Cổ phần hóa đang dần chậm lại

VietTimes – Trong 8 tháng đầu năm 2016, trên cả nước đã cổ phần hóa được hơn 40 doanh nghiệp (DN), thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2015 (95 DN).
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại - (Ảnh minh họa)
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại - (Ảnh minh họa)

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết việc cổ phần hóa chậm nguyên nhân khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động từ thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn.

Tuy nhiên, ông Tiến nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan do việc quyết liệt hay chưa của Bộ, ngành và sự quyết liệt phải được thể hiện ở nhiều góc độ, tổng thể chẳng hạn việc cổ phần hoá xong phải được bàn giao về SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán xong nhiều DN chưa làm được.

Thực tế, việc CPH của nhiều DN chưa triển khai tốt còn do lãnh đạo còn “tâm tư”, vì khi Nhà nước bán hết thì “ở đâu”. Người ta tính toán sao cho vẫn ở lại DN hoặc ít nhiều có lợi ích ở đó nên việc CPH chậm.

Về bán vốn, quy trình, quy chế có rồi nhưng DN tổ chức không mặn mà với việc bán vốn để CPH; còn nhà đầu tư thì đủ thông tin nên không mặn mà tham gia phiên đấu giá. Đó là các rào chắn cản trở sự tham gia của nhà đầu tư.

Ông Tiến cũng cho biết, số lượng cổ phần hóa đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các DN lớn, vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị DN sau quá trình này.

Về việc số tiền thu được sau quá trình cổ phần hóa, ông Tiến cho hay, một phần trong số tiền này sẽ được tái đầu tư cho DN Nhà nước để thu hút đầu tư, còn lại theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Một phần còn lại sẽ sử dụng để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội ví dụ như: Bệnh viện trọng điểm các tuyến; chi hỗ trợ chương trình nông thôn, chống biến đổi khí hậu,...

Ông Tiến cũng cho rằng, trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn chế, nếu có thêm nguồn chi đầu tư phát triển này là cần thiết. Các nội dung chi này là nhiệm vụ của nhà nước khi mà các DN không mặn mà vì không sinh lời do là các công trình cộng đồng, xã hội.