Còn 12.000 tỷ đồng vốn ngoài ngành "mắc kẹt" ở ngân hàng, BĐS

Đến thời điểm này số vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty ty vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản… vẫn còn gần 12.000 tỷ đồng chưa thể thoái vốn.
Còn 12.000 tỷ đồng vốn ngoài ngành "mắc kẹt" ở ngân hàng, BĐS

Con số này được ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tiết lộ khi bàn đến câu chuyện cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

Theo dữ liệu từ  Bộ Tài chính, số vốn đã thoái tính tới hết quý I/2015 là khoảng trên 8.200 tỷ đồng. Nghĩa là từ nay tới cuối năm còn 19.517 tỷ đồng cần thoái. Số lượng vốn lớn tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Hiện, NHNN đang quyết liệt xử lý việc thoái vốn, tiếp nhận vốn của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng. 

Đơn cử, việc NHNN tiếp quản OceanBank vừa qua là giải pháp lành mạnh hoá hoạt động đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn.

Còn 12.000 tỷ đồng vốn ngoài ngành "mắc kẹt" ở ngân hàng, BĐS ảnh 1
Vẫn còn khoảng 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào ngân hàng, BĐS của các tập đoàn, tổng công ty chưa thoái hết. (Ảnh minh họa)

Liên quan tới quá trình CPH của DNNN, ông Quyết Tiến thông tin thêm, trong quý I/2015, cả nước CPH 29 (trong đó có 3 Tổng công ty nhà nước và 26 DN). Còn lại 260 DN thì có 62 DN đã công bố giá trị DN, 198 DN đang xác định giá trị DN. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2015 mới có 43 DN tiến hành xong CPH. Như vậy, vẫn còn tới 246 DN phải thực hiện CPH xong trong vòng 6 tháng cuối năm.

“Đây là một thách thức không hề nhỏ để hoàn thành chỉ tiêu cổ phần hóa xong 289 DN theo chỉ đạo của Thủ tướng trong năm nay”- ông Tiến đánh giá.

Tuy nhiên, điều lãnh đạo Cục Tài chính DN lo lắng, không phải là số lượng DN phải CPH xong mà chính là ở “chất lượng” DN CPH. 

Cũng theo ông Tiến, các giải pháp đưa ra từ nay tới cuối năm là nâng cao chất lượng, giá trị hàng hoá bán ra thị trường. Đối với DN đủ điều kiện sẽ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay, nhưng nếu DN nào không đủ khả năng thì sẽ chuyển sang công ty cổ phần, sau đó tiếp tục củng cố “sức khoẻ” cho tốt lên thì sẽ tiến hành IPO. “Với số DN này sẽ tính tới phương án mời thêm các đại diện chủ sở hữu khác không phải Nhà nước tham gia hoạt động DN, giám sát DN để hoạt động DN tốt lên, sau đó mới tiến hành IPO”- ông Tiến thông tin. Nếu tiếp tục không IPO được, DN này sẽ phải thực hiện đúng quy định là bán cả DN hoặc tuyên bố phá sản.

“Nếu không ai mua thì rõ ràng DN có vấn đề. Bởi vậy, giải pháp này không phải chữa cháy mà rõ ràng mang tính triệt để,” ông Tiến nói.

Ông tiếp lời, mục tiêu của Chính phủ là đa sở hữu để các thành phần kinh tế tham gia vào DN, có thời gian chuẩn bị để NĐT, cổ đông chiến lược tham gia. Tuy nhiên, kinh tế mới ở giai đoạn phục hồi nên dòng vốn vào thị trường hạn chế, nguồn cung lớn nhưng thị trường không hấp thụ hết, nên kỳ vọng “tung” hàng ra bao nhiêu thị trường tiêu thụ hết là khó.

Nhưng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết năm nay phải CPH xong 289 DN, vì thế Bộ Tài chính kiên quyết tăng cường giám sát, kiểm tra cụ thể và gắn trách nhiệm với người đứng đầu DN. “Nếu DN chây ì không chịu thực hiện chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo DN”, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN khẳng định. Vì thế, vị lãnh đạo Cục Tài chính DN tin tưởng, “tốc độ CPH từ nay tới cuối năm sẽ nhanh hơn”.

Về giải pháp thị trường để “thúc” CPH cũng như thoái vốn, ông Tiến bổ sung thêm, tới đây Chính phủ sẽ đưa ra phương thức bán theo lô lớn nhằm hấp dẫn và “hút” được thêm nhiều NĐT lớn tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược tại các DN có vốn Nhà nước.

Theo Infonet