Cơ hội hồi phục nào cho VN-Index?

VietTimes – Thị trường chứng khoán toàn cầu có dấu hiệu hồi phục và niềm tin vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang là cơ sở để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Diễn biến được nhà đầu tư trong nước đặc biệt quan tâm trong những phiên giao dịch gần đây là những biến động của thị trường chứng khoán thế giới, đứng đầu là thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số DowJones đã ghi nhận những mức giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử, mối lo ngại lan rộng khiến thị trường chứng khoán Châu Á cũng “đỏ lửa” suốt 2 phiên giao dịch vừa qua. Nhà đầu tư đã quen với biến động tăng giá khá ổn định của TTCK Mỹ, tỏ ra hoảng loạn khi diễn biễn biến thị trường có những sự dao động lớn.

Nguyên nhân một phần là do các nhà đầu tư lo ngại rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vượt dự báo của Phố Wall, sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Dòng vốn đầu tư, vì vậy, cũng đã có sự chuyển dịch từ các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Việt Nam) để quay trở lại Mỹ khiến cho các thị trường này lao đao. Nhìn nhận khách quan, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng các yếu tố mang tính chất nền tảng của nền kinh tế thế giới vẫn đang rất vững vàng.

Quay trở lại với TTCK Việt Nam, phiên hôm nay (7/2) đang hội tụ khá nhiều cơ hội để có thể đảo chiều lấy lại sự cân bằng cho nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã có sự đảo chiều ngoạn mục trong phiên, dù khá vất vả, nhưng đây cũng sẽ là tín hiệu tốt để giúp nhà đầu tư lấy lại sự tự tin.

Bên cạnh đó, diễn biến trong phiên giao dịch ngày 6/2, dù khởi đầu với tâm lý hoảng loạn, đã cho thấy dấu hiệu dòng tiền quay trở lại với thị trường. Cụ thể, nhiều mã cổ phiếu Blue-chips đã đón nhận dòng tiền bắt đáy mạnh từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, một số mã phải kể đến như: VIC, VRE, VCB, … Điểm sáng tiếp theo rong phiên hôm qua là việc khối ngoại đã mua ròng hơn 4.000 tỷ đồng, cho thấy thị trường Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế. Đà giảm điểm đã được thu hẹp đáng kể cũng đã tạo ra những tín hiệu tích cực về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt tăng trưởng của TTCK Việt Nam vẫn đến từ triển vọng kinh tế vĩ mô. Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng cũng đã nêu quan điểm này trong những kiến giải cho “cơn hoảng loạn” trên sàn chứng khoán. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Hưng đã dẫn lại nhận định của một định chế tài chính hàng đầu thế giới về Việt Nam: Tuần trước Ngân hàng UBS - ngân hàng nhiều năm được nhận giải Ngân hàng có đội ngũ nghiên cứu phân tích uy tín đứng đầu thế giới - đã ra báo cáo “Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua” dự báo Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo, và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững chứ không quá nóng. Lý do họ đưa ra nhận định trên là Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, đây là yếu tố khác biệt so với những thời kỳ tăng trưởng mạnh trong quá khứ luôn đi kèm với lạm phát ở mức rất cao.

Thị trường đỏ lửa trong những ngày qua phần nào thể hiện yếu tố tâm lý bị tổn thương mang tính chất thời điểm. Tốc độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã và đang phần nào phản ánh thực trạng tích cực của nền kinh tế. Mặc dù vậy, trong xu hướng tăng, sự hoạt động của dòng tiền nóng và tâm lý nhà đầu tư sẽ tạo ra những phiên biến động khó lường, do đó nhà đầu tư cần phải có chiến lược tài chính hợp lý nhằm bảo toàn thành quả.