Có doanh thu cao gấp đôi NTP và BMP cộng lại, Nhựa Opec của ai, lớn cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Doanh thu không hề thua kém thậm chí vượt trội so với nhiều “ông lớn” cùng ngành đang niêm yết, tuy nhiên, Nhựa Opec chỉ thu về vài chục tỉ đồng tiền lãi trong giai đoạn 2016 - 2019.
Công ty cổ phần Nhựa Opec
Công ty cổ phần Nhựa Opec

Liên tục gia tăng vốn

Công ty Cổ phần Nhựa Opec, tiền thân là Nhà máy Nhựa Á Châu, được thành lập từ tháng 9/2009, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất túi xốp, bao bì nhựa, hạt nhựa...

Công ty ban đầu có vốn điều lệ 55 tỉ đồng do 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đinh Đức Thắng (30,25 tỉ đồng); ông Nguyễn Đức Hà (5,5 tỉ đồng), ông Nguyễn Minh Tú (19,25 tỉ đồng).

Trải qua nhiều đợt tăng vốn, theo thay đổi kinh doanh gần nhất, quy mô vốn điều lệ của Nhựa Opec đã tăng gấp 10 lần, lên mức 550 tỷ đồng. Công ty này sở hữu 2 nhà máy sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên và tại Km 56, Quốc Lộ 5, TP. Hải Dương với tổng diện tích gần 10ha đã đi vào hoạt động từ năm 2012.

Hiện tại, ngoài trụ sở chính tại tầng 13, Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội, Nhựa Opec còn có các Văn Phòng đại diện và nhiều trung tâm Logistics tại 3 Miền Bắc – Trung – Nam, cùng các văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia, Philipines, Trung Quốc, Dubai và Hoa Kỳ.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Opec đạt 7.210 tỉ đồng, gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu thậm chí đã tăng gấp hơn 8 lần trong khoảng thời gian này, đạt mức 675 tỉ đồng vào cuối năm 2019.

Phần lớn tài sản của Nhựa Opec vẫn được tài trợ từ nguồn vốn nợ, với tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản thường xuyên duy trì trên 90% dù tỷ lệ này đang có dấu hiệu giảm dần. Việc sử dụng đòn bẩy ở mức cao đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của Nhựa Opec.

Có doanh thu cao gấp đôi NTP và BMP cộng lại, Nhựa Opec của ai, lớn cỡ nào? ảnh 2

Doanh thu cao gấp đôi Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cộng lại

Thực tế quá trình mở rộng quy mô cũng giúp doanh thu Nhựa Opec tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2019, qua đó bỏ xa nhiều “ông lớn” cùng ngành nhựa đang niêm yết có thể kể đến như Nhựa An Phát Xanh (mã AAA), Nhựa Tiền Phong (mã NTP) hay Nhựa Bình Minh (mã BMP).

Năm 2019, Nhựa Opec ghi nhận 16.162 tỉ đồng doanh thu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2018. Chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với mức doanh thu kỷ lục 9.258 tỉ đồng của Nhựa An Phát Xanh đạt được vào năm 2019. Thậm chí, doanh thu của Nhựa Opec còn cao gần gấp đôi tổng doanh thu của 2 “đại gia” Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cộng lại.

Dù vậy, việc sử dụng đòn bẩy dường như đã bào mòn phần lớn lợi nhuận của Nhựa Opec. Năm 2019, doanh nghiệp này chỉ thu về vỏn vẹn 37 tỉ đồng lãi thuần, giảm tới 64% so với năm trước đó. Biên lợi nhuận ròng vỏn vẹn 0,22% tương đương 1.000 đồng doanh thu chỉ mang về hơn 2 đồng lãi.

Lợi nhuận không theo kịp quá trình tăng vốn khiến các tỷ suất sinh lời của Nhưa Opec chỉ ở mức thấp. Năm 2019, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vỏn vẹn 0,5% trong khi hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng chỉ ở mức xấp xỉ 5,5%./.