Cơ sở dữ liệu công dân: chia sẻ gì và sử dụng vào đâu?

VietTimes -- Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác đã có những phản ứng trái chiều. Người bảo nên, người khác bảo không được.
Sử dụng CSDLDC phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành
Sử dụng CSDLDC phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành

Chia sẻ CSDLCD: được và không được

Trước hết cần phải hiểu cho đúng bản chất vấn đề là sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư phải tuân thủ các quy định của Luật Căn cước công dân, Luật tiếp cận thông tin, Luật dân sự và các văn bản có tính chất quy phạm pháp luật điều chỉnh đến các thông tin cá nhân. Vì vậy việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong các giao dịch hành chính công hoặc giao dịch dân sự chỉ được thực hiện khi các hành lang pháp lý đó được đảm bảo hoặc được sự cho phép của công dân theo luật định. Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy rằng không phải tất cả các thông tin cá nhân có trong bộ cơ sở dữ liệu công dân ( CSDLCD) được chia sẻ đều là bí mật cá nhân. Ví dụ: Chia sẻ CSDLCD để xác định độ tuổi phổ cập giáo dục, chia sẻ CSDLCD để xác định tỷ lệ sinh đẻ hoặc tuổi thọ…

Đối với các giao dịch hành chính công và giao dịch dân sự khác , công dân có quyền chọn lựa là giao dịch điện tử hay giao dịch truyền thống thì phải được thể chế hóa bằng luật hoặc văn bản dưới luật nhưng đảm bảo tính đồng nhất với các Bộ Luật đã ban hành.

Tóm lại vấn đề ở đây Thành phố Hà Nội muốn một hành lang pháp lý để khai thác tài nguyên số là CSDLDC trong đó lấy sự tiện lợi của người dân trong các giao dịch và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên số đã đầu tư trước đó.

Nếu sử dụng hữu ích các tài nguyên số như CSDLDC sẽ mang lại rất nhiều lợi ích
Nếu sử dụng hữu ích các tài nguyên số như CSDLDC sẽ mang lại rất nhiều lợi ích 

CSDLCD đầy đủ, chính xác: chìa khóa của nhiều vấn đề phức tạp  

 Ông Nguyễn Đức Chung nêu ra con số ước lượng khoảng 300 tỷ đồng/năm cho việc thu phí từ sử dụng CSDLDC, phải chăng ông lấy số lượng các giao dịch x 800 đồng/giao dịch như dự thảo của Bộ Tài chính đang trình Chính phủ. Theo chúng tôi nếu sử dụng hữu ích các tài nguyên số như CSDLDC con số đem lại thật sự lớn hơn rất rất nhiều lần. Quản lý xã hội sẽ tốt hơn nếu dữ liệu đầu vào được liên tục cập nhật, sự trung thực của dữ liệu số khi đã được xác thực là giá trị không đong đo đếm được.

Đảng và Nhà nước đã khẳng định Công nghệ Thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, tuy nhiên lâu nay chúng ta đang loay hoay, vướng mắc trong cải cách hành chính công, lãng phí trong đầu tư các nguồn lực để phát triển KTXH, vì chúng ta chưa chuyển đổi số và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên số một cách hữu ích mà chia sẻ CSDLCD là một ví dụ. Hàng năm Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải bỏ ra những khoản kinh phí rất lớn để làm thống kê xã hội liên quan đến giáo dục và y tế nếu chỉ cần chia sẻ dữ liệu công dân và cơ sở dữ liệu về y tế thì tại mọi thời điểm chúng ta luôn có được thống kê đầy đủ, chính xác nhất. Đơn cử, nếu chúng ta làm tốt công tác kết nối giữa CSDLCD với cơ sở dữ liệu ngành y tế thì hàng năm tiết kiệm hàng nghìn tỷ mua thuốc dự phòng và hạn chế tối đa trục lợi bảo hiểm...

Nếu chúng ta có một CSDLCD đầy đủ, chính xác về quản lý cán bộ, công chức được chia sẻ hữu ích đến các cơ quan chức năng thì không thể có các vụ việc kiểu “bổ nhiệm thần tốc” hoặc “nâng đỡ không trong sáng” và công cuộc phòng chống tham nhũng không nặng nề và nóng bỏng như hiện nay.   

Đối với các giao dịch hành chính công và giao dịch dân sự, yêu cầu tính chính xác và tốc độ giải quyết trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần là yếu tố sống còn để nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Vấn đề là chúng ta xây dựng thể chế pháp lý để tạo ra một nền hành chính mà mọi cơ sở dữ liệu được chia sẻ từ kho tài nguyên số quốc gia phải có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm.

Đây là vấn đề không là mới mẻ của thế giới, bài học kinh nghiệm luôn có sẵn và có thể nói chúng ta đang có dư địa phát triển đất nước nếu thực hiện một cách đầy đủ nhận thức: Công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng.     

“Có 2 vấn đề: Thứ nhất là Nhà nước không bao giờ được kinh doanh các dữ liệu đã thu thập được của cư dân. Dữ liệu dân cư mà Nhà nước thu thập chỉ là để phục vụ mục đích quản trị công. Chỉ có doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh chứ Nhà nước thì không thể. Thứ hai là việc này liên quan đến là liên quan đến bảo vệ bí mật riêng tư của công dân, đến quyền dân sự của người dân thì đó là điều đáng quan ngại và người dân khó có thể đồng tình với quan điểm này”- Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NHQuang & Associate).

“Cơ sở dữ liệu về dân cư của các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM... đang là những "mỏ vàng" được nhiều người nhòm ngó và thậm chí muốn trả tiền để được khai thác. Tuy nhiên, việc có thể cho khai thác các dữ liệu này để thu tiền thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Trước hết, đây là những thông tin động đến quyền riêng tư của công dân nên nếu muốn khai thác, thu phí thì phải được sự đồng ý của người dân. Chính vì vậy, chính quyền của các đô thị mà trong đó có Hà Nội không thể có toàn quyền khai thác những "mỏ vàng" này để thu tiền được”- PGS TS Đỗ Trung Tuấn - chuyên gia về cơ sở dữ liệu, giảng viên ĐHQG Hà Nội.