"Có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ"

“Có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Nước mình thường theo một chiều. Đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở. Nếu công tác cán bộ nếu cứ giữ an toàn, lên từng nấc, từng nấc, thì không ai dám làm gì cả”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc

Việc sử dụng lãnh đạo trẻ trên thế giới là một điều bình thường, tuy nhiên, ở Việt Nam lại được coi là mới. Ông lý giải thế nào về điều này?

Ông Dương Trung Quốc: Nhìn nhận công bằng, chính chúng ta đang đánh mất truyền thống của mình! Việc sử dụng nhân tài trẻ các cụ ta đã làm từ xa xưa, từ ngày đầu dựng nước. Dân gian có câu “Hậu sinh khả uý”, hay dân dã hơn là “Con hơn cha là nhà có phúc”! Vì ý thức và nếp nghĩ ấy, nên người xưa luôn quan tâm, đào tạo và giao việc cho lớp trẻ từ rất sớm.

Nếu để ý, trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, bao giờ cũng hiện hữu hai chữ “thanh niên”. Trước năm 1929, tổ chức Cộng sản đầu tiên có tên là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tờ báo cách mạng đầu tiên cũng là Báo Thanh niên. Điều gì cũng là thanh niên, là những người trẻ xông pha không ngại thử thách. Đọc những bài thơ của những chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, sẽ thấy họ luôn nghĩ đến chuyện khơi dậy năng lực của lớp trẻ. Và, trong xã hội truyền thống ấy, vai trò của những người lớn tuổi, những người giàu kinh nghiệm cũng rất cao.

"Có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ" ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: thethaovanhoa

Với một đất nước có nhiều nhiều biến chuyển trọng đại như chúng ta thì luôn luôn phải nhìn lớp trẻ, để chờ mong vào sự đổi mới. Đó là tính tất yếu. Vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt là Trần Phú, khi nhận nhiệm vụ chỉ mới 26 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận chức bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ Chính phủ Lâm thời - một trong những chức vị quan trọng nhất lúc bấy giờ - khi mới 34 tuổi.

Kể lại những dẫn chứng ấy để thấy, giờ đây, bộ máy cán bộ của chúng ta đã già đi quá nhiều trong khi xu thế chung, thế giới đang ngày càng cần trẻ hơn rất nhiều. Kinh nghiệm không còn giữ vị trí quan trọng như ngày xưa nữa. Điều quan trọng nhất là trao quyền đúng lúc, đúng người.

Cơ chế chọn người giao nhiệm vụ cần tiếp tục thay đổi như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Có những vị lãnh đạo lớn tuổi rời chức vụ mà người dân vẫn nuối tiếc, và cũng có những người trẻ được đề bạt nhưng nhân dân vẫn chưa tin tưởng. Như vậy lại quay lại vấn đề: không được để tuổi tác trở thành một điểm hạn chế.

Mặt khác, chúng ta đang có một cái nhìn rất “siêu hình” về khái niệm cán bộ trẻ. Ngày xưa 20 tuổi được coi là trẻ, nhưng bây giờ, với những cán bộ 40 tuổi vẫn được coi là trẻ. Vậy thế nào là trẻ? Chúng ta đang rất mơ hồ về khái niệm này.

Tôi cho rằng, những biến chuyển gần đây về xu hướng sử dụng người trẻ là những thay đổi mang tính tích cực. Tuy vậy, nếu nhìn thẳng thắn, điều đó vẫn còn rất chậm và nhiều điểm chưa hợp lý.

Để có đội ngũ lãnh đạo trẻ tài - đức, chúng ta cần làm gì?

Ông Dương Trung Quốc:  Tuổi sinh học và tuổi năng lực không phải là một, không nhất thiết là một.

Đừng nhìn vào lý lịch. Phải tập trung xem người được chọn đó có đúng chuẩn không. Chuẩn ở đây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như quy định của nhà nước, pháp luật, minh bạch, dân chủ.

Và quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ, nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở nước mình thì cứ theo một chiều hướng, đã lên thì lên mà đã xuống thì không lên nữa. Đấy là điều rất dở. Công tác cán bộ nếu cứ giữ an toàn, lên từng nấc, từng nấc thì không ai dám làm gì cả.

Để đánh giá đúng năng lực của một người trẻ không có gì hơn đó chính là cơ chế dân chủ, là sự lựa chọn và tín nhiệm của người dân. Sự lựa chọn ấy chính xác hơn rất nhiều sự lựa chọn của một cá nhân hay một tổ chức. Tất nhiên, những cá nhân, tổ chức có chuyên môn, có kinh nghiệm, có trách nhiệm là rất cần thiết, nhưng không nên coi đó là duy nhất.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!