức định tính để phân biệt hai loại tiền ảo của T đưa ra lại khá mù mờ. Tiền ảo “xịn” luôn có chỗ tựa “vững chắc” – tại các sàn giao dịch lớn trên thế giới – T nói.

Tiền ảo “xịn” biên độ lãi không lớn, tính bình quân chỉ hơn chơi chứng khoán, nhưng đơn giản hơn chứ không phức tạp như chứng khoán. Được cái là tiền rót về tài khoản đều đều và nếu khéo tính thì mỗi tháng lãi sau khi quy đổi tương đương 18% vốn là có thể đạt được.

Loại khác lãi hơn, nhưng tất nhiên rủi ro hơn, là các loại tiền ảo do các nhóm thiết kế khu vực châu Á, hoặc Việt Nam thiết kế, khai thác. T nói, hiện có khoảng trên 10 loại tiền ảo do người Việt khai thác, kinh doanh, phần lớn đều quảng bá là của các doanh nghiệp nước ngoài từ Hàn Quốc, Singapore, HongKong… World GoldCoin cũng là một loại tiền ảo được quảng bá có liên quan tới doanh nghiệp Hàn Quốc. “Nói chung cứ đồng nào của người Việt, Trung Quốc, hay châu Á phần lớn đều rất rủi ro, phần lớn là tiền…cọp” – T bày kinh nghiệm theo cách ấy.

Theo “kinh nghiệm” của T, với những loại này, nếu tham lãi thì chỉ nên đầu tư trước bằng nhiều tài khoản, khi đồng tiền đó chỉ đang quảng bá. Sau đó căn thời gian bán dần, hoặc bán hết khi có cơ hội, và không tái đầu tư, thì “may ra còn được, chứ găm hàng theo cam kết nhà phát triển chờ giá lên hay hưởng lãi, thì chỉ có mất tiền cầm chắc” – T.. giải thích về cách vài chục nghìn nạn nhân đã mất tiền vào đồng Ifan một cách đơn giản như thế.

Một cách đầy tự tin, T... cho biết đang bỏ vốn vào một doanh nghiệp sắp ra mắt một loại tiền ảo mới. “Góp 2 trăm triệu, được chia số coin trị giá 2 tỷ, cớ gì không găm trước mà bán cho bọn đến sau” – T tự tin nói.

Và trong khi các nhà quản lý còn mải tìm căn cứ pháp lý xem có thể, hay không thể khởi tố được vụ lừa đảo tiền ảo Ifan hay không, thì như lời dân chơi tiền ảo kỳ cựu tên T nói, có khoảng trên 10 loại tiền ảo do người Việt khai thác, kinh doanh đang “tiếp bước” Ifan mời gọi người Việt lao vào cuộc chơi đa cấp mang tên tiền ảo.