Cổ phiếu Sông Đà: “thời oanh liệt nay còn đâu?”

Với khoảng 25 công ty niêm yết trên sàn Hà Nội, một số trên sàn UpCom và 2 đơn vị trên Hose, các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Sông Đà đã từng có nhiều thời điểm gây nên những con sóng lớn trên thị trường. Trong quá khứ dòng tiền cả tổ chức lẫn cá nhân đã từng ồ ạt đổ vào cổ phiếu Sông Đà. Nhưng nay cổ phiếu Sông Đà gần như “chìm nghỉm”, “lang thang” ở vùng đáy rộng dài bất chấp một số công ty vẫn làm ăn tốt và chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông ở mức cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm ngân hàng.
Thời mà “sóng” Sông Đà thu hút dòng tiền chảy vào một cách đồng loạt, bất chấp chất lượng cổ phiếu tốt xấu chắc sẽ khó trở lạ
Thời mà “sóng” Sông Đà thu hút dòng tiền chảy vào một cách đồng loạt, bất chấp chất lượng cổ phiếu tốt xấu chắc sẽ khó trở lạ

 Nhóm trên

Công ty cổ phần Sông Đà 5 (SD5-Hnx) là cái tên còn sót lại trong tâm trí không ít nhà đầu tư bởi sự kiện vài năm trước đơn vị này cử công nhân kỹ thuật đi học ở Nga để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Sau đấy dự án này không thấy được cập nhật. Thay vào đó SD5 giảm dần sự phụ thuộc vào tổng công ty mẹ và tự tham gia đấu thầu, rồi trúng thầu một số dự án xây dựng thủy điện ở Lào. Một trong số đó là dự án Nậm Nghiệp 1 tại Lào của chủ đầu tư Nhật Obayashi. Dự án này mang lại mức lợi nhuận biên cao hơn hẳn so với các dự án thủy điện ở Việt Nam mà SD5 đã từng đảm nhận và công việc kéo dài ổn định đến hết năm 2017. Với số vốn điều lệ 260 tỉ đồng, năm ngoái lợi nhuận sau thuế của SD5 đạt 42,3 tỉ đồng. Năm nay dự kiến lợi nhuận sau thuế chừng 57-58 tỉ đồng. SD5 có kế hoạch trả cổ tức 15% bằng tiền cho năm 2015. Ở thị giá 11.000 đồng/cổ phiếu, SD5 thích hợp cho những nhà đầu tư mong chờ cổ tức tiền mặt.

Tiềm năng hơn cả SD5 là Công ty cổ phần Sông Đà 10 (SDT-Hnx) với EPS năm ngoái 2.160 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá tầm 10.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng một nửa giá trị sổ sách. SDT cũng có truyền thống trả cổ tức bằng tiền 15-18%/năm và chuẩn bị trả cổ tức cho năm 2015. Là một trong những đơn vị chủ lực của Tổng công ty Sông Đà, SDT tham gia xây dựng hầu hết các dự án thủy điện lớn của cả nước. Gần đây nhất công ty góp mặt vào dự án hầm Cù Mông, ống hầm phía Tây thuộc hầm đèo Cù Mông - quốc lộ 1 ở Bình Định, Phú Yên.

Có thể xếp ngang ngửa với hai đơn vị trên là ba doanh nghiệp Công ty cổ phần Sông Đà 9 (SD9-Hnx), Công ty cổ phần Sông Đà 6 (SD6-Hnx) và Công ty cổ phần Sông Đà 4 (SD4-Hnx). SD4 có vốn điều lệ tương đối thấp, nhưng lợi nhuận sau thuế hàng năm khá ổn định ở mức 20-25%/vốn - một tỷ lệ mà không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng có thể vươn tới. SD6 và SD9 có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng/đơn vị, thường được đảm đương những công trình có tính phức tạp. Thị giá cả hai đang ở mặt bằng hấp dẫn với P/E từ 5-6 lần.

Tốt nhất trong dòng họ Sông Đà có lẽ Công ty cổ phần Sông Đà 11 (SJE-Hnx). Những năm trước, EPS của SJE chỉ tầm 4.000-5.000 đồng, nhưng năm ngoái EPS của cổ phần này đã vọt lên gần 8.000 đồng nhờ việc tiết giảm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, mảng điện thương phẩm mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt. Ngoài ra SJE còn được hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi. SJE hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất 30.600 đồng trong các cổ phiếu Sông Đà. Tuy nhiên với giá trị sổ sách 30.000 đồng/cổ phiếu và EPS cao, chỉ số P/E của SJE đang ở mức 3,8 lần.

Nhóm dưới và tên tuổi Sudico

Tổng công ty Sông Đà cũng không thiếu những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thậm chí lỗ lã và nợ vay ngân hàng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Một số công ty đã bị “đuổi” xuống UpCom. Ở khoảng giữa là những doanh nghiệp lợi nhuận sau thuế khoảng 10-15 tỉ đồng/năm, đủ trả cổ tức 5-8%/năm như Công ty cổ phần Sông Đà 2 (SD2-Hnx) hay Công ty cổ phần Sông Đà 3 (SD3-UpCom).

Vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng và được quan tâm hàng đầu trong số các đơn vị của Sông Đà là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS-Hose). Từ năm 2014 trở lại đây thị giá cổ phiếu SJS dao động ở mức 17.000-27.000 đồng. Lợi nhuận sau thuế của SJS năm 2014 đạt 156 tỉ đồng, năm ngoái 225 tỉ đồng và năm nay theo kế hoạch tầm 300 tỉ đồng. Trọng tâm doanh thu của SJS vẫn nằm ở dự án Nam An Khánh và công ty đã thực hiện bán một phần dự án để cấn trừ nợ vay ngân hàng. Việc phát triển dự án Nam An Khánh đến đâu phụ thuộc nhiều vào các đối tác kinh doanh thứ phát.

Mới đây Tổng công ty Sông Đà tuyên bố thoái hết hơn 26 triệu cổ phiếu, tương ứng 51% cổ phần khỏi Công ty thép Việt - Ý (VIS-Hose) sau khi giá cổ phiếu này chạy một mạch từ 6.000 đồng lên 12.500 đồng trong vòng chưa đầy sáu tháng. Gánh nặng của VIS là nợ vay ngân hàng và khả năng lợi nhuận không cao trong năm nay sau khi đã lỗ 51 tỉ đồng năm ngoái. VIS xét về các chỉ tiêu lợi nhuận, ROE, ROA thì không thể xếp vào loại cổ phiếu giá trị cơ bản, nhưng trong quá khứ VIS đã từng là cổ phiếu được giới đầu cơ ưa thích.

Đầu tư vào cổ phiếu Sông Đà cần một sự chọn lọc và phân tích kỹ triển vọng từng doanh nghiệp bởi thời mà “sóng” Sông Đà thu hút dòng tiền chảy vào một cách đồng loạt, bất chấp chất lượng cổ phiếu tốt xấu chắc sẽ khó trở lại.

Theo TheSaigontimes