Có phải là hành vi “tham nhũng tương lai”?

VietTimes -- Trong 2 tháng, Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện 2 cơ quan, đơn vị bỏ qua tiêu chí khi sắp xếp, bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý mà Đảng quy định. Đó là biểu hiện của “những chuyến tàu vét”, hệ lụy của căn bệnh “hoàng hôn nhiệm kỳ” mang động cơ không trong sáng hay chỉ là những sai sót về mặt kỹ thuật?
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều lời nói, bài viết về công tác cán bộ hết sức sâu sắc.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều lời nói, bài viết về công tác cán bộ hết sức sâu sắc.

Đúng ngày cuối cùng của tháng 7 này, Thanh tra Bộ Nội vụ đưa ra thông tin về kết quả thanh tra tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức ở Bộ Tài nguyên và môi trường. Điều bất ngờ với dư luận là trong nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng, thì có những trường hợp bổ nhiệm và bổ nhiệm lại nhưng thiếu các tiêu chí.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, trong thời gian từ tháng 1/2016 đến hết tháng 9/2018, Bộ Tài nguyên và môi trường đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhiều công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc chưa đúng trình tự bổ nhiệm. Cụ thể: 1 trường hợp cán bộ được bổ nhiệm thiếu bằng cao cấp lý luận chính trị; 57 cán bộ thiếu bằng trung cấp lý luận chính trị; 4 cán bộ được bổ nhiệm thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương. 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng..., trong số này có 3 người thiếu tại thời điểm bổ nhiệm.

Bộ Tài nguyên và môi trường có hàng chục trường hợp bổ nhiệm dù không đủ điều kiện
Bộ Tài nguyên và môi trường có hàng chục trường hợp bổ nhiệm dù không đủ điều kiện

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng phát hiện 2 trường hợp tuyển dụng công chức không qua thi tuyển năm 2011, 2012. Kiểm tra 80 hồ sơ tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt của Bộ Tài nguyên và môi trường, Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện 4 trường hợp không gửi văn bản thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng.

Trước đó, vào tháng 6/2019, sau khi thanh tra tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc về công tác này, Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện tới 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Trong 2 tháng, 2 công bố thanh tra được phát đi và đã tìm ra rất nhiều sai phạm trong công tác nhân sự. Thử hỏi, nếu thanh tra hết các bộ, ngành, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị nhiều “màu mỡ”, nơi dễ xảy ra tiêu cực thì sẽ có bao nhiêu cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý.

Dư luận gọi chung những biểu hiện này là hành vi “tham nhũng tương lai”. Bởi hệ lụy dễ nhìn thấy nhất là tỷ lệ cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sẽ tăng nhanh và dĩ nhiên, nếu giao việc quan trọng cho những đối tượng cán bộ thiếu năng lực phụ trách thì tỷ lệ thành công liệu có được bảo đảm chắc chắn.  

Tổng cục Thuế có tới 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dù chưa đủ tiêu chuẩn
Tổng cục Thuế có tới 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dù chưa đủ tiêu chuẩn

Đảng ta đã từng đúc rút kinh nghiệm xương máu: Chủ trương, chính sách của Đảng chỉ đúng khí cán bộ các cấp có năng lực, uy tín và tận tâm, tận lực thi hành một cách công tâm, khách quan. Nhưng chủ trương, chính sách của Đảng sẽ méo mó, thậm chí là thất bại nếu để đội ngũ cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín và thi hành theo kiểu đặt ích quốc gia, dân tộc, địa phương xuống dưới lợi ích cá nhân.

Thế nên, để đạt được các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, Đảng ta quy định cán bộ phải đạt được các điều kiện cần và đủ về năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ, uy tín và chứng chỉ đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ... Những bắt buộc này được tích hợp thông qua các chỉ thị, quy định của Đảng và được phổ biến tới các đối tượng cụ thể, đồng thời Đảng cũng có các hướng dẫn thi hành rất chi tiết.

Nhiều người nhận thức rằng, việc quy định tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ cụ thể không chỉ để cán bộ phấn đấu mà còn qua đó để Đảng sàng lọc, lựa chọn và sử dụng cán bộ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài. Thế nhưng, điều đáng buồn là những quy định ấy lại không đi vào thực tiễn đời sống.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có tìm ra được những trường hợp cán bộ “chạy tiêu chí” bằng tiền hoặc mối quan hệ để được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Hoặc là trong số những cán bộ ấy, liệu cơ quan chức năng có làm rõ được những sai phạm của họ trong thời gian tại vị.

Dư luận cũng nghi ngờ rằng, việc sai sót về mặt kỹ thuật trong bổ nhiệm cán bộ thiếu các tiêu chí là rất ít có khả năng xảy ra. Bởi bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng có đội ngũ giúp việc nắm rất chắc quy định.

Đặc biệt hơn nữa là khi người đứng đầu đưa ra các quyết định nhân sự sai mà cấp ủy không có ý kiến phản biện, thì quả là sai phạm nghiên trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Đây là việc cần phải xem xét thấu đáo để xác định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy cũng như tính chiến đấu trong tổ chức đảng.    

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”.

Thế nên, để không có suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong nội bộ thì vấn đề đầu tiên là phải thực hiện đúng quy định của Đảng công tác cán bộ.

Chỉ có làm đúng mới mong ngăn chặn được hiện tượng “tham nhũng tương lai” một cách kịp thời và hiệu quả. Đây cũng chính là giải pháp để người tài, cán bộ liêm khiết không bị vẩn đục.