Cổ phiếu Petrolimex sẽ chào sàn HoSE với giá bao nhiêu?

VietTimes – Đó là một trong các câu hỏi đáng chú ý mà các nhà đầu tư đã gửi đến lãnh đạo Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam trong buổi roadshow chính thức đầu tiên. Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo không giải đáp vấn đề này bằng một con số cụ thể nhưng…
Theo tính toán của SSI, sau khi lên sàn, Petrolimex sẽ trở thành một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: Đan Nguyên)
Theo tính toán của SSI, sau khi lên sàn, Petrolimex sẽ trở thành một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: Đan Nguyên)

Chiều nay (29/03/2017), tại Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (OTC: PLX) đã tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư, chuẩn bị cho việc đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

Đây là buổi gặp gỡ nhà đầu tư chính thức đầu tiên của PLX nằm trong chuỗi các sự kiện roadshow cho kế hoạch niêm yết. Dự kiến sẽ có một buổi gặp gỡ khác, sẽ diễn ra tại Tp. HCM.

Không chỉ có bán xăng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, trước đó là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ được thành lập theo Nghị định của Bộ Thương nghiệp năm 1956, sau được thành lập lại theo Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước được xếp hạng đặc biệt, có quy mô toàn quốc.

Theo thông tin được công bố tại buổi roadshow, hiện, Petrolimex đang nắm giữ khoản 48 -50% thị phần, là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam. Bỏ xa cái tên đứng thứ hai, là PV Oil - thị phần khoảng 15%.

Petrolimex được biết đến nhiều ở mảng kinh doanh xăng dầu; Và phần lớn công chúng vẫn mặc định nguồn lợi của tập đoàn chủ yếu đến từ lĩnh vực này.

Thực tế, mảng kinh doanh cốt lõi trên đóng góp khoảng 60% doanh thu và mang về 50% lợi nhuận cho tập đoàn. Phần còn lại, đến từ các hoạt động kinh doanh phụ trợ - cũng không kém phần thành công – bao gồm: vận tải, sản phẩm hóa dầu và khí đốt.

Rất nhiều các công ty thành viên của Petrolimex đang là những “đầu tàu” chi phối thị trường ngách mà nó hoạt động.

Có thể kể đến như Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker), đang sở hữu đội tàu với tổng công suất khoảng 500.000 DWT, vận chuyển mogas, diesel, Jet A1, condenstate, FO, naptha; Năm 2016, tổng sản lượng vận chuyển của PG Tanker đạt 13,2 triệu m3.

Hay như CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA) đang gần như độc quyền cung cấp nhiên liệu Jet A1 cho 30 – 35 hãng hàng không phổ biến tại 5 sân bay nội địa chính; Năm 2014, PA đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 5.732 tỷ đồng và 365 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (HNX: PLC) là công ty hàng đầu về nhựa đường với 30% thị phần, và đứng thứ hai về dầu mỡ nhờn với khoảng 12% thị phần; Năm 2016, báo lãi ròng 204 tỷ đồng. Công ty TNHH BP Castrol Petco là doanh nghiệp sản xuất dầu mỡ nhờn hàng đầu với hơn 22% thị phần trong nước, mỗi năm đóng góp lợi nhuận cho tập đoàn từ 300 – 400 tỷ đồng…

Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam hiện nay, Petrolimex đang sở hữu những lợi thế gần như tuyệt đối trong địa hạt hoạt động của mình khi là đơn vị duy nhất sở hữu hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu dài 570 km cùng hệ thống kho cảng có sức chứa 2,2 triệu m3; Đồng thời cũng là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn 150.000 DWT.

Lãi cao nhất lịch sử: Bước chạy đà hoàn hảo

Năm 2016, công ty mẹ Petrolimex đạt 81.755 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22,6% so với năm 2015. Nhưng lợi nhuận ròng lại tăng mạnh 59,5%, đạt 3.278 tỷ đồng – cao nhất trong lịch sử.

Theo Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, động lực chính cho mức lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn đến từ 2 yếu tố: (1) tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn, và (2) tỷ giá hối đoái ổn định.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2016 lên 3,2% và 4,1% sau khi chạm đáy ở mức 0,5% trong năm 2014. Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu khiến giá xăng trong nước đi theo mặt bằng xăng dầu thế giới sát hơn.

Đặc biệt, năm 2016, PLX tiết kiệm chi phí nhờ nhập nguồn xăng từ Hàn Quốc. Thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, đặc biệt là xăng, từ Hàn Quốc (chỉ là 10%, bằng một nửa từ các nước khác) thấp hơn so với từ các nước khác nhờ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ 1/9/2016.

Bên cạnh đó, môi trường tỷ giá hối đoái năm 2016 thuận lợi hơn so với năm 2015 giúp PLX tiết kiệm khoảng 589 tỷ đồng từ tỷ giá. Chi phí lãi vay cũng giảm khoảng 69 tỷ đồng do vốn kinh doanh được bổ sung từ phát hành cho JX và giá dầu giảm, khiến tổng nợ vay cũng giảm.

Hợp nhất kết quả kinh doanh năm 2016, PLX đạt doanh thu 123.098 tỷ đồng, báo lãi ròng 5.165,7 tỷ đồng – cũng là cao chưa từng thấy.

Petrolimex có bước chạy đà hoàn hảo cho kế hoạch lên sàn trong 2017.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đang chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng. (Ảnh: X.T)

Hoàn thành chu trình tái cấu trúc

“Có thể nói, kết thúc năm 2016 và hết quý I/2017 là thời điểm hết sức hệ trọng đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Chúng tôi đã hoàn thành một chu trình tái cấu trúc sau 5 năm cổ phần hóa, để hội tụ tất cả các điều kiện cần thiết cho một công ty đại chúng quy mô lớn niêm yết trên sàn”, Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo chia sẻ và thẳng thắn nhận thức rằng con số 5 năm “có lẽ là quá dài theo đánh giá của nhiều người”.

Tuy vậy, ông giải thích: “Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam là một loại hình doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước, chịu sự quản lý của Nhà nước về giá và nhiều cơ chế ràng buộc đặc thù. Cơ bản nhất là các quy định, nghị định của Nhà nước liên quan việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.

4 năm sau khi cổ phần hóa, Petrolimex đã từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, từ khâu quản trị doanh nghiệp đến việc xây dựng nền tảng về cơ sở vật chất. Mặt khác, tập đoàn cũng tích cực điều chỉnh cơ cấu cổ đông cho phù hợp với chuẩn mực của một công ty đại chúng quy mô lớn, kéo tỷ lệ sở hữu Nhà nước về 75% thông qua việc tìm kiếm và phát hành cho cổ đông chiến lược là tập đoàn JX Nippon Oil & Energy Corporations của Nhật Bản 8%”.

Chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng về lý do lựa chọn sàn HoSE để thực hiện niêm yết cổ phiếu, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, HoSE là sàn chứng khoán có những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp, chuẩn mực gần tương đương với các sàn quốc tế và đây cũng nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn.

“Chắc chắn Petrolimex với quy mô lớn cũng sẽ lọt vào nhóm VN30. Đây là mục tiêu mà Công ty đồng thời cũng là kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với việc Petrolimex lên sàn”, ông Bảo nhấn mạnh.

Một số trao đổi

Giá tham chiếm dự kiến của cổ phiếu PLX trong ngày trình sàn HoSE là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Chủ tịch PLX không giải đáp điều này bằng một con số cụ thể nhưng khẳng định “là người quản trị DN chúng tôi cố gắng giữ được quyền lợi cho nhà đầu tư”.

“Khi lên sàn, giá cổ phiếu do thị trường quyết định. Tuy nhiên, với hoạt động kinh doanh các năm gần đây và từ cơ sở của đợt bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược JX, giá lên sàn không thể thấp hơn mức phát hành. Bởi đây là quyền lợi hết sức sát sườn”, ông Bảo gợi mở.

Được biết, giữa năm 2016, Petrolimex đã phát hành hơn 103,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil &Energy Việt Nam (thành viên của JX NOE) với giá 39.017 đồng/cổ phiếu, thu về số tiền hơn 4.039 tỷ đồng. Theo quy định, lô cổ phiếu của JX NOE sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.

Cũng theo Chủ tịch PLX Bùi Ngọc Bảo, trong tương lai, dự kiến tỷ lệ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn sẽ được duy trì sở hữu ở mức 51-65%. Đây sẽ là các cơ hội đối với các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Những tiếng nói từ các cổ đông ngoài nhà nước sẽ giúp công ty minh bạch công khai hơn, thay đổi quản trị theo hướng tiên tiến và bớt dần đi áp lực của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Liên quan đến câu chuyện thoái vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, theo lãnh đạo Petrolimex, do tập đoàn này đã được Chính phủ đồng ý chỉ phải giảm tỷ lệ sở hữu chứ không phải thoái vốn toàn bộ. Tuy nhiên, với những lĩnh vực mang tính rủi ro cao thì Petrolimex vẫn sẽ giảm thiểu tối đa hoạt động mà sẽ tập trung vào mảng bán lẻ, vốn là lợi thế của tập đoàn này.

Về việc đầu tư xây dựng dự án lọc dầu Nam Vân Phong, ông Bảo cho biết, đây là dự án rất lớn của Petrolimex.

“Là nhà cung cấp chính trên thị trường xăng dầu, việc xây dựng dự án lọc dầu để đảm bảo an toàn về nguồn là rất quan trọng. Petrolimex là số ít doanh nghiệp nhà nước không sử dụng đồng ngân sách nào của Nhà nước trong nhiều năm nay, không nhận được bất cứ ưu đãi nào về tài sản được hình thành từ nguồn của Nhà nước. Nên mọi dự án to nhỏ, chúng tôi đều phải tính toán, cân đối hết sức thận trọng theo nguyên tắc vay thì phải trả, đầu tư phải có hiệu quả”, ông Bảo cho biết.

Đặc biệt, như chia sẻ của Chủ tịch PLX tại buổi roadshow, Petrolimex không đề nghị Nhà nước những cơ chế chính sách mang tính ưu đãi cho dự án của mình mà chỉ cần sự bình đẳng cho các dự án đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. “Nếu được như thế, dự án Nam Vân Phong sẽ là dự án có tính chất hiệu quả về kinh tế là cao nhất của tập đoàn”, ông Bảo nói.

Về kế hoạch trả cổ tức, trong dài hạn Petrolimex cam kết tỷ lệ cổ tức không thấp 12%. Đối với năm 2016, cổ tức không thể thấp hơn năm 2015. ĐHĐCĐ ngày 25/4 sẽ chính thức quyết định việc này. Năm 2016, có lẽ vấn đề chia cổ tức sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhà đầu tư.

Dự kiến thời điểm cổ phiếu PLX chính thức niêm yết trên HoSE sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2017.

Theo tính toán của SSI, sau khi lên sàn, Petrolimex sẽ trở thành một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất, EPS đứng thứ 2 - chỉ sau Vinamilk, và doanh thu lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam/.