Có thật hàng không Việt Nam đang tăng trưởng “nóng”?

VietTimes – Nhiều diễn giả - là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước - tham dự phiên thứ nhất, Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bển vững” đồng tình và chia sẻ nhận định rằng thị trường hàng không Việt Nam đang “tăng trưởng nóng”. Nhưng đại diện của các hãng hàng không tư nhân thì cho rằng chưa nên đặt vấn đề như vậy...
Quang cảnh Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bển vững” chiều 11/4/2019.
Quang cảnh Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bển vững” chiều 11/4/2019.

Sự “nóng” thể hiện ngay từ các con số thống kê về ngành. Theo đó, 5 năm qua, ngành hàng không Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức 2 con số (bình quân gần 30%/năm). Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng phải nhận định, Việt Nam là một trong những nước có ngành hàng không tăng trưởng mạnh nhất trong các năm qua.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo khái quát bức tranh tăng trưởng của hàng không Việt Nam thông qua các con số so sánh trên chiều dài 10 năm. Nếu như năm 2008, Việt Nam chỉ có 60 tàu bay dân dụng (trong đó số tàu sở hữu là 29 tàu, còn lại đi thuê) thì đến 2018, quy mô đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đã nâng lên con số 192 tàu (47 tàu sở hữu) – tức là gấp hơn 3 lần.

Có một điểm đáng chú ý, đó là sau 10 năm, tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam không già đi, mà còn được trẻ hóa, từ 8,8 tuổi về chỉ còn 5,5 tuổi.

Chúng ta có 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế. Nếu mười năm trước, đường bay quốc tế chỉ đến 3 sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất thì nay đã được mở rộng ra: Cát Bi, Cam Ranh, Phú Quốc, Liên Khương.

Quan trọng hơn, từ việc chỉ có hãng hàng không quốc gia, đến nay, Việt Nam đã có 4 hãng hàng không dân dụng – với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tư nhân.

“Sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân đã làm ngành hàng không Việt Nam thay đổi về cả chất và lượng”.

Không bất ngờ

Vụ phó Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cho rằng, với tốc độ phát triển hai con số như thời gian vừa qua thì gọi hàng không Việt Nam là tăng trưởng “nóng” cũng được, nhưng phải căn cứ theo các góc nhìn – từ người sử dụng, nhà đầu tư và cả các nhà cung cấp dịch vụ.

Dẫn chứng Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ông Phương cho rằng, tốc độ tăng trưởng 2 con số của thị trường hàng không Việt Nam qua các năm là “ấn tượng” nhưng không bất ngờ. Bởi theo quy hoạch, thì đến năm 2020, thị trường luôn được dự đoán tăng trưởng ở 2 con số mỗi năm; và bắt đầu từ các năm sau đó, tốc độ tăng trưởng mới được giảm về 1 con số.

Đại diện Vụ kết cấu hạ tầng – đô thị (Bộ Kế hoạch Đầu tư) – Đỗ Đức Tú thì khẳng định thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng “nóng”. Ngoài những con số, ông Tú dẫn chứng từ việc quá tải của hệ thống hạ tầng hàng không. “Sự phát triển của hạ tầng không theo kịp sự tăng trưởng của ngành” – vị này đánh giá. Ông Tú cũng lưu ý các hãng hàng không – nhất là các hãng mới - về vấn đề cân đối nguồn nhân lực. Theo ông Tú, các nhà đầu tư có thể huy động được nguồn vốn một cách nhanh chóng để thành lập một hãng hàng không – có khi chỉ một năm – nhưng để xây dựng được một đội ngũ nhân sư đáp ứng được đòi hỏi trong một ngành nhiều đặc thù như hàng không thì không dễ dàng gì.

Quan điểm của ông Tú không hẳn được đại diện của các hãng hàng không đồng tình. Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng không cho rằng hạ tầng hàng không của Việt Nam bị quá tải. Theo ông Thắng, Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không nhưng áp lực quá tải chỉ dồn chủ yếu lên sân bay Tân Sơn Nhất, và cũng chỉ là vào mùa cao điểm và giờ cao điểm.

“Tôi cho rằng hạ tầng hàng không Việt Nam chưa quá tải” – ông Thắng đánh giá. Quan điểm này nhận được sự chia sẻ và đồng tình của Phó Cục trưởng Cục hàng không Phạm Văn Hảo.

“Nóng” thế nào?

Theo Phó Cục trưởng Hảo, thuật ngữ “tăng trưởng nóng” hay được nhắc đến tại các diễn đàn nhưng lĩnh vực hàng không lại có tính đặc thù.

Thị trường hàng không Việt Nam có một lịch sử non trẻ, với xuất phát điểm thấp nên song song với sự tăng trưởng kinh tế đột phá của Việt Nam trong thời gian qua – thì sự phát triển nhanh của thị trường hàng không là điều dễ hiểu.

“Một thị trường hàng không được cho là phát triển khi năng lực vận chuyển gấp rưỡi đến gấp đôi quy mô dân số. Trong khi năng lực vận chuyển của thị trường hàng không Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70 triệu lượt/năm. Rõ ràng là dư địa phát triển của thị trường còn rất nhiều”, ông Hảo nói.

Bố sung thêm, Phó Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho rằng, con số 4 hãng hàng không của Việt Nam hiện nay là quá hạn chế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dẫn chứng là Thái Lan, một nước có dân số ít hơn Việt Nam nhưng có đến 13 hãng hàng không, các nước phát triển hơn thì còn nhiều hơn nữa. Ông Thắng khẳng định Việt Nam là một nước đang phát triển thì ngành hàng không phát triển là điều tất yếu. Phát triển “nóng” chỉ bởi con số thống kê, nhưng nó hợp lý với bối cảnh và nhu cầu thị trường.

Việc mới chỉ có khoảng 50% dân số Việt được trải nghiệm bay, theo ông Thắng, là một chỉ số cho thấy dư địa phát triển của thị trường là rất lớn và đủ chỗ cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

Giám đốc Phát triển dự án của Vietjet Air, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng đưa thêm một con số thống kê để khẳng định quan điểm thị trường hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và còn rất nhiều dư địa, đó là về tỷ lệ máy bay trên dân số. Theo đó, Việt Nam chỉ có 1,9 máy bay/1 triệu dân, trong khi Thái Lan là 4,7 máy bay/1 triệu dân, các nước khác thì còn cao hơn nữa. “Vậy xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp”, ông Tùng đánh giá.

Với đặc thù thị trường như vậy, đại diện Vietjet Air cho rằng, sự cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam không nên hiểu theo nghĩa tiêu cực. “Mọi người cứ nghĩ cạnh tranh là không tốt. Có thêm một hãng mới là không tốt, nhưng đâu phải vậy. Tôi thích thông điệp của phiên tọa đàm “Cơ hội, cạnh tranh cùng phát triển” – ông Tùng nói và nhìn về backdrop phía sau.

Nhất trí với ý kiến mà TS. Lê Đăng Doanh đã nêu ra trước đó, ông Đặng Tất Thắng cho rằng không nên đặt ra vấn đề “tăng trưởng nóng” đối với thị trường hàng không Việt Nam. Bởi xuất phát điểm của thị trường Việt Nam quá thấp, “so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, chúng ta chưa là gì”. Ông Thắng cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam cần được phát triển nhanh hơn để theo kịp khu vực.

“Tạo áp lực cạnh tranh quan trọng hơn bảo vệ người chơi”

“Điều gì dẫn dắt thị trường hàng không tăng trưởng nhanh như trong thời gian qua?”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đặt câu hỏi chia sẻ với quan điểm mà nhiều người đưa ra, đó là nhu cầu – với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của thị trường xuất khẩu lao động.

Nhưng dưới góc nhìn của mình, TS. Thành tổng kết hai động lực chính cho tốc độ tăng trưởng ấn tượng của thị trường hàng không Việt Nam.

Đầu tiên là từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong nước. Sau nhiều năm mở cửa, Việt Nam hiện đã trở thành một “hub”, một trung tâm kết nối của thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Thực tế này đòi hỏi và mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực vận tải, trong đó nổi bật hơn cả là lĩnh vực hàng không.

Thứ hai – lý do rất quan trọng, theo đánh giá của ông Thành – là thị trường hoàng không Việt Nam có “áp lực cạnh tranh. “Cái hay là hàng không Việt Nam luôn có ông vào nhưng cũng có cả ông ra” – ông Thành nói.

“Tạo áp lực cạnh tranh quan trọng hơn bảo vệ người chơi trên thị trường. Tôi luôn lưu ý nhà hoạch định chính sách như vậy” – vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Theo ông Thành, cạnh tranh ở đây là cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh khu vực, cạnh tranh giữa các hãng hàng không Việt Nam bay ra quốc tế dưới sự dẫn dắt của Nhà nước.

Còn về câu chuyện cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị các hãng đừng chỉ chăm chăm cạnh tranh về các khách hàng (với ý người đi máy bay). “Nếu chỉ nhìn cạnh tranh về khách hàng thì quá hẻo. Nên nhớ, vận tải hàng hóa Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Asean. Vậy sao chỉ thấy nói về cạnh tranh về khách hàng”.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng phải chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Các hãng bay cần kết nối với các hãng vận chuyển, cung cấp dịch vụ mặt đất, để làm sao tạo thuận lợi nhất cho các khách hàng, tiết kiệm thời gian, công sức. “Thực tế, tốc độ máy bay đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng nếu đi từ Hà Nội vào Tp.HCM công tác, thì thời gian từ lúc rời nhà đến lúc đặt chân tới khách sạn, không khác gì nhiều chục năm trước” – ông Thành chia sẻ.

Cuối cùng, trong sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng 4.0, cạnh tranh số cũng là vấn đề mà các hãng phải chú trọng đầu tư./.