Cơ hội cho thương mại điện tử và logistics trên nền tảng viễn thông tốc độ cao ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tốc độ TMĐT tăng trưởng cao, tỷ lệ người dùng Internet và smartphone lớn cũng như mục tiêu phủ sóng băng thông rộng cố định, di động tốc độ cao vào năm 2025 sẽ tạo điều kiện cho TMĐT và logistics phát triển mạnh.
Áp dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng mạng viễn thông tốc độ cao sẽ giúp ngành logistics và TMĐT phát triển mạnh ở Việt Nam
Áp dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng mạng viễn thông tốc độ cao sẽ giúp ngành logistics và TMĐT phát triển mạnh ở Việt Nam

Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 dựa trên nghiên cứu Google Economy SEA 2021, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng trung bình 29% giai đoạn 2020-2025. Tỷ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất. Thời gian trung bình sử dụng Internet qua các nền tảng khác nhau là 6 giờ 47 phút. Tỷ lệ người dùng tham gia mua sắm trên Internet đạt 88%. Đây là những tiền đề rất thuận lợi để thương mại điện tử và logistics phát triển mạnh.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thành Kiên, phụ trách dịch vụ Hạ tầng số - VNPT VinaPhone - bên lề Hội thảo World Mobile Broadband 2022 tổ chức sáng 9/3 tại Hà Nội.

PV: Logistics được xem là một trong những ngành nghề trọng điểm, có tiềm năng của Việt Nam nhưng hiện trạng phát triển của lĩnh vực này tại nước ta ra sao thưa ông? Cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế như thế nào?

Ông Trần Thành Kiên: Việt Nam được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics, một ngành có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 4.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Trong số các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ, 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Năm 2021 là năm kinh tế - xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với những đợt giãn cách xã hội và gián đoạn sản xuất, lưu thông kéo dài. Bối cảnh đó đặt Logistics vào vai trò kép, vừa tạo ra giá trị riêng của ngành kinh tế, vừa đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh chung trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với Thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.

PV: Các doanh nghiệp Việt nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu và yếu ở những điểm nào? Và hiện trạng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp ra sao?

Ông Trần Thành Kiên: Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.

Với đối tượng là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tượng khách hàng đa dạng thì chuyển đổi số được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Nhiều doanh nghiệp đã đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất qua các ứng dụng Mobile. Qua đó, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,…

ông Trần Thành Kiên tham luận tại hội thảo World Mobile Broadband 2022 do IDG phối hợp Với Hiệp hội Vô tuyến Điện tử và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức sáng 9/3

ông Trần Thành Kiên tham luận tại hội thảo World Mobile Broadband 2022 do IDG phối hợp Với Hiệp hội Vô tuyến Điện tử và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức sáng 9/3

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như (1) Thiếu kỹ năng số và nhân lực, (2) Thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, (3) Thiếu tư duy chuyển đổi kỹ thuật số và giải quyết các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng đã tiếp cận và đầu tư sử dụng các giải pháp công nghệ số như: (1) Điện toán đám mây, (2) Các giải pháp về đảm bảo an toàn dữ liệu, xác thực điện tử; (3) Số hóa một số tác vụ doanh nghiệp lên môi trường số: quản lý thông tin khách hàng, triển khai các hệ thống văn bản điện tử, chữ ký số, hóa đơn điện tử … (4) Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; (5) Một số đơn vị đã thử nghiệm triển khai các giải pháp Blockchain, AI trong hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp. Tận dụng khoa học công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp; từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Dễ nhận biết nhất là doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí vận hành, tăng hiệu suất lao động; tiếp cận và đáp ứng khách hàng tốt hơn và lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác hơn khi chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng các công nghệ hiện đại.

PV: Ông có thể nêu một số giải pháp công nghệ của VNPT có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn?

Ông Trần Thành Kiên: Ở thời điểm này, khi chuyển đổi số đã trở thành hơi thở cuộc sống thì VNPT không chỉ là nhà cung cấp hạ tầng, mà chính là đơn vị sáng tạo giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Thương hiệu chuyển đổi số của VNPT giờ đây chính là hệ sinh thái, là nền tảng công nghệ cao như: AI, IoT, Big Data, Blockchain để giải quyết các bài toán chuyển đổi số cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện, VNPT là nhà cung cấp các giải pháp số có hệ sinh thái số phong phú trải dài trên tất cả các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, thành phố thông minh… Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia thành công với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ… đã cho thấy sự đóng góp lớn của VNPT.

Bộ giải pháp của VNPT tập trung vào các nội dung: Thứ nhất, xây dựng hạ tầng số và nền tảng số, hệ thống dữ liệu tập trung của đơn vị. Thứ hai là các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Thứ ba, ứng dụng các công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, kinh doanh để giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định thông minh. Thứ tư là các giải pháp an toàn bảo mật để bảo đảm kết nối an toàn cũng như nâng cao nhận thức về an toàn thông tin. Cùng với đó, VNPT đưa ra các giải pháp, sản phẩm cụ thể phục vụ cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp, trong đó có các mô hình nhà máy thông minh, văn phòng thông minh, định danh điện tử eKYC…

Trong giai đoạn ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các bộ giải pháp thiết thực cấp bách cho doanh nghiệp như: Hóa đơn điện tử, chữ ký số, xác thực điện tử eKYC, CRM, dịch vụ Cloud… do VNPT cung cấp dưới dạng dịch vụ. Bên cạnh đó, tại giai đoạn trung hạn các doanh nghiệp nên xem xét các phương án dịch chuyển hạ tầng lên môi trường số nhằm tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, đồng thời cân nhắc sử dụng các ứng dụng SAAS để tạo sự linh hoạt trong truy cập (Ứng dụng quản lý nhân sự, phần mềm quản lý chuyên biệt cho các ngành y tế, giáo dục, quản trị doanh nghiệp … ).

Tại giai đoạn dài hạn các doanh nghiệp có thể cân nhắc quá trình chuyển đổi số gắn với mô hình kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp để tạo sự đột phá (Ứng dụng Big Data, AI, IOT để tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh).