“Cơn hoảng loạn” VN-Index: Nguồn cơn nào?

VietTimes – Thị trường đã có 2 phiên giảm sâu, Vn-Index mất hơn 12%, vốn hóa thị trường bay mất khoảng 20 tỷ đô la Mỹ. “Cơn hoảng loạn” trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày thêm trầm trọng. Đâu là lý do và nên nhận thức thế nào về tình trạng này. Hãy xem quan điểm của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng…
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: "“Là một người trong cuộc, quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại" (Ảnh: SSI)
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: "“Là một người trong cuộc, quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại" (Ảnh: SSI)

Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng vừa đưa ra những kiến giải cho “cơn hoảng loạn” trên sàn chứng khoán.

Theo vị doanh nhân, lý do giảm điểm của VN-Index, ngoài ảnh hưởng của thị trường thế giới, còn một lý do quan trọng của chính thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thời.

“Việc thị trường Việt Nam thời gian qua tăng điểm mạnh, giá các cổ phiếu “Big Cap” lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh PE tăng cao, hàng loạt các công ty lớn nhà nước thoái vốn, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền và sắp nghỉ tết mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí margin... cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường”, ông Hưng nhận định.

Chủ tịch SSI nêu quan điểm, từ tư cách của một người trong cuộc: “Là một người trong cuộc, quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại và trong một chừng mực nào đó đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường, qua đấy thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.

Để lý giải cho quan điểm của mình, ông Nguyễn Duy Hưng đã dẫn lại nhận định của một định chế tài chính hàng đầu thế giới về Việt Nam: Tuần trước Ngân hàng UBS - ngân hàng nhiều năm được nhận giải Ngân hàng có đội ngũ nghiên cứu phân tích uy tín đứng đầu thế giới - đã ra báo cáo “Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua” dự báo Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo, và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững chứ không quá nóng. Lý do họ đưa ra nhận định trên là Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, đây là yếu tố khác biệt so với những thời kỳ tăng trưởng mạnh trong quá khứ luôn đi kèm với lạm phát ở mức rất cao.

“Tóm lại, thị trường tăng nhanh khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng sẽ xảy ra điều chỉnh sốc là điều không tránh khỏi, tuy nhiên giá giảm là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cho mình những cổ phiếu có nền tảng tốt, tránh đầu tư theo phong trào. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh và bền vững thì chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại vào thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 là năm phát triển tốt!”, Chủ tịch SSI khẳng định.

Tạm đóng phiên sáng 6/2, VN-Index kết phiên ở mức 56,33 điểm (-5,10%) xuống 1.048,71 điểm, đây là mức giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 (-5,28%). Toàn sàn có 43 mã tăng, 198 mã giảm (71 mã giảm sàn) và 36 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 5,03 điểm (-4,06%) xuống 118,94 điểm. Toàn sàn có 42 mã tăng, 145 mã giảm (39 mã giảm sàn) và 154 mã đứng giá.

Trong nhóm VN-30 phiên hôm nay chỉ có NVL, CTD và ROS duy trì được sắc xanh.

Có thể nói, đã rất lâu rồi nhà đầu tư mới chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh như vậy của thị trường và việc các cổ phiếu lớn đều nằm sàn hàng loạt lại càng hiếm hơn.

Theo thống kê, tổng cộng trên cả hai sàn HOSE và HNX có đến 110 mã giảm sàn. Chưa kể các cổ phiếu trụ khác cũng giảm rất sâu./.