Có địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến thiệt hại lớn trong bão số 12

VietTimes – Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đưa đánh giá này tại cuộc họp thường trực BCĐ Phòng chống thiên tai sáng 5/11.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp thường trực BCĐ Phòng chống thiên tai sáng 5/11. Ảnh: VOV
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp thường trực BCĐ Phòng chống thiên tai sáng 5/11. Ảnh: VOV

Theo thông tin từ cuộc họp, tính tới sáng 5/11, đã có 49 người chết và mất tích do bão số 12. Trong đó, có 27 người chết (Khánh Hòa 16, Bình Định 3, Lâm Đồng 3, Đắk Lắk 1, 4 người do sự cố tàu vận tải), còn lại 22 người vẫn mất tích.

Thiệt hại về tài sản gồm có 28.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 529 nhà đổ sập, gần 1.500 bè nuôi thuỷ sản bị cuốn trôi. 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định có gần 100 tàu bị chìm, trong đó 8 tàu vận tải, 17 thuyền viên mất tích.

Hàng loạt địa phương đã mất điện diện rộng, trong đó các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà (trừ thành phố Nha Trang), Bình Định (trừ huyện Tam Quan) mất điện toàn tỉnh, các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đắk Nông mất điện 3-5 huyện.

Đáng lo ngại, sau bão số 12 là mưa dồn dập trên diện rộng, cường độ lớn khiến gia tăng nguy cơ lũ diện rộng và sạt lở, lũ quét tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Dự kiến mưa còn kéo dài đến 7/11

Hiện, lũ trên các sông chính đang lên nhanh và đã vượt mức báo động 3, lũ các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam và nam Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Có nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh từ Huế - Phú Yên.

Đánh giá về công tác chỉ đạo phòng chống bão số 12, Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận xét có sự lúng túng, có địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến thiệt hại lớn.

Ông Hoài dẫn chứng bằng thực tế, các địa phương đã gọi được hơn 70.000, tàu thuyền đánh cá vào bờ, nhưng dường như lại “bỏ quên” tàu vận tải, kết quả là nhiều tàu vận tải đã đắm. Rồi việc thống kê thiệt hại cũng rất nghiệp dư, “Bình Định hôm qua báo chìm 8 tàu, nay lại báo lên 10 chiếc” - ông Hoài dẫn chứng, và yêu cầu địa phương này phải làm rõ nguyên nhân vì sao có 3 người dân bị chết do nhà sập trong bão, có phải do chủ quan, do sơ tán dân chưa quyết liệt ?.

Việc làm rõ này là vì khả năng đáp ứng yêu cầu của các văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh hiện nay đang rất thấp. Nhiều nơi đang rất khó khăn về con người và trang thiết bị nên khó khăn trong tham mưu, chỉ đạo điều hành. Đồng thời phải làm rõ để “báo cáo Thủ tướng, phải rút kinh nghiệm chi tiết để lấy đó làm bài học cho các địa phương” - ông Hoài khẳng định

Ngay trong chiều 5/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chỉ đạo phải mời các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn tham gia tính toán vận hành xả lũ liên hồ chứa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du, nhất là đúng thời điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC.

Thông tin cập nhật mới nhất cho biết, do mưa lớn và ảnh hưởng của việc nhiều thủy điện xả lũ trong đêm đã làm nhiều vùng ở Quảng Nam và thành phố Huế bị ngập sâu.

Thành phố Huế ngập sâu trong nước. Ảnh: ZingThành phố Huế ngập sâu trong nước. Ảnh: Zing