COMA: Lương lao động bằng 1/5 lãnh đạo, mong lãi 1,7 tỷ đồng trong 2016

VietTimes -- Thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng - COMA (trực thuộc Bộ Xây dựng) vừa tiến hành công bố một số thông tin liên quan đến hoạt động trong năm 2015 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đáng chú ý, tài liệu đã tiết lộ một số thông tin đến tình hình lương, thưởng tại tổng công ty.

 Báo cáo quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của COMA cho thấy, quy mô nhân sự của tổng công ty này có sự khác biệt lớn giữa kế hoạch và thực hiện.

Cụ thể, năm 2015, COMA xây dựng kế hoạch quy mô lao động là 692 người, song trên thực tế, con số thực hiện chỉ là 433 người, đạt chưa đầy 63%.

Con số lao động ở COMA dự kiến sẽ tiếp tục biến động mạnh khi bước sang năm 2016, tổng công ty này xây dựng kế hoạch là 572 người, tức là tăng tới 32% so với năm liền trước.

Theo đó, quỹ tiền lương của COMA cũng khá xáo động: 60,62 tỷ đồng cho kế hoạch 2015 nhưng thực tế chỉ đạt 38,97 tỷ đồng; và dự kiến cho năm 2016 là 51,48 tỷ đồng.

Vì COMA không có quỹ tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động nên thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp này chỉ đơn thuần là tiền lương.

Tuy nhiên, mức lương của người lao động tại đây cũng rất vừa phải: 7,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2015 và dự kiến là 7,5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016.

Thu nhập của người lao động tại COMA có sự chênh lệch đáng kể so với thu nhập của các viên chức quản lý.

Cụ thể, trong khi số lượng lao động liên tục biến động thì quy mô viên chức quản lý của tổng công ty này lại khá ổn định: 9 người trên kế hoạch và 10 người trên thực tế vào năm 2015; và dự kiến là 9 người cho năm 2016.

Như người lao động, các viên chức này không có tiền thưởng nhưng thu nhập của họ - tính riêng lương – cũng rất ổn.

Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại COMA trong năm 2015 là 31,5 triệu đồng/người/tháng - dù thấp hơn không ít so với kế hoạch đề ra là 35,83 triệu đồng nhưng vẫn gấp hơn 4 lần so với con số tương ứng của người lao động.

Năm 2016, COMA dự kiến mức thu nhập bình quân cho 9 viên chức quản lý của tổng công ty là 35,83 triệu đồng/người/tháng.

Nói về chính sách phân phối tiền lương, tiền thưởng, thù lao doanh nghiệp, COMA cho hay: “Tiền lương được trả theo vị trí, chức danh công việc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, gắn với chất lượng, năng suất, hiệu quả SXKD. Khi xây dựng Quy chế trả lương đã có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn”.

Cơ cấu HĐTV Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA).

Được biết, cơ cấu lãnh đạo COMA gồm các nhân sự sau: ông Lê Văn Khương (Chủ tịch HĐTV), bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Thành viên HĐTV, Trưởng phòng TCNS); ông Dương Văn Hồng (Thành viên HĐTV, TGĐ); Trịnh Nam Hải (Thành viên HĐTV; P.TGĐ); Phạm Việt Hùng (Thành viên HĐTV, P.TGĐ); Vũ Xuân Thắng (P.TGĐ); Nguyễn Văn Sơn (P.TGĐ); Lê Thế Thủy (Kế toán trưởng); Lê Thị Thanh (Kiểm soát viên); Vũ Đức Đại (Kiểm soát viên; Phó phòng KTKH).

Năm 2015, tổng giá trị SXKD của COMA là 775,1 tỷ đồng; Doanh thu đạt 725,6 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 43,3 tỷ đồng; Giá trị đầu tư là 8,3 tỷ đồng; Nộp ngân sách là 82,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2016, COMA lại chỉ xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch ở mức khá khiêm tốn, thấp hơn hẳn 2015. Cụ thể, Giá trị SXKD của COMA là 745,9 tỷ đồng (96%); Doanh thu đạt 767,8 tỷ đồng (106%); Lợi nhuận trước thuế đạt 1,7 tỷ đồng (3,9%); Giá trị đầu tư là 8,4 tỷ đồng (101%); Nộp ngân sách là 24,1 tỷ đồng (30%).

Tổng công ty Cơ khí xây dựng là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo quyết định số 993/BXD-TCLĐ ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Theo quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà làm nòng cốt và Tổng công ty là một thành viên trong Tập đoàn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV.

Ngày 02/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1428/QĐ-TTg kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng có công văn số 975/QĐ-BXD ngày 18/10/2012 chuyển giao quyền và nghĩa vụ Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng từ Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng.

Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị cơ khí phục vụ ngành xây dựng và các ngành công nghiệp khác, thi công xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị các dây truyền đồng bộ cho các công trình xi măng, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, dầu khí… theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ ngành trong nước và ngoài nước, theo yêu cầu thị trường.

COMA hiện đang tham gia thiết kế, tư vấn, chế tạo, lắp đặt thiết bị các công trình thủy điện trên khắp cả nước như thủy điện Bản Vẽ, Sông Tranh 2, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Sê San 4, Buôn Tua Srah, Đasiat, Đakmi 4, A Lưới, Đak Sin 1, Sông Chảy 5, Nậm Mức, Trung Sơn … các Nhà máy điện như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Phả Lại, Cao Ngạn, Hiệp Phước, Phú Mỹ. Các công trình này đã được vận hành hòa vào lưới điện quốc gia và được đánh giá cao.

COMA tham gia chế tạo, thiết kế, lắp đặt thiết bị các công trình xi măng như: Nhà máy Xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn, Sao Mai, Sông Gianh, Hải Phòng, Cẩm Phả, Quảng Trị, các Nhà máy đường như Nhà máy đường Thạch Thành, Sơn La, Nghệ An, Lam Sơn, các công trình công nghiệp khác như Nhà máy kính nổi (VFG, NSG), Nhà máy sứ Bình Dương, Nhà máy gạch men Thăng Long, Nhà máy Nghiền Feldspar Yên Hà, Nhà máy cán thép Hải Phòng, chế tạo cột điện đường dây 500 KV, 220 KV, các cột truyền hình, cột vi ba, các loại dàn không gian cho các công trình kiến trúc, các khu vui chơi giải trí, các nhà thi đấu TDTT….

X.T