Cổ phần hóa Sabeco: Hóa giải sự ma mãnh của đối tác ngoại

Hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước bắt đầu quay lại đường đua nhằm thâu tóm Sabeco. Mục tiêu của các bên đã rõ, song những bài học xương máu từ trường hợp của Habeco khiến Sabeco phải toan tính nhiều hơn.
Sabeco dự kiến bán 53% cổ phần
Sabeco dự kiến bán 53% cổ phần

Chính thức khởi động

Sau nhiều lần rậm rịch và đề xuất thoái vốn theo nhiều tỷ lệ khác nhau và gây tiếng vang với giới đầu tư, mới đây, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bộ Công thương đã khởi động lại tiến trình thoái vốn tại doanh nghiệp này khi trình Chính phủ phương án bán 53% cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 89% xuống còn 36%.

Đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần Sabeco cả trong và ngoài nước, trong đó có một số tên tuổi như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình, Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan), SAB Miller (Mỹ), InBev (Bỉ), v.v.

Hiện Heineken nắm giữ 5% cổ phần tại Sabeco và cũng có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Heineken đang sở hữu 70% cổ phần của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam.  Tuy nhiên, ThaiBev lại là nhà đầu tư quyết liệt nhất trong thương vụ mua cổ phần Sabeco.

Từ tháng 11/2014, khi Sabeco có ý định tái cấu trúc vốn và bán 53% cổ phần, ThaiBev đã ngỏ ý muốn sở hữu số cổ phần trên và định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD.

Đến tháng 2/2015, ThaiBev lại lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này thấp.

Bài học đắt giá từ Habeco

Đối với Sabeco, việc chọn cổ đông chiến lược thật không dễ dàng dù tiêu chí lựa chọn đã rõ. Trước đó, lãnh đạo Sabeco đã có tiêu chí chọn một đối tác chiến lược về ngành bia và một đối tác chiến lược về ngành nước giải khát, thực phẩm. Mỗi đối tác chiến lược sẽ được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ của Sabeco.

Vấn đề lấn cấn đối với Sabeco được rút ra từ bài học của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Thời điểm Habeco muốn tìm cổ đông chiến lược, hàng loạt tên tuổi đã đua nhau đưa ra các điều kiện, những cam kết muốn “ăn ở” lâu dài với Habeco, trong đó có Carlsberg (Đan Mạch).

Carlsberg là tên tuổi có vị thế thứ ba trên thị trường bia thế giới, với cách làm việc rất thiện chí, mong muốn gắn bó lâu dài. Đáp ứng được tiêu chí của Habeco là cùng ngành nghề, có công nghệ, thương hiệu, tài chính, quản trị mạnh, song lý do chính khiến Habeco dành sự ưu ái cho Carlsberg là Carlsberg cam kết hỗ trợ Habeco phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cấp quản trị doanh nghiệp. Nhưng chính hợp đồng này lại trở thành vướng mắt với Habeco sau này.

“Sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết đó. Điều rủi ro và gây khó khăn cho chúng tôi hiện nay là họ tham gia HĐQT và nắm rõ hết chiến lược phát triển của Habeco, cách phát triển thị trường, kênh phân phối”, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco cho biết. Câu chuyện của Habeco rất có thể lặp lại với Sabeco.

Hiện tại, Sabeco vẫn giữ nguyên tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là khống chế các đối tác cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với Sabeco. Cách này giúp Sabeco an toàn hơn trước chiến lược ma mãnh của các đối tác ngoại trên thế giới. Đặc biệt, Sabeco thuê tư vấn nước ngoài và làm chặt chẽ các cam kết trong điều khoản hợp đồng ký kết.

Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco, hiện là Vụ trưởng thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công thương) cho biết: “Chúng tôi không trình tên các đối tác, nhưng tôi dự đoán, khả năng Chính phủ sẽ theo Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về bán cổ phần theo lô, đấu giá, ai mua cao thì bán”.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có kiến nghị lên tân Bộ trưởng Bộ Công thương, lãnh đạo Habeco và Sabeco về việc hai doanh nghiệp này cần thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước. VAFI cho rằng, Habeco và Sabeco đã đủ điều kiện lên sàn để thoái vốn nhanh hơn, nhưng trì hoãn không chịu lên.

Tuy nhiên, theo ông Tuất, 2 doanh nghiệp này rất sốt sắng lên sàn. Riêng với Sabeco, vướng mắc hiện nay là hệ thống quản trị công nghệ thông tin tài chính chưa chuẩn, chưa đáp ứng được hệ thống thông tin tài chính nhanh nhạy của việc lên sàn.

Trong khi đó, theo ông Tuất, không ai đảm bảo Sabeco lên sàn sẽ bán được nhiều tiền hơn cho Nhà nước.

Ngoài ra, nếu bán trên sàn còn có thêm mối lo mất thương hiệu. “Mỗi quốc gia cần có thương hiệu điển hình cho nền kinh tế. Nhiều thương hiệu hiện nay bị rơi vào tay người Thái, như hệ thống bán lẻ vậy. Nếu không có chính sách ưu tiên với nhà đầu tư trong nước thì hàng Việt sẽ bị đối xử như thế nào, đi về đâu? Nếu Sabeco về tay các nhà đầu tư trong nước sẽ có lợi hơn cho kinh tế Việt Nam”, ông Tuất nhấn mạnh.

Theo Báo đầu tư