Cơn địa chấn toàn cầu đang chờ đợi phía trước?

VietTimes -- Cả 3 bước đi chưa từng có trong lịch sử mà Fed vừa công bố đều là những liều thuốc cực mạnh, song vẫn chưa thể "chữa" tận gốc căn bệnh trong nền kinh tế Mỹ và thế giới. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong tuyên bố tối qua (hôm 15/3, theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện những bước đi chưa từng có trong lịch sử, nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên thế giới.

Cụ thể, Fed đã tiến hành: (1) Cắt giảm lãi suất 100 điểm, đưa về gần 0%; (2) Tiến hành gói QE nới lỏng định lượng 700 tỷ để mua lại các trái phiếu và (3) Đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 10% và 3% đối với các nhóm ngân hàng khác nhau về mức 0%.

Cả 3 động thái trên của Fed đều là những "liều thuốc" cực mạnh đối với thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ và kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế.

Trong đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Fed đã tiến hành 2 lần cắt giảm lãi suất, lần lượt là 50 điểm và 100 điểm. Mức cắt giảm lãi suất 100 điểm lần này là mức cắt giảm lớn nhất kể từ 2008 mà Fed tiến hành.

Tuy nhiên thị trường lại đang phản ứng hoàn toàn ngược lại với những gì Fed kỳ vọng. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P500 mở cửa giảm 4.78%, kích hoạt chế độ dừng giao dịch. Toàn bộ các thị trường châu Á, châu Âu đồng loạt giảm cực mạnh từ 3-9%.

Tại sao thị trường lại phản ứng dữ dội như vậy khi mà cả 3 động thái kể trên của Fed đều là những "liều thuốc" cực mạnh?

Vì sao “toa thuốc” của Fed kém hiệu quả?

Việc Fed tăng nguồn cung tiền cả ngắn hạn và dài hạn cho thị trường lúc này, không giúp nhà đầu tư có thể bình tĩnh lại được, vì tất cả đều đang bị khủng hoảng niềm tin chứ không phải vì thị trường cần thêm tiền.

Bơm tiền trong tình huống bình thường sẽ giúp thị trường hồi phục, nhưng khi niềm tin đang bị đổ vỡ thì không gì có thể cứu vãn nổi, việc bơm tiền càng làm mọi người thêm hoảng loạn và bán tháo xảy ra càng mạnh mẽ hơn. Niềm tin đang bị mất đi trong giới đầu tư ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư vào chu kỳ tăng trưởng (uptrend) 12 năm của thị trường Mỹ. Giá trị của các công ty trên thị trường chứng khoán Mỹ đã được đẩy lên rất cao, có những công ty tăng giá từ 25 đến 30 lần so với 12 năm trước.

Thứ hai, khủng hoảng niềm tin vào thị trường ETF. Ở thời điểm 12 năm trước, thị trường ETF tại Mỹ hết sức nhỏ bé khi so sánh với thị trường cổ phiếu (equity).

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư đổ xô theo xu hướng đầu tư thụ động (passive investment) đã khiến quy mô của thị trường này tăng lên gấp nhiều lần, từ 700 tỷ (trước 2008) lên đến 5.000 tỷ đô la Mỹ (2018). Vì có quá nhiều tiền đổ vào, nên khi các ETF này bị sụt giảm sẽ dẫn đến làn sóng rút tiền từ các nhà đầu tư và gây ra sự đổ vỡ nghiêm trọng cho các chỉ số.

Thứ ba, khủng hoảng niềm tin vào tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ và Châu Âu, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế thế giới đã đang hết sức khó khăn, với việc các nền kinh tế lớn đều đang đối mặt với sự chậm lại trong tăng trưởng, nhiều nước còn chứng kiến tăng trưởng âm trong vài năm trở lại đây. Nó tựa như một căn nhà yếu, cũ nát, thì virus Corona như một cơn bão mạnh quét qua, có thể khiến nó sụp đổ trong chốc lát.

Chính những sự đổ vỡ niềm tin kể trên mà những liều thuốc cực mạnh của Fed đang không hề phát huy tác dụng như mong đợi.

Tuy nhiên, với việc lượng tiền được bơm ra là khổng lồ, thị trường tài chính Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, hoàn toàn có thể chứng kiến một nhịp hồi phục đến từ nguồn tiền mới này.

Nhưng nó cũng có thể sẽ khiến nền kinh tế thế giới trở bệnh trầm trọng hơn, suy sụp hơn. Vì nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là sự trì trệ của các nền kinh tế lớn, các bong bóng tài sản khồng lồ đã được hình thành sau một chu kỳ dài các chính phủ thi nhau bơm tiền để kích thích tăng trưởng.

Fed có thể cứu nước Mỹ và Thế giới trước Covid19 nhưng có thể sẽ mang đến một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề hơn, sâu rộng hơn, với việc quá lạm dụng các công cụ tiền tệ của mình, điều mà rất nhiều nhà kinh tế học đã lên án trong nhiều năm. Hãy cùng chờ xem lần này Keynes có đúng hay không (!?)./.

(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)