Ngành Thông tin và Truyền thông:

“Cơ hội trăm năm” cho chuyển đổi số toàn diện

VietTimes – Đại dịch COVID-19 trở thành “cú hích” trăm năm của chuyển đổi số quốc gia, trong đó ngành mở đường, nhận vai trò tiên phong cho công cuộc chuyển đổi này chính là Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi bên lề Hội nghị về công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Minh Sơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi bên lề Hội nghị về công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Minh Sơn.

Đó là quan điểm của lãnh đạo Bộ TT&TT được trao đổi tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa diễn ra ngày 6/7. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước.

Biến "nguy" thành "cơ"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động khối các cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp dưới áp lực của tình trạng dịch bệnh đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển.

Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt cũng đã rất nhạy bén, nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội để xây dựng và triển khai các nền tảng, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2020, Đảng và Nhà nước đã “biến nguy thành cơ”, giúp Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong tất cả các lĩnh vực.

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Thông tin và Truyền thông được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Minh Sơn
Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Thông tin và Truyền thông được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Minh Sơn

Trong bối cảnh khó khăn ở giai đoạn đầu năm 2020, ngành TT&TT đã lựa chọn, tìm ra những định hướng, quyết sách phát triển đúng đắn, đưa ra những quyết định sáng suốt, coi khó khăn thách thức là cơ hội cho ngành phát triển. Cùng với Đảng và Chính phủ, chúng ta đã giành thắng lợi trên mặt trận chống và đẩy lùi COVID-19, hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ đề ra.

Cụ thể, theo sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn ngành đã thu được những kết quả tích cực, được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, ngành Bưu chính đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ bưu chính công ích của Nhà nước trong đại dịch COVID-19, đạt được kết quả tăng trưởng khả quan.

Về viễn thông, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các đơn vị viễn thông đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp nền tảng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cũng như từng người dân trong phòng chống dịch bệnh. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.

Do chịu tác động của dịch COVID-19 (đặc biệt là trong tháng 4/2020), tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đến hết tháng 5/2020 đạt 52.849 tỷ đồng, giảm 4,85% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 130,44 triệu thuê bao, giảm 7,5 triệu thuê bao so với cùng kỳ. Trong đó, thuê bao di động là xấp xỉ 127 triệu, giảm 6,9 triệu thuê bao so với cùng kỳ; thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định đạt 15,71 triệu, tăng 2 triệu so với cùng kỳ; thuê bao băng rộng di động (3G, 4G) là 65,33 triệu, tăng hơn 8 triệu so với cùng kỳ.

Sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn ngành đã thu được những kết quả tích cực, được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Minh Sơn
Sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn ngành đã thu được những kết quả tích cực, được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Minh Sơn

Chuyển biến lớn về ứng dụng công nghệ

Theo ghi nhận, Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng CNTT nhất trong phòng chống COVID-19, với hơn 20 ứng dụng phục vụ Ban chỉ đạo, cơ quan chức năng và người dân trong công tác phòng chống dịch.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam đã ra mắt những nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các Bộ, ngành, địa phương cả nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế là hai bộ đầu tiên, công bố hoàn thành mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm tạo ra đột phá về thanh toán điện tử, phục vụ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để người dân tiếp cận với các dịch vụ và trả phí như y tế, giáo dục, tài chính…trên nền tảng Internet.

Có thể nói, 6 tháng đầu năm qua, Việt Nam đã có những bước chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động khối các cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dưới áp lực của dịch bệnh COVID-19 đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt cũng đã rất nhạy bén, nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội để xây dựng và triển khai các nền tảng, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Theo đánh giá, khó khăn đầu năm 2020 đã trở thành cơ hội - “cú hích” trăm năm thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia, với vai trò tiên phong của ngành Thông tin và Truyền thông.

Vinh danh 89 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về phòng, chống COVID-19

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ TT&TT đã tặng bằng khen cho 36 tập thể và 53 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định 1083 khen thưởng 36 tập thể và 53 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đó là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí như: ViettelPost, EMS, VNPT, MobiFone, Viettel, Hanoi Telecom, FPT, DTT, CMC, InfoRe, Bkav, AIC, nhóm Memozone TP.HCM…

Bà Nguyễn Hiền Phương - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom - một trong những đại diện nhận khen thưởng của Bộ TT&TT về thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Hiền Phương - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom - một trong những đại diện nhận khen thưởng của Bộ TT&TT về thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ TT&TT cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã kịp thời ban hành Chỉ thị 05 ngày 2/2/2020 hiệu triệu toàn ngành tham gia phòng, chống dịch.

“Các doanh nghiệp công nghệ số đã cống hiến trên 100% sức lực, làm bất kể ngày đêm, đồng hành cùng cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý CNTT để xây dựng và vận hành các ứng dụng thông minh phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Bộ TT&TT nhận định.