Có hay không chuyện 'thanh trừng nội bộ' ở Eximbank

Hàng loạt thông tin liên quan đến Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) thời gian gần đây khiến dư luận băn khoăn, trong đó nổi cộm là các khoản lỗ, cổ phiếu bị đưa vào cảnh báo, thay đổi nhân sự...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để làm sáng tỏ, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh những vấn đề “nóng” này.

Không phải nơi sát phạt nhau

* Thị trường có thông tin ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank có đơn xin từ nhiệm sau chưa đầy 4 tháng đảm nhiệm, xin ông cho biết thực hư của chuyện này?

- Tôi khẳng định đây là tin đồn thất thiệt, ác ý và không có cơ sở. Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tung tin này. Ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank, đang quyết liệt cùng với các thành viên HĐQT và Ban Điều hành cải cách Eximbank. Chúng tôi và cán bộ công nhân viên (CBCNV) Eximbank đã cảm nhận được làn gió mới trong tư duy quản trị và chiến lược phát triển của Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và HĐQT nói chung. Các bạn sẽ sớm thấy những thay đổi cụ thể.

Thay đổi nhân sự cấp cao ở Eximbank trong thời gian gần đây khiến thị trường cũng như nội bộ ngân hàng đặt câu hỏi về việc có hay không sự thanh lọc, thậm chí còn gọi là “thanh trừng” những người cũ, thưa ông?

- 6.300 CBCNV là tài sản lớn nhất của Eximbank. Chúng tôi đủ tỉnh táo để hiểu rằng, Eximbank cần đội ngũ CBCNV năng lực, chuyên nghiệp, không có lý do gì phải “thanh lọc” hoặc “thanh trừng”. Eximbank là một tổ chức kinh tế rất cần người tài và thiện tâm xây dựng, không phải nơi sát phạt lẫn nhau.

Ban Điều hành Eximbank đã có sự sắp xếp lại nhân sự, phân công đúng việc, đúng người, đúng chuyên môn. Từng cá nhân, đặc biệt là những người tài, người có năng lực và có tấm lòng xây dựng Eximbank, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình thông qua quá trình làm việc, đào tạo, giao quyền hạn và trách nhiệm phù hợp.

Chúng tôi cũng hiểu rằng, sau hơn 6.300 CBCNV đang làm việc tại Eximbank đồng nghĩa với việc có hơn 6.300 gia đình sống trong sự che chở của họ, nên vấn đề quan trọng là làm sao tạo ra môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, khuyến khích họ phát huy năng lực để có thể mang thành quả lao động chính đáng về cho gia đình chứ không phải “thanh trừng” tước đi miếng cơm manh áo của mọi người. 6.300 CBCNV hãy tin vào tài năng của chính mình, khai mở nó, để cùng Eximbank phát triển minh bạch, tháo gỡ khó khăn về tổ chức, về thị trường để phát huy năng lực cao nhất.

* Ông có thể nói rõ, cụ thể hơn sự thay đổi đó là gì?

- Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ thực hiện một số cải cách như tái bố trí, tuyển dụng, đào tạo, tái đào tạo nhằm đảm bảo năng lực, đạo đức nghề nghiệp của CBCNV tạo nên văn hóa minh bạch trong hoạt động của từng nhân viên. Về dài hạn, Eximbank sẽ xây dựng hệ thống quy trình nội bộ có sự kiểm soát lẫn nhau, hiệu quả, dễ áp dụng, đề cao trách nhiệm cá nhân, trong đó bao gồm chỉ số đo lường hiệu quả (KPI). Áp dụng quy trình này, cá nhân hay nhóm cá nhân không còn cơ hội để làm sai, tránh né, tạo nên môi trường hiệu quả minh bạch cho toàn hệ thống.

Rất may, với đội ngũ hiện tại, hoạt động kinh doanh của Eximbank vẫn diễn ra bình thường với những kết quả lạc quan. Đến cuối quý 1/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 123.263 tỉ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỉ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 500 tỉ đồng. Chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng và ngọn lửa nhiệt huyết trong mắt của 6.300 CBCNV, chỉ cần biết thắp lên thôi thì Eximbank sẽ vững mạnh.

Sẽ sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo

* Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu Eximbank đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8.4. Các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Eximbank tỏ ra lo lắng, vậy theo ông, Eximbank xử lý thế nào để thoát khỏi tình trạng này?

- Nên hiểu rõ hai khái niệm: cảnh báo của HOSE và kiểm soát đặc biệt hoàn toàn khác nhau. Vị trí của HOSE là khi thấy có khoản lỗ lớn, thì phải báo cho công chúng, còn kiểm soát đặc biệt là khi ngân hàng trong tình trạng tài chính rất xấu, cần có sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Tình trạng tài chính của Eximbank và triển vọng là tốt, không có chuyện kiểm soát đặc biệt. Eximbank khai báo khoản lỗ tích tụ trong quá khứ trong quá trình minh bạch hóa và HOSE cảnh báo là việc bình thường. Đây là hoạt động mang tính kỹ thuật thông thường của HOSE đối với những tồn đọng trong quá khứ của Eximbank.

Khoản lỗ lũy kế 817,5 tỉ đồng phát sinh từ những năm 2010 đến 2013 và đã được báo cáo tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 12.2015. Khoản lỗ lũy kế này xuất phát từ việc Eximbank bán tài sản cố định là bất động sản cho Công ty cổ phần bất động sản E Xim (Eximland) và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2010 - 2013. Đây là ghi nhận chưa phù hợp quy định nên ngân hàng đã điều chỉnh hồi tố lợi nhuận chưa phân phối vào thời điểm ngày 31.12.2014.

Ban lãnh đạo mới đang cố gắng minh bạch những vấn đề tồn tại của Eximbank trước đây để giải quyết. Với những kết quả hoạt động đạt được trong quý 1/2016 như đã nêu ở trên, Eximbank đã và tiếp tục thực hiện hạch toán phân bổ đầy đủ các khoản chi phí dự phòng, rủi ro, tăng năng lực tài chính để cổ phiếu Eximbank sớm ra khỏi diện cảnh báo.

HĐQT và Ban Điều hành Eximbank hiện nay đang phối hợp với các cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC là một định chế tài chính hàng đầu đến từ Nhật Bản và nhà đầu tư chiến lược đã đồng hành với Eximbank từ năm 2008) xây dựng đề án giúp Eximbank vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyên nghiệp hơn. Đề án này dự kiến sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới. Tôi tin, các bạn sẽ nhìn thấy Eximbank là một cải cách điển hình, là một mô hình thành công trong cuộc vật lộn giữa tư duy cũ và tư duy mới trong quản trị minh bạch và có trách nhiệm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, hoạt động của Eximbank riêng trong 2015 đã thể hiện trạng thái ổn định, an toàn. Tổng tài sản của ngân hàng năm 2015 là 124.850 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế là 61 tỉ đồng; các quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế có số dư tích lũy hơn 1.500 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,86% tổng dư nợ. Sau khi trích lập dự phòng và xử lý tồn đọng, lợi nhuận trước thuế ở mức 61 tỉ đồng. Chỉ số an toàn vốn CAR là 17,03%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 48,79% và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi là 78,65%.

Theo Thanh niên