Có nên chia năm học thành 4 kỳ?

Nhiều hiệu trưởng cho rằng đề xuất chia năm học thành bốn kỳ, rút ngắn thời gian nghỉ hè là tư tưởng mới, hợp thời, nhưng phải xem xét cẩn thận.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố xây dựng kế hoạch đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo chia năm học thành bốn kỳ học, tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần.

Theo ông Chung, việc thay đổi khung thời gian năm học giúp kích thích tiêu dùng, phân bố lại giao thông và kích cầu du lịch.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh giá đề xuất của Chủ tịch UBND Hà Nội "hay và hợp lý". Từ trước đến nay, có nhiều ý kiến chia một năm học thành nhiều kỳ với nhiều kỳ nghỉ, nhưng đến bây giờ mới có tiếng nói từ Chủ tịch thành phố.

Việt Nam có thói quen là học một mạch rất dài - 9 tháng (hầu như học liên tục), sau đó nghỉ hè cũng rất dài - 3 tháng. Thậm chí, thời gian năm học được chia như vậy đã trở thành truyền thống, đi vào thơ ca. Theo thầy Bình, có lẽ vì vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ngại thay đổi.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia chia năm học thành nhiều kỳ, thông thường là bốn kỳ, ví dụ Pháp, Australia, thầy Bình cho rằng Việt Nam cần thay đổi để phù hợp với xu thế. Điều này đem lại lợi ích nhất định, có thể sớm nhìn ra được. "Chia năm học thành nhiều kỳ giúp học sinh giảm áp lực, căng thẳng kéo dài vì phải học liên tục nhiều tháng, đồng thời cũng giúp các em dễ bắt nhịp lại việc học hơn nhờ thời gian nghỉ giữa mỗi kỳ được rút ngắn", thầy Bình nói.

Về thời gian nghỉ giữa kỳ, thầy Bình nhận định đề xuất nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày và hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần là hợp lý. Tuy nhiên, thời gian nghỉ giữa các kỳ có thể điều chỉnh phù hợp với từng địa phương dựa trên khung thời gian năm học chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Ví dụ, miền núi phía Bắc có thể nghỉ đông dài hơn do thời tiết giá lạnh, khắc nghiệt.

Nếu năm học được chia thành bốn học kỳ như đề xuất của Chủ tịch UBND Hà Nội, việc thi cử cũng phải được tổ chức lại sao cho gọn và hợp lý thay vì chỉ dồn lại vào dịp hè như hiện tại. Với giáo viên, việc bồi dưỡng trong hè, tham gia công tác coi thi cũng phải sắp xếp lại và vẫn phải đảm bảo để giáo viên được nghỉ đủ hai tháng theo luật định.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng đề xuất chia năm học thành bốn kỳ là "hợp lý, đi theo xu thế toàn cầu". Tuy nhiên, nếu được chấp thuận, phương án này phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc chứ không thể chỉ áp dụng với Hà Nội hay một số tỉnh thành, bởi có nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo cần sự đồng bộ.

Theo Hiệu trưởng Khang, nếu năm học được chia thành bốn kỳ, chương trình học có thể chia thành bốn module kiến thức ngắn gọn, giúp học sinh ôn tập và kiểm tra học kỳ thuận lợi hơn so với việc chia làm hai học kỳ như hiện nay với khối lượng kiến thức mỗi kỳ khá nhiều.

Thầy Nguyễn Xuân Khang ngồi cùng học sinh trong lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Dương Tâm
Thầy Nguyễn Xuân Khang ngồi cùng học sinh trong lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Dương Tâm

Cùng cho rằng đề xuất của UBND Hà Nội là tư tưởng mới, nhưng thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), lại cho rằng chỉ cần chia lại thời gian nghỉ trong năm thành hai kỳ nghỉ hè và đông thay vì chỉ nghỉ hè như hiện nay. Việc học 9 tháng liên tục và nghỉ hè 3 tháng đã tồn tại vài chục năm nay do đặc điểm thời tiết Việt Nam ba tháng hè rất nóng bức. Tuy nhiên, để phù hợp với thế giới, với nền kinh tế - xã hội đang biến đổi hàng ngày, việc thay đổi là cần thiết.

"Chia một năm học thành nhiều học kỳ có thể tác động đến nhiều vấn đề nên không cần thiết mà chỉ cần rút ngắn thời gian hè lại còn hai tháng và để dành một tháng để nghỉ dịp Tết, coi như là nghỉ đông. Hiện, cả thế giới nghỉ đông dài ngày trong khi Việt Nam cứ nghỉ ngắt quãng 1-2 ngày Tết Dương lịch rồi lại 7-10 ngày Tết Âm lịch", thầy Hòa kiến nghị.

Với cách này, năm học vẫn duy trì hai học kỳ và việc sắp xếp chương trình học sẽ thuận tiện hơn. Hết học kỳ 1, học sinh được nghỉ một tháng và hết năm học được nghỉ hai tháng. Điều này cũng giúp học sinh đỡ căng thẳng vì học liên tục và đỡ quên kiến thức vì nghỉ liên tục. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có đủ thời gian nghỉ ngơi và bồi dưỡng dịp hè mà không bị xáo trộn nhiều.

Trước mối lo ngại việc học sinh nghỉ quá dài trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm, thầy Hòa cho rằng nếu việc nghỉ hè và nghỉ đông được quy định rõ ràng, có kế hoạch trước thì phụ huynh có thể chủ động trong việc sắp xếp gửi con bởi nó không khác gì nghỉ hè như hiện tại.

"Các trường tư vẫn có kế hoạch mở các lớp quản lý học sinh, lớp ngoại khóa, bổ trợ, trại hè để giúp phụ huynh trông con trong dịp hè kéo dài. Nếu giờ có nghỉ đông, các trường cũng sẽ có những lớp tương tự. Phụ huynh có nhu cầu thì đăng ký hoặc không có thể tự quản lý, cho con về quê, giúp con học thêm nhiều điều trong cuộc sống", thầy Hòa chia sẻ.

GS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM, không bày tỏ quan điểm ủng hộ hay không việc chia lại thời gian năm học, nhưng cho rằng đó là vấn đề cần nghiên cứu bởi khá phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và cần thiết trong bối cảnh xã hội có nhiều nguy cơ, như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thời tiết bất thường.

Với phương án như Chủ tịch UBND Hà Nội đưa ra, thầy Sơn nhận định sẽ tạo ra một số thuận lợi nhất định như học sinh có thể tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực và đảm bảo thời gian vừa sức với các kỳ học không quá dài, các kỳ nghỉ có thể gây cảm xúc tích cực. Hơn nữa, việc bố trí chương trình sẽ có nhiều chặng, rất khả thi là với chương trình giáo dục phổ thông mới và bối cảnh hiện nay. Đây cũng có thể là phương án tác động thuận lợi cho giảng viên, giáo viên về nhu cầu học tập, nguyện vọng nâng cao trình độ.

Tuy vậy, thầy Sơn chỉ ra một số khó khăn cần quan tâm như sự lo lắng, căng thẳng của phụ huynh vì những biến đổi nhất định ở lịch học, kỳ học, kỳ nghỉ; sự xáo trộn và thay đổi mang tính xã hội; sự chuyển đổi mang tính hệ thống của nhiều ngành nghề và các ban ngành trong xã hội.

"Nói chung, đây là vấn đề cần xem xét bài bản và khoa học cũng như cần có nghiên cứu hệ thống, sự tác động của đề xuất. Vấn đề bối cảnh dịch hiện nay, hay các tác động khác là căn cứ xem xét, nhưng cần đảm bảo tính biện chứng, khả thi để có thể thử nghiệm thay vì đồng thuận nhưng chưa đầy đủ cơ sở cần thiết", thầy Sơn nói.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khai giảng năm học sẽ vào ngày 5/9, thời gian kết thúc học kỳ I là 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Học sinh học 9 tháng liên tục (không tính nghỉ lễ), sau đó sẽ có 3 tháng nghỉ hè. Số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất là 37; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.

Theo VnExpress